Có thật kinh tế Trung Quốc “sắp vượt Mỹ”?
Nhiều dự báo trước đây cho rằng GDP của Trung Quốc sắp vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, mới đây, Conference Board - một tổ chức tư nhân có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu về kinh tế và kinh doanh - đã công bố những kết quả đánh giá khác hẳn về quy mô thực sự của nền kinh tế Trung Quốc.
Lấy ví dụ năm 2012, Conference Board đánh giá GDP của Trung Quốc đã được “thổi phồng” lên 36%, đạt 8.200 tỷ USD, trong khi thực ra quy mô GDP của nước này còn thua Nhật Bản khoảng 700 tỷ USD và do vậy không thể đứng thứ hai thế giới (dẫn đầu là Mỹ với hơn 15.700 tỷ USD).
Conference Board xem xét lại toàn bộ quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc và thấy rằng, trong giai đoạn 1952-1977 (giai đoạn tập trung kế hoạch), tỷ lệ tăng trưởng bình quân của kinh tế Trung Quốc là 4,2%/năm, không khác biệt nhiều so với thống kê chính thức.
Tuy nhiên, giai đoạn 1978-2017, tỷ lệ tăng trưởng trung bình của quốc gia này theo Conference Board chỉ là 7,2%/năm, kém con số chính thức là 9,8% đến 2,6%/năm. Sự khác biệt duy trì trong thời kỳ đại suy thoái 2008-2012, được cho là xuất phát từ phương pháp thống kê và cả lí do chính trị.
Về phương pháp thống kê, Bắc Kinh thường áp dụng 3 chỉ số để tính GDP là ngang giá sức mua, giá sản xuất và giá công nghiệp. Conference Board cho rằng những cách tính này đã “giúp” nâng sản lượng mà đánh tụt mức lạm phát.
Ngoài ra, cách tính sản lượng công nghiệp và giá trị gia tăng của doanh nghiệp trong tiến trình sản xuất cũng thổi phồng sản lượng, nhất là của các doanh nghiệp nhà nước. Conference Board dẫn một ví dụ, theo cách tính này thì khi làm lại một cây cầu bị sập, người ta đã tính cả tiền xây lẫn tiền sửa vào sản lượng; hoặc sắt xây dựng không dùng đến bị han rỉ, hay các khu chung cư cao cấp bị ế mà vẫn tính vào giá trị gia tăng.
Ảnh hưởng của yếu tố chính trị đối với ngành thống kê Trung Quốc thường biểu hiện qua hai hướng.
Một là, tổng sản lượng của các địa phương thường cao hơn thống kê tổng hợp của Trung ương, và sự khác biệt này càng mở rộng sau khi Trung Quốc gia nhập WTO. Nguyên nhân là do bệnh thành tích khiến con số thống kê bị thổi phồng. Đồng thời, một số địa phương còn cố xin thêm kinh phí từ trung ương để mở rộng sản xuất, bất chấp sản phẩm đã dư thừa, dẫn đến tình trạng tồn kho.
Hai là, sau đợt tổng rà soát kinh tế toàn quốc trong các năm 2004-2008, Trung Quốc đã điều chỉnh lại số liệu thống kê từ năm 1992-2004, nhưng giữ nguyên số liệu năm 1998. Lí do là cuộc khủng hoảng Đông Á năm 1997-1998 làm cho kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng Bắc Kinh vẫn sử dụng con số tăng trưởng cũ là 7,8% (chỉ tiêu 8%).
Conference Board cho rằng trên thực tế, năm 1998, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2%, thậm chí thấp hơn.
Nhìn lại 30 năm “huy hoàng” nhất, kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng bằng Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan trong cùng thời kỳ. Chưa kế, nếu tính GDP theo đầu người thì Trung Quốc mới đạt 9.142 USD/người, đứng thứ 92 thế giới, trong khi chỉ số này của Mỹ là 49.601 USD, đứng thứ 7 thế giới.
Nhìn chung, nguyên nhân không chỉ ở chỗ thống kê thiếu chính xác mà còn nằm ở hệ thống chính trị, mà khắc phục tình trạng này cần một khoảng thời gian dài với những khó khăn, trở ngại lớn. Giải quyết những chứng bệnh của một nền kinh tế lớn vẫn là một bài toán khó.
Conference Board nhận xét rằng, có thể ví nền kinh tế Trung Quốc với một anh chàng to xác nhưng đứng trên đôi chân “đất sét”. Chính vì vậy, tổ chức này đánh giá Trung Quốc vẫn đang là một cường quốc cấp khu vực.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ là dịp thử thách cho tham vọng của Trung Quốc (Ảnh: Internet)
|
Có phải Bắc Kinh đang “nắm dao đằng chuôi”?
Việc Trung Quốc nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ lên đến 1.120 tỷ USD làm nhiều người nghĩ rằng Bắc Kinh đang “nắm dao đằng chuôi” và có thể gây khó khăn cho Mỹ một khi giảm dần số lượng trái phiếu mà họ đang nắm giữ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, chính nền kinh tế Trung Quốc đang lệ thuộc vào Mỹ, và đây là vấn đề sống còn của Bắc Kinh!
Mọi chuyện xuất phát trước hết từ nội tại nền kinh tế Trung Quốc. Từ ba năm trở lại đây, Trung Quốc tập trung tái cân bằng cơ cấu kinh tế, cụ thể là nâng sức tiêu thụ nội địa và giảm dần sự lệ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu.
Trong khi chưa đạt được mục tiêu này thì Trung Quốc vẫn kích thích xuất khẩu bằng cách can thiệp vào thị trường ngoại hối, cụ thể là mua vào đồng USD và bán ra đồng nhân dân tệ. Họ mua tài sản tại Mỹ, mà là loại tài sản có mức an toàn nhất, được Chính phủ Mỹ đảm bảo, là trái phiếu chính phủ Mỹ.
Nói cách khác, Bắc Kinh đang thu về một lượng dự trữ ngoại tệ ước lên tới 3.119 tỷ USD USD, rồi đem số tiền đó mua vào trái phiếu của Mỹ.
Là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, liệu Trung Quốc tẩy chay thị trường trái phiếu Mỹ, tức là không cho Mỹ vay tiền nữa?
Câu trả lời là: Không! Bởi thị trường trái phiếu Mỹ có ưu điểm là sâu rộng và an toàn hơn hẳn mọi thị trường khác trên thế giới. Sâu rộng vì nó lớn hơn tổng thị trường của 5 nước lớn nhất sau Mỹ; an toàn vì nó có tính thanh khoản cao, tức là khi cần rút ra để lấy về tiền mặt thì rất nhanh và dễ dàng.
Khách hàng có thể lựa chọn cất giữ tài sản dưới dạng đồng Euro, đồng Yên, đồng Bảng hay đồng Franc Thụy Sĩ, cũng là những đồng tiền mạnh, nhưng những đồng tiền này có thị trường hẹp hơn nhiều so với đồng USD, do vậy chỉ cần rút 100 tỷ là có thể gây chấn động thị trường tiền tệ. Điều này giải thích tại sao Trung Quốc vẫn ưa thích việc mua, nắm giữ trái phiếu Mỹ.
Trong lĩnh vực thương mại, các con số thống kê cũng cho thấy Mỹ nhập siêu, tức nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu khi mua bán với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại nhìn thấy nơi đây mối lo của Bắc Kinh khi nền kinh tế Trung Quốc mắc “bệnh” “nghiện xuất khẩu”.
Vấn đề ở chỗ, Mỹ là đất nước tiêu thụ, mức mua sắm của người dân Mỹ chiếm đến 70% GDP. Thói quen này đã trở thành một nhược điểm của kinh tế Mỹ, song lại là một ưu điểm về mặt xã hội, trong khi người Trung Quốc không có được thế mạnh này do tiêu thụ nội địa kém. Người dân Mỹ chủ yếu mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, đến 80% là nội địa, chỉ khoảng 12% hàng hóa, dịch vụ là nhập từ bên ngoài (trong đó chỉ khoảng 3% là đến từ Trung Quốc), trong số này nhiều sản phẩm lại do doanh nghiệp Mỹ góp phần làm ra và xuất ngược về Mỹ. Nghĩa là, chỉ 12% thị trường tiêu thụ của Mỹ mà lại là nguồn sống cho nhiều nước trên thế giới.
Giả dụ, một khách hàng bỏ ra 500 USD để mua tại Mỹ một cái iPhone lắp ráp bên Trung Quốc. Để có món hàng “Made in China” này, doanh nghiệp Trung Quốc phải chi 11 USD mua bộ nhớ và xử lí âm thanh của Mỹ; chi 162 USD mua linh kiện xử lí hình ảnh của các nước khác; tổng “đầu vào” là 173 USD, cộng 7 USD công lắp ráp trước khi bán qua Mỹ với giá 180 USD. Doanh nghiệp Mỹ chi 180 USD để mua một iPhone lắp ráp bên Trung Quốc, cùng một số chi phí khác rồi bán cho người tiêu dùng với giá 500 USD.
Một số quan điểm cho rằng doanh nghiệp Mỹ bán hàng lẻ cho Trung Quốc được 11 USD, trong khi đã phải bỏ 180 USD để mua, cho nên “nhập siêu” 169 USD (gồm 162 USD Trung Quốc bỏ ra mua linh kiện từ nước khác, và 7 USD công lắp ráp). Trong khi đó, tại Bắc Kinh, phần đóng góp của Trung Quốc ghi nhận cho chiếc iPhone đó chỉ là vẻn vẹn 7 USD.
Cái gọi là “nhập siêu” là như thế đó.
Kinh tế Mỹ có nội lực riêng nên ít lệ thuộc vào xuất nhập khẩu, tức ít lệ thuộc vào nước khác. Kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào xuất khẩu đến gần một nửa, tức gấp đôi Mỹ và thực tế là nằm trong vòng kiềm tỏa của Mỹ. Như vậy, sức nặng thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ không hoàn toàn như người ta thường nghĩ.
Suy xét lại, Trung Quốc thực ra đang nắm lưỡi, còn nắm đằng cán chính là người Mỹ. Do vậy, trong cuộc chiến kinh tế đang diễn ra giữa hai nước, phần thiệt nhiều hơn có lẽ là Trung Quốc./.