Vừa về tới đất liền sau chuyến đi biển dài ngày làm nhiệm vụ tiếp tế cho cán bộ, công nhân đang công tác tại các trạm hải đăng ngoài Trường Sa, ông Trần Văn Nga, thuyền trưởng tàu Hải Đăng 05, thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải (BĐATHH) Biển Đông và hải đảo, thuộc Tổng Công ty BĐATHH miền Nam, Bộ GTVT cho biết: "Càng ngày, tàu chúng tôi càng bị các tàu chiến đấu, Hải cảnh, Hải giám Trung Quốc vây ép, đe dọa".
Thuyền trường Nga kể, khoảng 11 giờ ngày 13.11, dọc hải trình từ Trạm Hải đăng Sơn Ca lên Song Tử Tây, tàu Hải Đăng 05 đi ngang qua bãi đá Xu Bi, cách xa 12 hải lý (khoảng trên 22 km) thì bị một tàu Trung Quốc loại nhỏ ra ngăn cản.
Khoảng 30 phút sau, xuất hiện thêm 2 tàu Hải cảnh mang số hiệu 2305 và 35115 chặn đầu, khóa đuôi tàu Hải Đăng 05. Đặc biệt, từ 12 giờ cùng ngày, có thêm tàu chiến đấu đổ bộ mang số hiệu 995 ép sát tàu Việt Nam cách khoảng vài chục mét, phát loa phóng thanh bằng tiếng Trung Quốc và bắn 2 pháo hiệu sang phía tàu Việt Nam.
Khi thấy thủy thủ tàu Hải Đăng 05 dùng điện thoại ghi hình, lính Trung Quốc mở bạt pháo 37mm, huy động hơn 10 người mặc quân phục, chạy lên boong dàn đội hình chiến đấu, chĩa nhiều loại súng (chủ yếu là AK) sang tàu Hải Đăng 05 nhằm đe dọa, khiêu khích thủy thủ đoàn cùng cán bộ công nhân Công ty BĐATHH Biển Đông và hải đảo, đi trên tàu…
Một cán bộ Công ty BĐATHH Biển Đông và hải đảo cho biết, ngay thời điểm các tàu Hải cảnh 2305, 35115 đuổi theo tàu Hải Đăng 05, phía Trung Quốc đã cho 5-6 tàu dàn đội hình chặn đường đi và khi thấy Hải Đăng 05 vòng tránh, đã tiếp tục bao vây hòng tạo tình huống đâm va. Tuy nhiên, tàu Hải Đăng 05 đã khôn khéo chuyển hướng thoát khỏi vòng vây và tàu Trung Quốc giảm máy, tụt lại phía sau...
Tàu chiến 995 của Trung Quốc ép sát tàu Hải Đăng 05 của Công ty BĐATHH Biển Đông và hải đảo làm nhiệm vụ tiếp tế cho cán bộ, công nhân các trạm hải đăng ở Trường Sa |
Hai tàu Hải cảnh Trung Quốc tăng tốc đuổi theo tàu Hải Đăng 05 |
Tàu Hải cảnh Trung Quốc đuổi theo tàu Hải Đăng 05
Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục:
Vây ép tàu tiếp tế Việt Nam, Trung Quốc thách thức dư luận
Trung Quốc luôn miệng tuyên bố không quân sự hóa các đảo nhân tạo và bao biện với cộng đồng quốc tế rằng các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam chỉ nhằm phục vụ mục đích dân sự, thể hiện nghĩa vụ quốc tế của mình.
Tuy nhiên, khi tàu chiến nước này chĩa súng trực tiếp vào tàu tiếp tế dân sự của Việt Nam thì Trung Quốc đã thật sự lộ rõ dã tâm của mình. Đó là họ đang âm thầm xây dựng đồn bốt, tiền tiêu, căn cứ quân sự mang ý nghĩa tấn công.
Đây gần như là một hành động leo thang căng thẳng mới, cho thấy căn cứ quân sự Trung Quốc đang trực tiếp đe dọa đến tính mạng và hoạt động dân sự của tàu thuyền các nước, trong đó có Việt Nam.
Hành động này của Trung Quốc còn mang tính thách thức dư luận vì nhiều nước đã đề nghị Trung Quốc không theo đuổi quân sự hóa Biển Đông nhưng Trung Quốc vẫn cứ làm.
Công ước luật biển chỉ quy định vùng an toàn 500m tính từ các đảo nhân tạo. Hành động chĩa súng của Trung Quốc mới là hành vi đe dọa, nhưng nếu như các tàu của Trung Quốc vây ép tàu tiếp tế hải đăng của Việt Nam ngoài vùng an toàn 500m thì rõ ràng họ vi phạm luật pháp quốc tế.
Việc Trung Quốc xua tàu ra vây ép tàu Việt Nam cho thấy nước này muốn thể hiện vai trò thực thi pháp luật trong vùng biển mà họ tự cho là thuộc chủ quyền, quyền tài phán của họ.
Nếu tàu các nước đi vào vùng biển này mà tuân theo hiệu lệnh và yêu sách sai trái của Trung Quốc thì sẽ mắc mưu nước này.
Trung Quốc đang sử dụng mọi biện pháp từ dân sự, hành chính đến hành động vũ lực để buộc các nước tuân theo. Việt Nam phải thận trọng, tránh mắc mưu của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế cũng phải thật cảnh giác vì Trung Quốc luôn nói một đằng làm một nẻo.
Theo Tuổi trẻ
Theo Thanh niên