Trong một động thái nhằm thách thức các tuyên bố đòi hỏi chủ quyền phi pháp của TQ ở Biển Đông, chiến hạm USS William P. Lawrence của Mỹ vừa đi vào khu vực 12 hải lý của Đá Chữ Thập.
Báo Wasshington Post cho hay, ngày 10/5, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence đi vào khu vực 12 hải lý của Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Mỹ tuyên bố rằng đây là hoạt động nằm trong hoạt động có kế hoặch nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải theo luật lệ quốc tế.
Việc đưa chiến hạm đi vào khu vực 12 hải lý của Đá Chữ Thập ngày 10/5 là lần thứ 3 trong gần một năm Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, ngay trong sáng nay 10/5, khi phát biểu tại Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết các đợt tuần tra của Mỹ không nhằm mục đích khiêu khích, gây hấn, mà đơn giản chỉ là thực thi quyền công dân toàn cầu.
Hoa Kỳ cũng xác định rằng việc điều tàu hay máy bay tuần tra quanh Biển Đông có thể gây phản ứng từ phía Trung Quốc nhưng Washington cho rằng các hoạt động này là một phần của việc phản đối Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền phi lý của của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo quân đội Mỹ, khi tàu chiến Hoa Kỳ đi qua khu vực đá Chữ Thập, lực lượng quân sự, dân sự của Trung Quốc (đang đồn trú trái phép) tại đây đã tìm cách liên lạc với chiến hạm Mỹ qua sóng vô tuyến và yêu cầu họ ra khỏi khu vực mà họ gọi là "thuộc chủ quyền của mình".
Giới chức và truyền thông Trung Quốc chưa có phản ứng về sự kiện trên dù trước đó có những học giả diều hâu Trung Quốc từng đề nghị rằng quân đội Trung Quốc phải hành động để ngăn chặn Mỹ.
Hà Nội cũng chưa có phản hồi về sự kiện diễn ra sáng nay trên Biển Đông. Tuy nhiên, trong các lần tuyên bố trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam ủng hộ các hoạt động đi lại vô hại, tuân thủ yêu cầu đảm bảo an toàn, tự do hàng hải quanh các đảo, đá thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Trung Quốc là nước có tuyên bố đòi hỏi chủ quyền phi lý đối với hầu như gần hết diện tích Biển Đông. Những năm gần đây, Bắc Kinh cạy thế có sức mạnh kinh tế, quân sự lớn đã ra sức chiếm đoạt, xây dựng, san lấp và biến thành đảo nhân tạo các bãi đá ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông nhằm quân sự hóa khu vực và hiện thực hóa tham vọng không ai có thể chấp nhận.
Lê Dũng