Fed đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,25% trong hôm 22/3, cùng lúc đánh tín hiệu sắp ngừng nâng lãi suất cho thấy họ muốn có một hành động cân bằng: Tiếp tục chống lạm phát mà không muốn gây thêm rắc rối cho ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những vấn đề trong hệ thống ngân hàng Mỹ có thể sẽ tiếp tục lây lan, gây khó khăn cho nỗ lực chống lạm phát của ngân hàng trung ương nước này. Đó là điều mà nhiều người rút ra được từ tuyên bố mà Uỷ ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) đưa ra sau cuộc họp và nội dung họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Điều này thể hiện khá rõ ở tuyên bố chính sách của Fed. Trước đây, cơ quan này liên tục đưa ra những tuyên bố chắc chắn về những đợt “tiếp tục nâng” lãi suất liên bang, cho rằng điều này là phù hợp, nhưng tuyên bố mới đây nhất lại thay thế cụm từ này bằng cụm từ khác nói rằng “một số” động thái thắt chặt chính sách “có thể” là cần thiết.
Bản Tóm tắt Dự báo Kinh tế mà Fed đưa ra cũng phản ánh sự chia rẽ về con đường phía trước. Trong khi tỷ lệ dự báo về lãi suất trung bình trong năm 2023 giữ nguyên ở mức 5,1% so với cuộc họp trước đó của Fed, nhưng khoảng dao động của lãi suất lại cho thấy dự báo có sự khác biệt khá lớn: một số quan chức Fed dự báo sẽ không có thêm đợt nâng lãi suất nào nữa trong năm nay, trong khi một số khác lại kêu gọi nâng lãi suất thêm 1%.
Trong cuộc họp báo của mình, ông Powell liên tục nhấn mạnh rằng Fed sẽ cần phải chờ đợi để xem xem những vấn đề trong hệ thống ngân hàng sẽ làm giảm hoạt động cho vay đi như thế nào – từ đó làm chậm nền kinh tế - mới có thể quyết định về bước đi tiếp theo.
“Rất khó để dự đoán xem tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu, hay tầm ảnh hưởng của nó lớn như thế nào,” ông Powell phát biểu trước báo giới. “Bởi vậy chúng tôi cần phải tiếp tục theo dõi.”
Sự thay đổi về luận điệu cho thấy một chương mới đầy thách thức của Fed, trong bối cảnh ngân hàng trung ương Mỹ vừa phải giải quyết bất ổn tài chính, vừa phải chống lạm phát mà không gây suy thoái. Trong khi Fed liên tục nâng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế, nhiệm vụ chống lạm phát của họ giờ đang trở nên phức tạp hơn do xảy ra cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể làm giảm đà tăng trưởng kinh tế - mặc dù không biết nó sẽ kéo dài trong bao lâu.
“Nói ngắn gọn, tuyên bố, hành động chính sách và tín hiệu mà họ đưa ra cho thấy rằng Fed đang lo lắng,” Ian Shepherdson, trưởng kinh tế gia đến từ Pantheon Macroeconomics, nhận định.
Về phần mình, ông Powell trong hôm thứ Tư tuần này đã cố gắng giảm nhẹ sự tình trạng bất trắc bằng cách khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng Mỹ, sau sự kiện rút tiền đồng loạt dẫn đến sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Signature Bank.
Chủ tịch Fed cho rằng, những bất ổn vừa qua trong hệ thống ngân hàng là “giai đoạn khó khăn nghiêm trọng của một số ít ngân hàng.” Ông nhấn mạnh rằng những vấn đề ở 2 ngân hàng này không lây lan ra toàn hệ thống, đồng thời đảm bảo rằng “tất cả khoản tiền gửi của khách hàng trong hệ thống ngân hàng đều an toàn".
Tuy nhiên, ngày càng có thêm nhiều chuyên gia kinh tế dự báo về một cuộc suy thoái, sau khi khủng hoảng ngân hàng xảy ra. Và bản thân Fed cũng đã giảm mức dự báo tăng trưởng của họ cho 2 năm tới.
“Nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái sớm hơn, sâu rộng hơn, đã tăng lên. Điều này là do sức ép trong hệ thống ngân hàng tăng cao ngay trong bối cảnh các điều kiện tài chính được thắt chặt,” Tiffany Wilding, nhà kinh tế học Bắc Mỹ đến từ PIMCO, nhận định.
Ở thời điểm hiện tại, giới đầu tư và các nhà kinh tế học có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Liệu lãi suất đã đạt đỉnh hay chưa? Điều gì xảy ra nếu lạm phát tăng mạnh trở lại trong khi hệ thống ngân hàng vẫn chưa ổn định lại? Fed sẽ làm gì nếu như có thêm nhiều ngân hàng khác sụp đổ?
Diễn biến ở thời điểm hiện tại đã thay đổi đáng kể so với năm 2022, thời điểm mà Fed còn công bố trước những bước đi tiếp theo của họ và để cho thị trường biết được điều gì sắp xảy ra. Nhưng giờ không ai biết được điều gì sẽ xảy đến.
Ván cược khi tăng lãi suất thêm 0,25% của Fed
Fed tăng lãi suất thêm 0,25%, phát tín hiệu sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ
Lựa chọn của Fed: Chống lạm phát hay bình ổn tài chính?
Theo Barron's