|
Vai trò của ông Trịnh Xuân Thanh trong các quyết định bổ nhiệm nhân sự có phần nể nang người nhà tại Halico đang được đặt ra |
Trong một văn bản gửi tới Công ty Cồn Rượu Hà Nội (Halico) cuối tháng 6/2015, Bộ Công Thương cho hay, trong những năm qua cơ quan này đã dừng hẳn việc mua sắm ôtô và trong số những xe đang quản lý, sử dụng có một số phương tiện quá cũ nát, không thể khắc phục… Vì thế, Bộ rất thiếu phương tiện phục vụ cho hoạt động của mình.
Nêu lý do, cơ quan này cũng chỉ “đích danh” chiếc ôtô muốn mượn của doanh nghiệp: “Được biết Halico đang có chiếc ôtô con nhãn hiệu Mercedes ít có nhu cầu sử dụng, Bộ Công Thương đề nghị Halico tạo điều kiện cho Bộ mượn chiếc ôtô nói trên, phục vụ công tác của Bộ, trong thời gian chưa được nhà nước cấp kinh phí mua mới”. Và sau văn bản của Bộ Công Thương được gửi đi, 10 ngày sau chiếc xe Mercedes-Benz E250 có năm sản xuất 2009, đi được hơn 95.000 km đã được đích thân ông Mai Văn Lợi, Giám đốc Halico bàn giao cho Văn phòng Bộ Công Thương.
Điều khoản của bản Hợp đồng mượn ôtô cũng ghi rõ, Bộ Công Thương sẽ trả lại xe cho Halico khi không còn nhu cầu sử dụng hoặc khi được Nhà nước cấp kinh phí mua xe mới.
Nhưng dù Bộ Công Thương nêu lý do “rất thiếu phương tiện phục vụ cho hoạt động của cơ quan Bộ”, rà soát xe công mới đây của Bộ Tài chính lại cho thấy, Bộ Công Thương là một trong số bộ, ngành đang dư thừa xe công, tới 57 chiếc so với quy định. Trên cơ sở này, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Bộ Công Thương thực hiện sắp xếp, điều chuyển nội bộ giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý bảo đảm việc sử dụng xe phục vụ công tác chung tuân thủ đúng định mức quy định tại Quyết định 32 của Thủ tướng.
Chia sẻ với VnExpress, một lãnh đạo Bộ Công Thương xác nhận, đúng là cơ quan này có mượn một chiếc ôtô hiệu Mercedes của Công ty Halico từ tháng 7/2015. “Đã là mượn thì phải trả lại khi không có nhu cầu sử dụng”, ông nói.
Theo vị này, mục đích “mượn” xe của doanh nghiệp là nhằm tăng cường phương tiện cho hoạt động của Bộ, do ở thời điểm đó phương tiện phục vụ công tác của cơ quan bộ rất thiếu và “cho tới giờ vẫn thiếu”.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, văn phòng Bộ đang rà soát lại toàn bộ số ôtô hiện có (được cấp, đi mượn…).
Dù lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, đã trả lại chiếc xe trên cho Halico với lý do “chẳng mấy khi dùng tới”, nhưng từ chối cho biết thời gian trả, thì vẫn còn khá nhiều câu hỏi được đặt ra đằng sau việc Halico cho Bộ Công Thương mượn chiếc xe Mercedes này.
Halico được thành lập năm 1898, có lịch sử sản xuất rượu hàng trăm năm nay với nhiều thương hiệu quen thuộc. Công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát (Habeco) nắm giữ 54,29%. Tập đoàn rượu lớn nhất thế giới là Diageo đang nắm khoảng 45% vốn tại đây.
Việc chiếm lĩnh phần lớn thị phần trong phân khúc rượu bình dân tại Việt Nam đã giúp doanh thu Halico liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2008-2011. Năm 2012, doanh thu của Halico đạt 1.050 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 205 tỷ. Nhưng vài năm trở lại đây tình hình kinh doanh bắt đầu sa sút.
Năm 2015, năm đầu tiên ông Mai Văn Lợi giữ chức Giám đốc Halico và nay là Chủ tịch HĐQT, doanh nghiệp này lỗ hơn 21 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2016, dù chưa có con số chính thức, nhưng ước tính doanh thu nội địa của Halico giảm khoảng 30% so với cùng kỳ 2015.
Cán bộ nhân viên Halico cho rằng, thua lỗ của Halico vừa qua là do một phần lỗi trong chỉ đạo, điều hành kém của ông Mai Văn Lợi. Và thật ngẫu nhiên khi vị Giám đốc của Halico lại có mối liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, người được dư luận nhắc tới nhiều thời gian qua khi dính lùm xùm vụ cán bộ đi xe biển xanh.
Trước khi về Halico giữ chức vụ giám đốc, ông Mai Văn Lợi đã từng làm việc tại Công ty CP Xây lắp và vật liệu xây dựng Dầu khí sông Hồng, một trong những đơn vị trực thuộc Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) do ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT. Sau đó, ông Lợi chuyển về Khách sạn Lam Kinh (Thanh Hoá) và khiến khách sạn lỗ 200 tỷ đồng trước khi chuyển về làm Giám đốc Halico.
Bên cạnh kết quả kinh doanh giảm sút, vị Giám đốc của Halico còn bị “tố” trong thời gian điều hành đã có những quyết định bổ nhiệm nhân sự không theo quy trình, ưu ái người quen, tạo vây cánh… gây bất bình trong cán bộ, nhân viên. Trước tiên là việc bổ nhiệm, điều động ông Trịnh Hùng Cường (sinh năm 1992), con ông Trịnh Xuân Thanh, về làm việc tại Halico hồi cuối năm 2015. Chỉ 5 tháng sau ông Cường được bổ nhiệm làm Phó phòng phụ trách truyền thông và thị trường của Phòng truyền thông Marketing của Halico.
Một quyết định điều động nhân sự đáng chú ý khác ở Halico là việc ông Đỗ Xuân Long, con ông Đỗ Xuân Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Habeco, sinh năm 1990 từ chỗ là nhân viên trợ lý nhãn hiệu 333 của Sabeco được về Halico làm Trưởng phòng Truyền thông và Marketing của công ty này từ tháng 8/2015. Cũng rất nhanh sau đó, tháng 4/2016 ông Long được cất nhắc vào vị trí Phó giám đốc phụ trách kinh doanh của công ty này.
Việc bổ nhiệm những nhân sự tuổi còn rất trẻ, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý vào vị trí lãnh đạo quan trọng tại Halico của ông Lợi trong bối cảnh doanh nghiệp đang kinh doanh rất khó khăn, khiến cán bộ công nhân viên không “tâm phục khẩu phục”. Trong khi đó, một loạt cán bộ tại doanh nghiệp này dù đã hết hạn hợp đồng nhưng vẫn chưa được tái ký.
Đặc biệt, từ đầu năm 2015 khi ông Trịnh Xuân Thanh về làm Phó chủ tịch Hậu Giang, ông Lợi đã quyết định ký chuyển 500 triệu đồng ủng hộ cho Tỉnh uỷ Hậu Giang trong khi chưa nhận được sự đồng thuận từ phía Hội đồng quản trị. Khoản tiền này được lấy từ quỹ khen thưởng, phúc lợi của cán bộ nhân viên công ty.
Liên quan tới vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương mới đây có kết luận, ông Thanh có nhiều khuyết điểm vi phạm và đề nghị không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội và phải chịu trách nhiệm về khoản lỗ 3.200 tỷ đồng tại PVC. Cùng với đó, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015…
Tại phiên họp thứ 7 vừa diễn ra cuối tuần trước, 100% thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia đã nhất trí không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội với ông Trịnh Xuân Thanh. Ngày 18/7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ đạo các cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức liên quan… trên tinh thần “không có vùng cấm” trong kỷ luật Đảng.