|
Mỹ và Trung Quốc đang tiến dần đến một cuộc chiến tranh thương mại. |
Donald Trump quyết tâm dùng đòn thuế quan ép Trung Quốc
Hôm 18/6, ông Donald Trump tuyên bố tiếp tục gia tăng mức thuế thêm 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu để đáp lại việc Trung Quốc tiến hành biện pháp trả đũa tương tự gia tăng thuế suất 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Sau đó ông Trump còn tuyên bố sẽ tiếp tục tăng thuế suất thêm nếu Trung Quốc có hành động đáp trả. Với tuyên bố này của ông Donald Trump, Trung Quốc đã đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại chưa từng có trong lịch sử, trong đó họ không thể sử dụng biện pháp trả đũa tương tự và thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc.
Biện minh cho hành động của mình, ông Donald Trump giải thích, việc Mỹ áp thuế suất tăng 25% đối với 50 tỷ hàng nhập khẩu của Trung Quốc là để buộc Trung Quốc thay đổi cách làm không công bằng về kỹ thuật và sáng tạo của Mỹ; đó cũng là bước đầu tiên để thực hiện sự cân bằng trong quan hệ thương mại hai nước (năm 2017 hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu Mỹ đạt 505,47 tỷ USD, trong khi hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc chỉ 129,89 tỷ USD, tính ra Mỹ đã nhập siêu tới 375,58 tỷ USD). Thế nhưng, thật bất hạnh, Trung Quốc lại quyết định trả đũa bằng cách cũng gia tăng mức thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa họ nhập khẩu của Mỹ.
|
Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao đao trước những đòn liên tiếp của Mỹ
|
Ông cho rằng, rõ ràng Trung Quốc không có ý định và không thay đổi cách làm không công bằng để đoạt lấy kỹ thuật và quyền sở hữu trí thuệ của Mỹ; không những thế, còn “đe dọa những công ty, công nhân và nông dân Mỹ vô tội”. Vì vậy, ông phải tuyên bố tăng thêm 10% thuế đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu; đồng thời chỉ rõ, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục phản kích, Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng thuế suất cao hơn nữa với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Theo Reuters, hôm 19/6, ông Navarro - Cố vấn thương mại của Nhà Trắng - đã lên tiếng cho rằng, Trung Quốc đã xem nhẹ quyết tâm của Tổng thống Donald Trump dùng biện pháp thuế quan để cưỡng ép Trung Quốc phải thay đổi chính sách thương mại kiểu cướp đoạt và cho rằng, trong bất cứ cuộc chiến tranh thương mại nào thì Trung Quốc cũng sẽ là bên bị thất bại thê thảm. Navarro nói, hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán để giải quyết vấn đề tranh chấp mậu dịch nhưng không có tiến triển, Mỹ chỉ có cách duy nhất là sử dụng thuế quan để bảo vệ lợi ích của mình.
Navarro nói: “Tôi cho rằng, có lẽ họ đã xem nhẹ quyết tâm mạnh mẽ của Tổng thống. Nếu họ nghĩ rằng có thể thông qua việc từng bước tăng giá thu mua chúng ta với giá rẻ mạt, khiến chúng ta cho phép họ tiếp tục đánh cắp quyền sở hữu trị tuệ và lấy đi viên ngọc trên vương miện, thì họ đã tính sai!”. (Trước đây, Lầu Năm Góc đã dùng cụm từ “Viên ngọc trên vương miện” để nói về kỹ thuật cao của Mỹ). Navarro nói: “Tổng thống Donald Trump đã cho Trung Quốc từng cơ hội để thay đổi hành vi xâm lược của họ nhưng họ đã không tận dụng. Họ thực sự sẽ bị thua một cách thê thảm trước chúng ta”.
|
Ông Peter Navarro (giữa) cho rằng Trung Quốc sẽ thua thê thảm trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ
|
Trung Quốc không thể áp dụng đòn trả đũa tương ứng
Sau khi thông tin về việc ông Donald Trump áp dụng biện pháp gia tăng thuế suất 10% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu, thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm 19/6 lập tức lao dốc: sàn chứng khoán Thượng Hải mất đứt 3,78%, có lúc xuống tới hơn 4%; sàn chứng khoán Thâm Quyến còn bị nặng hơn, sụt mất 5,31%; tính chung cả hai sàn tụt xuống dưới mốc 3000 điểm, có tới trên 1.300 mã cổ phiếu mất điểm và ngừng giao dịch.
Trung Quốc đã không thể tiến hành biện pháp trả đũa tương ứng như với lần trước vì 200 tỷ USD còn nhiều hơn tổng số hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ năm ngoái tới 70 tỷ USD; chính vì vậy trong khi Mỹ có thể áp mức tăng thuế đối với 300, thậm chí 400 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc thì Trung Quốc cũng chỉ có thể tăng mức thuế đối với 100 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Hôm thứ Ba (19/6), Ngân hàng trung ương Trung Quốc chỉ có thể thông qua cơ chế cho vay tiện lợi trung hạn (MLF) để bơm số tiền vốn 200 tỷ NDT (31 tỷ USD) cho các tổ chức tài chính vay thời hạn 1 năm, lãi suất 3,3%/năm nhằm xoa dịu nỗi lo ngại về khả năng thanh khoản cũng như những tác động về kinh tế trước cuộc chiến tranh thương mại đối với Mỹ.
Nhận xét về động thái này của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, ông Tommy Xie, người chủ quản bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Hoa kiều Đại Trung Hoa (OCBC Bank) cho rằng để nhằm ứng phó với ảnh hưởng tiềm tại của cuộc chiến tranh thương mại; khi Mỹ đưa ra mức 200 tỷ này thì Trung Quốc không thể tiếp tục chạy đua đối địch.
Hãng tin CNBC của Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã không còn cách nào giao đấu trực tiếp với Mỹ trong cuộc chiến thuế quan được nữa vì số hàng hóa Mỹ họ nhập vào không thể so sánh với kim ngạch họ xuất sang Mỹ bởi năm ngoái mức chênh lệch cán cân thương mại lên đến gần 376 tỷ USD nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc.
Tập đoàn Goldman Sachs thì phân tích cho rằng, giờ đây Trung Quốc chỉ có thể đưa ra đưa ra những biện pháp trả đũa khác như áp dụng các biện pháp áp chế các công ty Mỹ ở Trung Quốc, hạ giá đồng NDT, bán các tài sản và công trái Mỹ hay thay đổi chính sách về địa duyên chính trị như nới lỏng việc trừng phạt Triều Tiên…Thế nhưng, mỗi loại biện pháp trả đũa đều gặp trở ngại: trừng phạt các công ty Mỹ có thể vi phạm quy tắc của WTO; hạ giá đồng Nhân dân tệ sẽ có thể làm mất ổn định đồng tiền này vì việc hạ giá NDT năm 2015 đã dẫn đến việc nguồn vốn tháo chạy ra nước ngoài liên tiếp suốt mấy tháng trời khiến chính phủ Trung Quốc đứng ngồi không yên.
Việc bán công trái Mỹ cũng sẽ dẫn đến các khoản đầu tư của Trung Quốc mất giá, hiện Trung Quốc đang nắm giữ số công trái chính phủ của Mỹ trị giá tới 1.190 tỷ USD. Nới lỏng trừng phạt Triều Tiên sẽ tổn hại đến danh tiếng quốc tế của Trung Quốc và làm hại đến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, việc nước láng giềng này sở hữu vũ khí hạt nhân đối với Trung Quốc là họa chứ không phải phúc.
Có nhà bình luận ví von, mọi lần trước, sau khi Mỹ đưa ra quyết định gì, Trung Quốc đều lập tức có ngay đòn trả đũa tương ứng. Việc ông Donald Trump đưa ra quyết định tăng thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hôm 18/6, Trung Quốc lại không thể làm như mọi khi bởi họ đã “lương cạn, đạn hết”.
Ông Tạ Điền, Giáo sư Học viện Thương mại thuộc Đại học bang Nam Carolina (University of South Carolina) nói, bình tĩnh mà suy xét thì thấy hiện nay kinh tế Trung Quốc đang sa sút, năng lực sản xuất dư thừa, nếu tiến hành cuộc chiến tranh thương mại thì cái giá phải trả của Trung Quốc sẽ vượt xa Mỹ.
Ông cho rằng, chiến tranh thương mại cũng sẽ gây nên một số ảnh hưởng đối với Mỹ, nhưng chỉ là tạm thời và ngắn hạn, ảnh hưởng sẽ không lớn, cho dù giá cả có gia tăng nhưng khó khăn Mỹ gặp phải ít hơn Trung Quốc rất nhiều. Ông cho rằng, nếu nổ ra chiến tranh thương mại, Trung Quốc sẽ có thêm mấy chục triệu người thất nghiệp, có thể dẫn đến bất ổn xã hội, trong trường hợp xấu nhất thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của chính quyền.
|
Ông Donald Trump quyết sử dụng thuế quan để buộc Trung Quốc lui bước
|
Liệu có phải hai nước đã bước vào cuộc chiến tranh thương mại?
Theo hãng CNBC của Mỹ, những động thái phát triển mới nhất khiến người ta lo ngại liệu Washington và Bắc Kinh có phải đã bước vào cuộc chiến tranh thương mại toàn diện?
Học giả Derek Scissors của Viện nghiên cứu xí nghiệp Mỹ bày tỏ, cuộc chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế quốc gia chứ không chỉ mấy ngành nghề.
Ông Max Baucus, cựu Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc cho rằng, nếu các biện pháp về thuế quan của hai bên đi vào thực thi, khi đó sẽ nổ ra chiến tranh thương mại.
Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố gia tăng mức thuế thêm 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu tuy làm tăng thêm cục diện căng thẳng về thương mại, nhưng ông Richard McGregor, nghiên cứu viên nổi tiếng của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy Institute cho rằng: chưa đạt tới mức xảy ra chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, Deborah Elms, người sáng lập và hiện đang là Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu mậu dịch Châu Á lại cho rằng, hiện nay thực tế đã xảy ra chiến tranh thương mại rồi!
Bất chấp những tranh cãi về tính hiện thực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo CNBC, các nhà đầu tư thành công nhất trên toàn cầu như Lloyd Blankfein, Warren Edward Buffett, Paul Tudor Jones…lại không tỏ ra lo ngại quá về cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước. Họ cho rằng, các nhà đầu tư không nên phản ứng quá mức đối với xung đột mậu dịch kiểu móc xích Mỹ - Trung. Họ dự đoán, hai nền kinh tế lớn này sau vài cuộc xung đột ngắn hạn, cuối cùng sẽ đạt được hiệp nghị khiến mọi người hài lòng.
Ông Lloyd Blankfein, Chủ tịch chấp hành Tập đoàn Goldman Sachs hôm 18/6 cho rằng, xung đột mậu dịch Mỹ - Trung sẽ không dẫn đến kinh tế đổ vỡ. Theo ông, diễn biến hiện nay là “một phần của mô thức đàm phán”, hai nước ắt sẽ tìm được một thỏa hiệp khiến cả hai có thể chấp nhận.
Hồi tháng trước, tỷ phú Warren Buffett cũng đã bày tỏ lạc quan trước việc hai nước tránh được xung đột thương mại nghiêm trọng. Còn Paul Tudor Jones thì cho rằng cần nhìn nhận vấn đề bằng tầm nhìn lâu dài.