Ngày 18.11, Hội nghị cấp cao APEC 2018 ở Papua New Guinea đã bế mạc mà không ra được tuyên bố chung. Đây là lần đầu tiên một hội nghị cấp cao APEC kết thúc mà không có tuyên bố chung kể từ năm 1993. Nước chủ nhà tiết lộ, nguyên nhân khiến hội nghị không đạt được bản tuyên bố chung là do hai nước Mỹ và Trung Quốc không tìm được nhận thức chung trong vấn đề mậu dịch và đầu tư.
The Wall Street Journal cho biết thêm, vốn dĩ 20 quốc gia thành viên ngoài Trung Quốc đã đồng ý về một văn bản tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo, nhưng Trung Quốc không chấp nhận một câu trong đó, tức “chúng tôi phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, bao gồm mọi hành vi mậu dịch không công bằng”. Vì vậy, hội nghị đã kết thúc chỉ với một bản tuyên bố của nước chủ nhà.
Tờ Epoch Times cho rằng, kết quả đáng buồn của Hội nghị APEC không chỉ thể hiện hai nước Mỹ - Trung còn tồn tại bất đồng lớn trong đàm phán mậu dịch, mà còn cho thấy cuộc chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới này khó có thể kết thúc trong thời gian ngắn tới đây.
Rốt cục, hai nước hiện đang tồn tại những bất đồng lớn gì trong quan hệ thương mại?
Thứ nhất, mậu dịch không công bằng, thị trường không mở cửa
Theo Epoch Times, thủ đoạn mậu dịch không công bằng và kinh tế thị trường không mở cửa là điểm tranh cãi chủ yếu trong quan hệ mậu dịch hai bên. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói: “Trung Quốc có rào cản mậu dịch rất lớn” bao gồm hạn ngạch nhập khẩu, cưỡng bức công ty nước ngoài chuyển nhượng công nghệ, lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và trợ cấp ngành nghề “với quy mô lớn chưa từng thấy”. Ông nhấn mạnh: “Mỹ kiên quyết không thay đổi đường lối cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành vi của họ”.
Phát biểu tại hội nghị APEC, ông Tập Cận Bình nói “Trung Quốc là nước đang phát triển” và tuyên bố: “đãi ngộ đặc thù và chênh lệch là hòn đá tảng quan trọng của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nguyên tắc đó không thể phủ định”. Nhưng, mọi người đều biết Trung Quốc hiện đã là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trước khi xảy ra chiến tranh thương mại, báo chí Trung Quốc vẫn thường xuyên nói rằng quy mô kinh tế Trung Quốc sẽ đuổi kịp và vượt Mỹ vào năm 2020.
Giờ đây thái độ của Trung Quốc đã thay đổi lớn, hạ giọng, như hy vọng được hưởng ưu đãi mà các quốc gia phát triển giành cho các nước đang phát triển trong WTO, duy trì hiện trạng, tiếp tục lợi dụng các thủ đoạn mậu dịch không công bằng, cùng lỗ hổng trong các quy tắc trò chơi để trục lợi từ các quốc gia thành viên WTO. Những bất đồng cốt lõi giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn không tìm được lời giải.
Ông Mike Pence: Mỹ kiên quyết không thay đổi lập trường của mình cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành vi của họ.
|
Thứ hai, lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ
Lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và cưỡng bức công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ là một điểm tranh cãi cốt lõi giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc cũng có cả một hệ thống luận điểm để biện bạch. Họ rao giảng “cần loại bỏ mọi trở ngại về mặt cơ chế, thể chế bất lợi cho sự sáng tạo, kích thích tiềm năng sáng tạo và sức sống thị trường... Các nước đều có quyền thông qua nỗ lực tự thân và hợp tác quốc tế để hưởng lợi về sáng tạo công nghệ. Thành quả sáng tạo công nghệ không nên bị phong tỏa, không nên chỉ trở thành công cụ kiếm lợi của một thiểu số người”.
Mỹ cho rằng đó là sự “quỷ biện và tư duy biến dị”. Sự bất đồng cốt lõi đó cũng chưa thể cởi bỏ được.
Chiến lược thứ nhất của Trung Quốc: vờ yếu để trục lợi, trì hoãn đàm phán
Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc có ít nhất hai chiến lược trong cuộc chiến mậu dịch lần này. Trước hết, trong phát biểu tại hội nghị APEC, về bề ngoài, lập trường của Trung Quốc đã từ “Lợi hại thay, nước chúng ta” lui xuống thành “quốc gia đang phát triển”. Trước khi diễn ra hội nghị Trung Quốc cũng bày tỏ muốn đạt được một hiệp nghị mậu dịch với Mỹ và gửi cho Mỹ một bản danh mục những nhượng bộ, xem ra có vẻ tràn đầy hy vọng về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Thế nhưng, trong danh mục đó đã “quên” mấy hạng mục trọng điểm mà phía Mỹ kiên trì yêu cầu. Nếu xem xét kỹ những nội dung Bắc Kinh phát biểu thì không chỉ bộc lộ những điểm bất đồng trong lập trường hai bên, khác biệt về giá trị mà Trung Quốc còn sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ để phê phán Mỹ.
Có ý kiến cho rằng, một mặt Trung Quốc dùng cách tỏ vẻ “yếu nhược” để duy trì hiện trạng mậu dịch, tiếp tục lợi dụng những lỗ hổng về quy tắc trò chơi của thể chế mậu dịch đa phương để trục lợi. Mặt khác cố ý dẫn dắt cuộc chiến thương mại chuyển sang “cuộc chiến đàm phán”, dùng tư thế “hòa đàm” để đổi lấy việc Mỹ tạm ngừng tăng thuế hoặc không tăng thuế. Đồng thời dùng các sách lược trong đàm phán để làm trì hoãn mục tiêu chiến lược của chính phủ Donald Trump, dùng cách “hoãn” để đợi “biến" (đổi).
Mục đích của Bắc Kinh rất có thể là “đóng băng hiện trạng, tạm thời cầm máu”, tìm mọi cách kéo dài qua cuộc bầu cử năm 2020. Chỉ cần khi đó ông Donald Trump không thể tái đắc cử sẽ là thời cơ để họ ra tay.
Chiến lược thứ hai: dùng mậu dịch đa phương để triệt tiêu sức mạnh của Mỹ
Trong bài phát biểu tại APEC của Trung Quốc lại xuất hiện các cụm từ “toàn cầu hóa kinh tế”, “quản lý toàn cầu”, tung hô “thể chế mậu dịch đa phương”. Bề ngoài Trung Quốc hô hào kinh tế tự do, mục đích thật sự là muốn dùng thể chế đa phương để áp đặt Mỹ, triệt tiêu yêu cầu “một đối một” và áp lực, chế tài của Mỹ nhằm buộc Trung Quốc quay trở về nền mậu dịch “công bằng và cùng có lợi”, “tuân thủ quy tắc trò chơi”…
Trước khi bế mạc Hội nghị cấp cao APEC xảy ra vụ 4 quan chức Trung Quốc để gây ảnh hưởng, tác động để sửa ngôn từ trong bản dự thảo tuyên bố chung đã xông vào văn phòng của Ngoại trưởng Papua New Guinea, nhưng bị cảnh sát ngăn chặn, buộc phải ra ngoài. Sự kiện này được cho là tiêu biểu cho kiểu làm ăn gian dối thao túng phía sau, đi cửa sau can dự và “nói một đằng làm một nẻo”.
Dù hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ và hội đàm tại Hội nghị G-20 nhưng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa thể chấm dứt.
|
Donald Trump và Tập Cận Bình gặp nhau tại Hội nghị G-20 nhưng cuộc chiến mậu dịch khó chấm dứt
Epoch Times cho rằng, căn cứ những điều nói trên, hai bên Mỹ - Trung vẫn bất đồng rất lớn trong các chủ trương cốt lõi, cuộc chiến tranh thương mại khó có thể chấm dứt trong thời gian ngắn sắp tới. Tại Hội nghị APEC, ông Mike Pence đã giao đấu, truyền đạt lập trường cứng rắn của Mỹ tới Trung Quốc. Tại Hội nghị G-20 vào cuối tháng 11, cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình có lẽ sẽ xuất hiện không khí khá hòa dịu, thậm chí hai bên có thể đạt được một hiệp định khung ở mức độ nào đó, tỏ cho bên ngoài thấy cuộc đàm phán mậu dịch có tiến triển. NNhưng cuộc chiến mậu dịch khi nào mới thực sự chấm dứt, e rằng vẫn chưa có lời giải.