Chi tới hơn 5 tỉ đồng rồi, giờ ghép phổi có cứu được bệnh nhân 91 đang nguy kịch?

VietTimes – Mặc dù đã được chi phí tới hơn 5 tỷ đồng cho 52 ngày điều trị, bệnh nhân 91 (phi công người Anh) hiện vẫn đang nguy kịch. Ghép phổi liệu có cứu được bệnh nhân này? 
Ghép phổi liệu có cứu được bệnh nhân 91 đang nguy kịch? (Ảnh: TTKT)

Nhiều lần dương tính trở lại, hai phổi đông đặc

Hôm nay 9/5, theo thông tin từ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân 91, phi công người Anh, 43 tuổi vẫn trong tình trạng cực kỳ nguy kịch, ngày càng có diễn tiến nặng, có biểu hiện nhiễm trùng phổi.

Sáng nay, bệnh nhân vẫn có kết quả dương tính với virus Corona. Trong khoảng thời gian trước đó, bệnh nhân nhiều lần có kết quả âm tính, sau đó dương tính trở lại.

Chia sẻ với VietTimes, BS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - nơi điều trị bệnh nhân 91 cho hay, ban đầu bệnh nhân 91 bị đông đặc một bên phổi, bây giờ thì cả hai phổi của bệnh nhân 91 phi công người Anh đã đông đặc lại.

Do phổi đặc lại, các bác sĩ điều trị tại BV cho biết việc sử dụng máy thở không còn hiệu quả, bệnh nhân được sử dụng thiết bị thay thế tim và phổi, nhưng tình trạng phổi đông đặc kéo dài sẽ khiến cơ quan này trở thành "ổ dịch" để vi khuẩn sinh sôi mạnh trong ký chủ.

Mới đây, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã đề nghị cân nhắc phương án ghép phổi cho bệnh nhân, với nỗ lực tìm mọi cách cứu chữa, không để xảy ra tử vong.

Chi phí lớn, bệnh nhân có hy vọng không?

Theo BS điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới cho biết, bệnh nhân 91 thuộc thể nặng, gặp tổn thương đông đặc ở phổi, độ giãn nở phổi kém. Tổng chi phí điều trị liên quan đến sử dụng ECMO rất đắt đỏ vì đây là kỹ thuật cao nhất được sử dụng để cứu bệnh nhân COVID-19.

BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, kể từ khi bệnh nhân 91 nhập viện đến nay, toàn bộ chi phí điều trị của bệnh nhân đang do Bệnh viện chi trả, đã lên tới trên 5 tỷ đồng.

Sau 52 ngày điều trị, 33 ngày được can thiệp ECMO, hiện bệnh nhân đang tiếp tục phải thở máy, lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.

BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã điều trị cho bệnh nhân 91 bằng kỹ thuật ECMO 33 ngày nay (Ảnh: SYT)

Trong trường hợp sử dụng thiết bị tim phổi nhân tạo (ECMO) đã không còn đáp ứng, thì ghép phổi gần như là kỹ thuật cuối cùng.

Để cân nhắc phương án thực hiện ca ghép phổi tại Việt Nam hiện tại, sẽ phải tiếp tục chi phí từ 1,5 đến 2 tỉ đồng, tùy tình trạng, thể trạng của bệnh nhân.

Tuy nhiên, ngay cả khi có phổi hiến tặng từ người cho chết não, hoặc người cho còn sống là thân nhân của người bệnh, các BS điều trị còn phải hội chẩn đánh giá bệnh nhân xem có thể tiến hành ghép được không, phổi người hiến tặng có hòa hợp về nhóm máu, miễn dịch, người hiến, người nhận chỉ nên chênh lệch chiều cao, cân nặng, kích thước lá phổi không quá 20%... thì mới đủ điều kiện để ghép.

Hơn nữa, các BS điều trị cho biết chỉ có thể ghép phổi khi hết nhiễm trùng. Trong khi đó, bệnh nhân 91, phi công người Anh có thời gian điều trị quá dài, nguy cơ nhiễm trùng cao, còn nhiều bệnh nặng trong cơ thể, cần đánh giá lại não của bệnh nhân xem có thể hồi phục hay không...

“Việc ghép phổi cho bệnh nhân 91 là giải pháp được tính đến trong thời gian tới. Tuy nhiên, với tình trạng tiên lượng rất nặng của bệnh nhân hiện tại như nhiễm trùng, tràn khí màng phổi, đang dẫn lưu và điều trị phối hợp nhiều loại thuốc kháng sinh thì chưa đủ điều kiện để ghép phổi” - BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết.

Lưu ý, trong đại dịch COVID-19, Chính phủ quy định điều trị miễn phí cho công dân Việt Nam và thu phí điều trị đối với người nước ngoài. Riêng các chi phí cách ly thì miễn phí cho cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài.