Trang tin Đông Phương cho biết, Thủ tướng nước chủ nhà, ông Peter C. O'Neill nói, nguyên nhân chính của việc không ra được tuyên bố chung là do sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ khiến sự thương thảo về ngôn từ trong văn bản dự thảo lâm vào bế tắc. Đông Phương nhận xét, sự kiện này khiến người ta nghĩ rằng APEC trở thành vũ đài đọ sức giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Hội nghị cấp cao APEC đã trở nên không mấy quan trọng và không có sức ảnh hưởng.
Các kỳ Hội nghị cấp cao APEC trước đây sau khi bế mạc đều có Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo; riêng năm nay không đạt được thỏa thuận chung mà chỉ đồng ý để nước chủ nhà Papua New Guinea ra tuyên bố. Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rõ, việc Mỹ, Trung Quốc có quan điểm khác nhau về vấn đề mậu dịch và thuế quan đã khiến hội nghị không đạt được thỏa thuận chung; mấy quốc gia bao gồm Mỹ và Trung Quốc đã bất đồng về những câu chữ trong văn bản dự thảo.
Đông Phương cho biết, trong văn bản dự thảo Tuyên bố chung, Mỹ muốn đưa vào những từ ngữ cứng rắn phản đối mậu dịch không công bằng, chĩa mũi giáo vào Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ yêu cầu chỉ trích và tiến hành cải cách WTO khiến Trung Quốc bất bình. Trong khi đó, Trung Quốc lại muốn đưa vào nội dung phản đối chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương nhằm “đánh vỗ mặt” người Mỹ.
Ông Peter O'Neill, Thủ tướng Papua New Guinea phụ trách việc soạn thảo văn bản nói: APEC không chỉ xoay quanh mỗi WTO, quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung khiến cả thế giới lo ngại. Ông phân trần: “Một gian nhà có tới hai ông kễnh, tôi biết làm gì được?”. Tuy nhiên, ông cho rằng bản thân không cho rằng việc không ra được tuyên bố chung là kết quả đáng xấu hổ; đồng thời cho biết các nước thành viên sẽ tìm cách để trước năm 2020 có thể đạt được nền mậu dịch tự do và mở cửa.
Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato thì cho rằng, mâu thuẫn của Mỹ - Trung về viễn cảnh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương chính là nguyên nhân không ra được Tuyên bố chung. Ông nói, hai nước lớn này đã lộ rõ dã tâm cạnh tranh trong khu vực này.
Đông Phương cho biết, sau khi kết thúc hội nghị cấp bộ trưởng hôm 16.11, hai nước Trung – Mỹ có lúc đã nhượng bộ nhau để đạt được thỏa thuận chung. Trong Tuyên bố chung thông qua tại hội nghị cấp bộ trưởng sáng 17.11 đã có nội dung cam kết “cải thiện” các chức năng đàm phán, giám sát và giải quyết tranh chấp của WTO, không đưa vào từ “cải cách” mà Mỹ trước đó kiên trì đòi hỏi, đồng thời đồng ý chống chủ nghĩa bảo hộ (yêu cầu của Trung Quốc), chống mậu dịch không công bằng (yêu cầu của Mỹ). Tuy nhiên, dự thảo này cuối cùng đã không được thông qua khi trình lên hội nghị cấp các nhà lãnh đạo cao nhất.
Một học giả Mỹ nói, với việc không có mặt hai ông Donald Trump và Vladimir Putin tham dự, sức ảnh hưởng của APEC đã bị suy yếu. Việc không ra được Tuyên bố chung khiến người ta nghĩ đến việc Hội nghị cấp cao APEC rất tốn kém mà không có bất cứ hiệu quả thực tế nào và trở thành nơi tranh cãi về chính trị; liệu sau này có nên tiến hành nữa nay không?
Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato. người kiên quyết từ chối gặp riêng các quan chức Trung Quốc
|
Cũng liên quan đến văn bản Tuyên bố chung này, Đông Phương ngày 18.11 cho biết: hôm 17, 4 nhân viên ngoại giao Trung Quốc định xông vào văn phòng của ông Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea Rimbink Pato định gây sức ép với việc soạn thảo nội dung nhưng đã bị các nhân viên an ninh đuổi ra ngoài, sau đó phía Papua New Guinea đã phải đưa thêm cảnh sát canh giữ nơi này.
Mặc dù phía Trung Quốc hôm 18 nói thông tin này không chính xác, nhưng cả hãng tin Pháp AFP và đài ABC của Australia đều đưa tin: các quan chức Trung Quốc yêu cầu gặp Ngoại trưởng Papua New Guinea 2 phút nhưng khi bị từ chối đã xông thẳng vào trong văn phòng. Nguồn tin cho các hãng này biết, ông Rimbink Pato cho rằng việc gặp riêng quan chức Trung Quốc là không thích hợp, sẽ ảnh hưởng đến tính trung lập của nước chủ nhà. Người phát ngôn văn phòng của Ngoại trưởng Rimbink Pato đã xác nhận việc các quan chức Trung Quốc xin gặp ông ngoại trưởng bị cự tuyệt, nhưng không bình luận có xảy ra xung đột hay không. Bản thân ông Rimbink Pato khi được hỏi đã giảm bớt tính nghiêm trọng của vụ việc bằng cách trả lời “chuyện cũng không có gì ghê gớm quá!”.