Đó là một trong những nội dung của Nghị quyết số 124 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 6/10/2018 vừa qua.
Tại Nghị quyết này, với Bộ TT&TT, bên cạnh yêu cầu chú trọng phát triển công nghệ 4G/5G, tăng tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh, mạng Internet kết nối vạn vật để thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế số, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ TT&TT thời gian tới đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đế năm 2025.
Đồng thời, Bộ TT&TT được giao phối hợp với Bộ Công an kiên quyết xử lý các trường hợp đưa thông tin xấu, độc, sai sự thật; tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin để tạo điều kiện cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, Chính phủ điện tử; thúc đẩy thông tin, truyền thông tạo đồng thuận và niềm tin của xã hội, khát vọng dân tộc về một đất nước hùng cường.
Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thành Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Bộ Công Thương tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tăng hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng. Còn Bộ KH&CN được Chính phủ yêu cầu tăng cường giải pháp phát huy sức mạnh của đội ngũ tri thức khoa học trẻ Việt Nam ở trong nước và nước ngoài trong phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ.
Đối với Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ yêu cầu, Ủy ban này với cơ quan thường trực là Văn phòng Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Chính phủ điện tử theo phân công, bảo đảm tiến độ và hiệu quả.
Cùng với đó, Chính phủ còn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 của từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương, nhất là xây dựng khung pháp lý, quản lý hiệu quả các mô hình kinh tế ứng dụng CNTT.
Liên quan đến định hướng phát triển của ngành TT&TT thời gian tới, mới đây, trong kết luận buổi làm việc với Bộ TT&TT ngày 8/9/2018, mặc dù đánh giá cao những kết quả mà ngành đã đạt được trong thời gian qua, tuy nhiên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ một trong những tồn tại, hạn chế của ngành là việc phân bổ băng tần viễn thông phục vụ phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ mạng 4G, tiến tới 5G còn lúng túng, chậm trễ.
Nhấn mạnh nhiệm vụ giải pháp, trọng tâm ngành TT&TT cần tập trung triển khai thời gian tới là đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển hạ tầng viễn thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TT&TT khẩn trương phân bổ quyền sử dụng băng tần 2.6GHz theo quy định cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao chất lượng dịch vụ 4G và phát triển 5G; hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư, mua sắm, đặc biệt là thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước; phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, triển khai xây dựng hạ tầng phục vụ công nghiệp 4.0, phát triển kinh tế số nhất là về nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT&TT tập trung chỉ đạo phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, CNTT chủ lực, làm tốt vai trò đầu tàu, dẫn dắt về công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông để đưa nước ta từ nước nhập khẩu thành nước xuất khẩu, từ nước gia công phần mềm thành nước phát triển phần mềm. Ứng dụng công nghệ cao để ngày càng có nhiều sản phẩm CNTT mang nhãn hiệu “Made in Vietnam”, đưa nước ta trở thành cường quốc về CNTT, hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển thông minh trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, chuyển đổi nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ và sản xuất của cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin mạng; triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng, kịp thời cảnh báo, ứng cứu hiệu quả các sự cố; tăng cường phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phát triển Chính phủ điện tử; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.