Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thực hiện đề án xây dựng hệ tri thức Việt số hóa, Việt Nam sẽ huy động cộng đồng khoa học, các bạn trẻ yêu khoa học cùng hệ thống hóa các thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) của nhân loại và Việt Nam. Chương trình cũng khuyến khích các bạn trẻ viết nhiều ứng dụng để khai thác kho dữ liệu đó phục vụ yêu cầu thiết thực của cuộc sống.
Phó Thủ tướng mong rằng, Bộ KH&CN cùng những người làm công tác quản lý khoa học sẽ cùng nhau thực hiện tốt chương trình này để sự phát triển của khoa học không còn là khẩu hiệu: “Nếu khoa học không phát triển, chắc chắn Việt Nam sẽ tụt hậu. Chúng ta chỉ đi lên được nếu khoa học phát triển. Tinh thần này cần được thấm nhuần ở những người làm quản lý khoa học, quản lý các ngành khác và cần có chính sách thiết thực”.
Đầu tư cho khoa học ít nhưng phải hiệu quả
Nhắc đến vị trí của KH&CN Việt Nam so với các nước trên thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Tổng kết lại, trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới nhưng chúng ta còn rất kém về KH&CN".
Để vươn lên, nhất là trong thời điểm cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, khoa học phải được quan tâm và trở thành động lực. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, thậm chí cả quan niệm xã hội, trong 5 - 6 năm qua, số công trình công bố trên tạp chí ISI vẫn tăng 20%. Nhìn ra xung quanh, sự tăng trưởng này dẫu có cao nhưng mới chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/5 của Singapore.
Về số bằng sáng chế được cấp ở Việt Nam, theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, trong giai đoạn 5 năm trước đây, mức tăng là 60%/năm nhưng chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/11 của Malaysia, 1/30 của Singapore, 1/1240 của Hàn Quốc, 1/3170 của Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: “Chúng ta có trăn trở, day dứt không? Để cải thiện những con số này, không chỉ Bộ KH&CN hay Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vào cuộc mà chúng ta cần nhiều giải pháp đồng bộ từ thể chế kinh tế tới các chính sách về thuế, tài chính, đầu tư... Phải làm sao để nguồn lực đầu tư cho KH&CN, dù rất ít, chỉ khoảng 15.000 -16.000 tỷ đồng mỗi năm nhưng nếu sử dụng đúng cách thì hiệu quả vẫn tốt”.
Để làm được điều này, một trong những khâu cần làm là công khai, minh bạch tất cả các khâu. “Làm sao để từ lúc đặt đề tài đến quá trình làm, kết quả, ý kiến phản biện đều được công khai. Nếu đề tài tốt, xã hội, doanh nghiệp sẽ tìm cách ứng dụng, không cần phải nghiên cứu lại. Những đề tài không tốt, xã hội cũng sẽ đánh giá” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cần truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Một điều quan trọng khác cũng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc tới là công tác truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho sinh viên trong trường đại học và cả những người đã tốt nghiệp. Cơ quan quản lý về khoa học nên tạo ra hệ sinh thái có sự hỗ trợ cần thiết để người trẻ sẵn sàng hiến thân cho khoa học và có động lực để khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới cần có thêm hành động để những hiểu biết về khoa học trong nhân dân được tăng lên: “Bằng công cụ khoa học cần thiết, cần làm cho toàn dân, không chỉ các nhà khoa học, nhà quản lý mà cả những người nông dân cũng được trang bị kiến thức về KH&CN. Làm được điều này, người dân Việt Nam sẽ có được cuộc sống khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và công việc của họ cũng thực hiện hiệu quả hơn”.
Lấy ví dụ về trí thông minh nhân tạo, Phó Thủ tướng nhắc tới ứng dụng xử lý giọng nói. Đây là ứng dụng đã được nhiều nhóm nghiên cứu thực hiện, giúp chỉ đường, hướng dẫn địa điểm ăn uống, giải trí... “Nếu chúng ta có thể đưa những phần mềm này trở thành công cụ chỉ dẫn về kiến thức xung quanh, về pháp luật, sức khỏe, giúp người dân biết trồng cây gì, canh tác ra sao thì tốt biết bao” - Phó Thủ tướng gợi ý.
Theo Khoa học và Phát triển
http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/chinh-phu-da-phe-duyet-de-an-xay-dung-he-tri-thuc-viet-so-hoa/2017051802159387p1c785.htm