Các tàu của Mỹ đã bắt đầu ghé cảng Cam Ranh bảo dưỡng bắt đầu từ tháng 9/2016, và kể từ đó, các hoạt động tương tác này đã diễn ra thường xuyên hơn. Vào đầu tháng 6 vừa qua, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, USS John S. McCain đã ghé Cảng quốc tế Cam Ranh như “một điểm dừng chân thông thường.”
Trong suốt cuộc ghé thăm, Thượng nghị sĩ John McCain đã xem con tàu này như một phần trong phái đoàn đại biểu quốc hội Mỹ tới thăm Việt Nam. Phái đoàn Mỹ đã có các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với các lãnh đạo Việt Nam gồm Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam coi hoạt động này là biểu tượng mạnh mẽ của quan hệ đối tác toàn diện Việt- Mỹ.
Sự hiện diện của tàu John S. McCain có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có những bước phát triển nổi bật. The Diplomat cho biết, con tàu này đi vào hoạt động năm 1994 và được đặt tên theo cha và ông của Thượng nghị sĩ McCain, những người từng tham chiến ở khu vực Thái Bình Dương trong Thế chiến II. Tuy nhiên cuộc viếng thăm có ý nghĩa quan trọng không chỉ vì vai trò của ông McCain trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ mà còn bởi vào năm 2016, tàu John S. McCain cùng với tàu Frank Cable là những tàu đầu tiên của Hải quân Mỹ ghé thăm Cảng quốc tế Cam Ranh kể từ khi cảng này đi vào hoạt động vào tháng 3/2016.
Chuyến ghé thăm cảng này là minh chứng đầu tiên cho khả năng bảo trì trong các chuyến đi dài hơn đối với các tàu tác chiến ven biển (LCS) thuộc lực lượng đặc nhiệm Task Force 73 của Mỹ. Lực lượng này thuộc Hạm đội 7, lực lượng chuyên trách khu vực Đông Nam Á. Cho dù nơi bảo trì và tiếp tế chính của các chiến hạm LCS là ở Singapore, nơi Hải quân Mỹ dự định triển khai đồng thời hai tàu vào năm 2018, thì những cảng biển như Cam Ranh cũng rất quan trọng trong việc tăng cường hỗ trợ cho hải quân Mỹ đối phó với các thách thức trong khu vực.