. Phóng viên: Dự hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Bộ Tư pháp, ông có phát biểu rằng nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo không phát hiện ra tham nhũng nhưng người dân không tin... Cá nhân ông có tin không?
+ Ông Phạm Trọng Đạt: Báo cáo người ta không phát hiện được thì hoặc do cơ chế hoặc do nhận thức của họ về tham nhũng có thể ở tội khác chứ không phải tội tham nhũng nên họ không đưa vào báo cáo. Về pháp luật, khi chưa ra tòa thì chưa thể kết luận có phạm tội tham nhũng hay không.
Còn các cơ quan, các chi bộ, tổ chức đảng không tự phát hiện ra tham nhũng, đó là yếu kém thì đúng rồi. Tham nhũng hiện chủ yếu được phát hiện qua các cơ quan khác, qua công luận, qua tố giác của người dân... Việc tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ rất ít, gần như không có.
Lỗi cơ chế
. Ông vừa đề cập tới nguyên nhân “do cơ chế”, vậy cơ chế đã “có lỗi” gì, thưa ông?
+ Chúng ta phát động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng lại chưa khơi dậy được sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống mà chỉ một số thôi. Ngoài ra, cơ chế hiện nay không rõ ràng. Chẳng hạn theo quy định, Thanh tra Chính phủ chỉ là một nguồn cung cấp cho cơ quan điều tra dấu hiệu về tham nhũng thôi chứ không được quyền gì cả…
. Thực tế cho thấy số ít trường hợp tự phát hiện tham nhũng chủ yếu lại do nội bộ mâu thuẫn, đấu đá, thanh trừng lẫn nhau. Ông nghĩ sao về điều này?
+ Đúng là người tố cáo chủ yếu do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích hoặc thành tích của bản thân thì họ tố cáo thôi. Việc tố cáo nội bộ có thể do nhiều động cơ rất khác nhau nhưng xuất phát từ tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, từ ý thức, trách nhiệm có thể cũng có nhưng không phải nhiều.
. Cũng có nguyên nhân do cơ chế bảo vệ người tố cáo tiêu cực không tốt nên đa phần lựa chọn im lặng?
+ Cũng có thể do cơ chế pháp luật bảo vệ người chống tham nhũng của ta chưa tốt khiến họ sợ bị trả thù nhưng đó không phải nguyên nhân chính. Nguyên nhân chính, theo tôi, có thể do lợi ích nhóm, do bệnh thành tích, do trách nhiệm người đứng đầu…
Xét xử đại án tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD
Trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ
. Theo ông, quy định về trách nhiệm người đứng đầu còn bất cập, hay vấn đề do thực thi chưa nghiêm?
+ Thứ nhất, do quy định trách nhiệm người đứng đầu vẫn chung chung, chưa cụ thể được. Thứ hai, việc chứng minh tội phạm tham nhũng không phải thời gian một sớm một chiều có thể làm ngay được, trong khi phải kết luận được đúng là tham nhũng mới xử lý trách nhiệm người đứng đầu được. Đôi khi việc xử lý chưa nhanh, chưa kịp thời khiến người ta cảm thấy người đứng đầu không có trách nhiệm gì.
Thứ ba, cũng chưa có một chế tài xử lý mạnh mẽ, cũng chỉ xử lý về mặt tổ chức hành chính. Đã để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình quản lý, khi xử lý trách nhiệm người đứng đầu phải rất mạnh mới răn đe, làm gương được. Tất nhiên, nếu người đứng đầu thông đồng thì họ phạm tội rồi.
. Vậy cần quy định cụ thể thế nào?
+ Một chủ tịch tỉnh để tình trạng tham nhũng xảy ra ở tỉnh anh nhiều, anh có phải chịu trách nhiệm không phải rõ ra. Bí thư tỉnh ủy có phải chịu trách nhiệm không, tương tự, lãnh đạo bộ cũng thế. Hoặc cấp phó phụ trách trực tiếp có phải chịu trách nhiệm không cũng phải quy định rõ. Hành vi nào và mức độ đến đâu phải có hình thức xử lý tương xứng, quy định thật cụ thể thì mới xử lý được. Chứ bây giờ rút kinh nghiệm cũng được, khiển trách cũng được hoặc kể cả mất chức… thì rất khó.
. Để hoàn thiện cơ chế phát hiện tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đề xuất hướng sửa Luật PCTN thế nào?
+ Sửa luật thế nào phải dựa vào tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN, phải xác định rõ hiện nay bất cập ở đâu, cái gì nên bỏ, cái gì phải tăng cường. Các giải pháp hình thức thì có cần tăng cường hay không. Về mô hình, có nên thành lập một cơ quan chuyên trách độc lập không... Tất cả cái đó đều liên quan đến cơ chế phát hiện, xử lý tham nhũng.
. Kinh nghiệm các nước liên quan đến vấn đề tự phát hiện tham nhũng thế nào, thưa ông?
+ Một số nước có cơ quan chuyên trách thu thập thông tin, thu thập tố giác, điều tra, xác minh, truy tố. Một cơ quan làm từ A đến Z có thể là ủy ban chống tham nhũng quốc gia hoặc cơ quan điều tra chống tham nhũng… Cơ quan này trực thuộc ai thì phải tính nhưng điều kiện tiên quyết là phải độc lập với các ngành có khả năng tham nhũng. Ví dụ, Chính phủ là đối tượng để chống tham nhũng chứ Chính phủ không chỉ đạo chống tham nhũng được.
Chỉ một cơ quan nhưng được trao đủ quyền, đủ mạnh, đủ cơ sở pháp lý thì làm được hết. Trong trường hợp đặc biệt phải có quyền lực đặc biệt, tổ chức đặc biệt, phương pháp đặc biệt thì mới làm được, chứ cứ phát động phong trào thì khó lắm!
. Xin cám ơn ông.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương PHẠM ANH TUẤN:
Người đứng đầu “dính” tiêu cực, tự phát hiện tham nhũng yếu
Phát hiện tham nhũng trong nội bộ yếu vì người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ và chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, đấu tranh PCTN. Bên cạnh đó, người đứng đầu có tâm lý ngại va chạm, né tránh, biết nhưng không muốn nói.
Thứ hai là do hành vi tham nhũng có độ ẩn cao nên cũng khó phát hiện. Ngoài ra cũng không loại trừ nguyên nhân phát hiện tham nhũng trong nội bộ yếu do người đứng đầu cũng “dính” đến tiêu cực, tham nhũng nên chẳng dại gì lại đi đấu tranh, phát hiện tham nhũng trong nội bộ.
GS NGUYỄN MINH THUYẾT, nguyên đại biểu QH:
Có việc bao che, đùn đẩy
Tôi cho rằng cơ chế tự phát hiện tham nhũng của chúng ta hiện nay chưa phát huy tác dụng bởi một số lý do như Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, đã trình bày.
Thứ nhất, việc PCTN ít nhiều vẫn còn hình thức. Chẳng hạn như việc kê khai tài sản vốn là một biện pháp tự phát hiện và PCTN rất tốt đã không được thực thi triệt để. Những bản kê khai tài sản khi được điền xong, nộp cho cơ quan có thẩm quyền thường được… “cất trong hộc tủ”. Điều này làm cho công tác giám sát việc kê khai tài sản không có cơ sở để thực hiện. Trong khi lẽ ra việc kê khai tài sản này phải được công khai để người dân và các cơ quan chức năng có thể giám sát tính trung thực nhằm ngăn ngừa và phát hiện tham nhũng.
Thứ hai, phạm vi của công tác PCTN nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Không hẳn đó là những vùng cấm nhưng những vùng hạn chế vẫn còn làm giảm quyết tâm và những hành động chống tham nhũng cụ thể. Cũng chính vì vậy mà cơ chế tự phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức không phát huy được hiệu quả như mong muốn của cả hệ thống chính trị và người dân.
Cuối cùng, chúng ta không thể phủ nhận có việc bao che, đùn đẩy công tác phát hiện và PCTN. Ở một góc độ nào đó, chúng ta phải công nhận rằng bệnh thành tích cũng là một trong những nguyên nhân khiến tham nhũng có dịp nằm im, không được phát hiện. Một cá nhân của một cơ quan, tổ chức nếu bị phát hiện tham nhũng thì chắc chắn uy tín của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Hơn nữa nếu việc phát hiện tham nhũng rất khó khăn nên chăng đi tìm những gương điển hình không tham nhũng để tuyên dương nhằm nêu tấm gương sáng cho xã hội, cho hệ thống công quyền?
PGS-TS ĐẶNG NGỌC DINH, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng:
Tỉ lệ người tố cáo tham nhũng giảm mạnh
Liên tục trong năm năm vừa qua, chúng tôi thực hiện nghiên cứu (Dự án PAPI), trong đó có nội dung về cảm nhận tham nhũng của người dân. Một hiện tượng cần phải chú ý là năm 2011, trong số gần 15.000 người dân được hỏi cho biết khi bị vòi vĩnh, nhũng nhiễu trung bình từ 5 triệu đồng trở lên thì người dân sẽ tố cáo. Nhưng đến năm 2015, người dân nói rằng phải bị nhũng nhiễu trung bình từ 25 triệu đồng trở lên thì họ mới tố cáo, còn dưới mức đó là họ chấp nhận. Sức chịu đựng với tham nhũng của người dân ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với việc người dân đã “sống chung” với tham nhũng, kiểu con bệnh đã “nhờn” thuốc.
Đây là điều không tốt cho xã hội. Tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt đã trở thành câu chuyện thường ngày. Thế thì những vụ tham nhũng lớn cũng sẽ ít còn ý niệm với người dân nữa. Sự thờ ơ, mất niềm tin của người dân đối với việc chống tham nhũng là điều rất nguy hiểm. Một hiện tượng khác trong nghiên cứu của chúng tôi cũng minh chứng cho điều này là: Năm 2011, tỉ lệ người đã tố cáo tham nhũng đạt 9% số người được hỏi (một tỉ lệ rất thấp), thế mà đến năm 2015 tỉ lệ này chỉ còn 2,5%!
Chúng ta có thể hiểu rằng sức chịu đựng của người dân đối với tham nhũng tăng lên thì cũng đồng nghĩa với việc tỉ lệ tố cáo tham nhũng giảm xuống.
Ông HOÀNG MẠNH CHIẾN, cựu điều tra viên cao cấp Bộ Công an:
Cần hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính
Chủ trương PCTN của Nhà nước và Chính phủ thì rất đúng đắn nhưng chúng ta vẫn thiếu cơ chế hiệu quả để thực thi. Tính đến thời điểm này, BLHS đã được sửa đổi, bổ sung lần nữa nhưng một số hành vi tham nhũng vẫn chưa được hình sự hóa theo yêu cầu và nội dung của Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc. Trong đó đáng chú ý có loại hành vi làm giàu bất chính. Nếu được hình sự hóa, quy định này sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc chứng minh hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.
CHÂN LUẬN ghi
Theo PLO