Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/5, Lục Khảng cho biết chính quyền Bắc Kinh “rất không hài lòng và phản đối mạnh mẽ” với hoạt động của tàu chiến Mỹ.
Cùng ngày, người phát ngôn bộ quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang tuyên bố: “Hải quân Trung Quốc đã nhận diện tàu Mỹ theo đúng luật và phát lệnh buộc nó phải rời đi”. Ông Ren cảnh báo rằng hành động của tàu chiến Mỹ “không giúp cho hòa bình và ổn định trong khu vực” và cho biết Trung Quốc đã gửi văn bản phản đối với Mỹ.
Hãng Reuters cho biết, Trung Quốc thậm chí còn đe dọa rằng cách hành xử của Mỹ có thể khiến cho các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan về Biển Đông sẽ bị tổn hại.
Hôm 24/5, báo Mỹ Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho biết tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Dewey của Mỹ đã di chuyển trong khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong ngày 24/5. Trung Quốc hiện đã bồi lấp đá Vành Khăn thành đảo nhân tạo phi pháp với đường băng, cầu cảng và các công trình quân sự kiên cố.
Mỹ luôn khẳng định việc tuần tra thường kỳ này nhằm "đảm bảo tự do hàng hải và tự do đi lại trên không". Đáng chú ý, đây là lần tuần tra đầu tiên dưới thời tổng thống Donald Trump. Trước đó, có tin nói chính quyền mới của Mỹ đã tìm cách trì hoãn và bác bỏ kế hoạch tuần tra trên Biển Đông do bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đề xuất.
Ông Jeff Davis, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, từ chối bình luận về hoạt động trên, nhưng khẳng định: "Chúng tôi hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hàng ngày, trong đó có Biển Đông. Chúng tôi hoạt động tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi thực hiện các hoạt động tự do bay, tự do hàng hải ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Hoạt động tự do hàng hải không nhằm vào bất cứ một quốc gia nào".
Động thái trên của Mỹ diễn ra trong bối cảnh giới phân tích cho rằng chính quyền của tổng thống Donald Trump dường như đang có phần nhún nhường với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để có được sự hỗ trợ về vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, động thái mới nhất này cho thấy chính quyền mới của Mỹ dường như vẫn kiên định với chính sách xoay trục sang châu Á, trong đó có việc ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Andrew Shearer, cựu cố vấn an ninh quốc gia Úc và hiện là chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định với Finacial Times: "Hoạt động này sẽ trấn an các đồng minh của Mỹ về việc Mỹ nối lại hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Tự do hàng hải ở tây Thái Bình Dương quan trọng đến mức Mỹ sẽ không đánh đổi để có được cam kết hợp tác của Trung Quốc trong các vấn đề khác, kể cả vấn đề như Triều Tiên".
Còn Tom Wright, một chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, nhận định: "Các đồng minh Mỹ đang ngày càng quan ngại về việc chính quyền của tổng thống Donald Trump dường thụ động về vấn đề an ninh hàng hải. Song với hoạt động tự do hàng hải này diễn ra chỉ một tuần trước hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ở Singapore và chắc chắn nó sẽ nhận được sự hưởng ứng của các nước trong khu vực".
Ông Greg Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phát biểu với Reuters rằng đây là lần đầu tiên tàu hải quân Mỹ thực hiện tuần tra tự do hàng hải gần đảo nhân tạo xây dựng trái phép của Trung Quốc. Một câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền mới của Mỹ có sẵn sàng thực sự thách thức Trung Quốc bằng việc chĩa radar hay triển khai tàu chiến, trực thăng đến những khu vực khác mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế hay không?
Theo giới quan sát, hiện chưa rõ mức độ can dự vào Biển Đông của Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump ra sao. Tuy nhiên, trước đó giới phân tích nhận định, những tuyên bố mạnh mẽ về Biển Đông của các thành viên trong nội các ông Donald Trump dường như chỉ mang tính chất hô hào chứ chưa có phương án thực tế nào.