Chỉ thị Bản quyền số vừa được bỏ phiếu tán thành ở châu Âu có điểm gì đặc biệt mà nhiều người chỉ trích là “sẽ bóp chết Internet”?

VietTimes – Ngày 12/9 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu tán thành một Chỉ thị Bản quyền số gây tranh cãi – một quy định pháp luật ra đời nhằm cập nhật về vấn đề bản quyền cho thời đại Internet. Rất ít quy định pháp luật gây ra sự bất đồng giữa các quốc gia EU như Chỉ thị vừa được bỏ phiếu. Một số người cho rằng Chỉ thị mới này sẽ “bóp chết Internet”, trong khi những người tán đồng lại khẳng định nó sẽ cứu sống sinh kế của các nghệ sỹ và hạn chế vai trò của các đại gia công nghệ Mỹ.
Các nhà soạn thảo luật EU đang xúc tiến ban hành một Chỉ thị về Bản quyền mới (ảnh: PacktHub)

Nhưng những thay đổi trong Chỉ thị vẫn chưa kết thúc. Còn quá sớm để kết luận chính xác về ý nghĩa của Chỉ thị Bản quyền số này. Văn bản sẽ tiếp tục được điều chỉnh trong các cuộc đàm phán sắp tới, và nó hoàn toàn có khả năng bị bác bỏ trong một cuộc bỏ phiếu khác tại Nghị viện châu Âu vào năm 2019. Bất cứ điều gì được thông qua sẽ phải được thực hiện ở các quốc gia riêng lẻ.

Chúng ta cùng tìm hiểu đôi chút về Chỉ thị mới này của châu Âu:

Mục tiêu của Chỉ thị

Phần lớn sự chỉ trích của những người bất đồng nhắm vào Điều 11 và Điều 13 của Chỉ thị Bản quyền số. Thực chất, theo phe ủng hộ Chỉ thị, thì mục tiêu của nó rất “lành tính”. Điều 11 cho phép các nhà xuất bản có quyền được yêu cầu bên thứ ba (các nền tảng trực tuyến) phải trả tiền khi chia sẻ hoặc sử dụng các tin tức của họ. Còn Điều 13 quy định các nền tảng trực tuyến phải chịu trách nhiệm cho những nội dung vi phạm bản quyền mà người dùng tải lên.

Cả hai điều luật trên đều có gắng khắc phục sự bất bình đẳng trong sử dụng thông tin trực tuyến. Các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook và Google kiếm được một lượng tiền khổng lồ từ những tin tức của các hãng tin. Trong khi đó thì các hãng tin, các nhà xuất bản – những người tạo ra nội dung như âm nhạc, sách báo, phim ảnh – lại chỉ có được một miếng bánh doanh thu rất nhỏ.

Không phải tất cả mọi người tham gia vào ngành công nghiệp sáng tạo đều phàn nàn về sự độc quyền và địa vị thống trị của Facebook và Google. Rõ ràng rất nhiều người dùng Internet đã được hưởng lợi từ hai gã khổng lồ công nghệ. Nhưng rõ ràng Facebook và Google đã lấn át doanh thu của những ngành khác. Chỉ thị Bản quyền số được cho là sẽ san lấp khoảng cách này.

Điều 11: Thuế liên kết

(ảnh minh họa: Broadband for Europe) 

Điều 11 được người ta mệnh danh là “Thuế liên kết”. Nó cho phép các nhà sản xuất nội dung có quyền yêu cầu bên thứ ba phải trả tiền khi sử dụng nội dung của họ. Mục tiêu mà điều 11 nhắm đến có lẽ là dịch vụ Google News, nhưng những người phản đối lo ngại rằng điều luật này có thể gây ra những tác hại to lớn hơn.

Họ viện dẫn rằng Điều 11 có thể cản trở người sử dụng web thông thường chia sẻ những tin tức có giá trị. Nhưng văn bản của Điều 11 có đề cập đến quyền miễn trừ đối với người dùng cá nhân. “Các nhà sản xuất nội dung sẽ không ngăn chặn việc sử dụng phi thương mại các nội dung do họ sản xuất từ phía người dùng cá nhân” (Bạn có thể đọc điều này tại trang 54 của Chỉ thị Bản quyền).

Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác định rõ ràng chia sẻ như thế nào là phi thương mại? Các blog hoặc các cá nhân sử dụng RSS để thu thập và chia sẻ tin tức giống như Google News có được miễn trừ? Liệu một trang Facebook được điều hành bởi một cá nhân có lượng người theo dõi lớn (followers) khi sử dụng tin tức có được coi là phi thương mại?

Ngoài ra còn có những thắc mắc về thế nào là chia sẻ một câu chuyện. Một sửa đổi mới được bổ sung vào Chỉ thị quy định rằng các đường link đơn thuần cũng như các từ ngữ đơn lẻ sẽ không bị đánh thuế. Nhưng xác định bao nhiêu từ và khi nào đủ từ để trở thành một đoạn cũng là một vấn đề chưa rõ ràng.

Bà Julia Reda, một chính trị gia và cũng là một người phản đối mạnh mẽ Chỉ thị Bản quyền nói rằng những quy định trong Chỉ thị là khá mơ hồ. “Không ai nhấp vào đường link nếu nó không có một đoạn văn mô tả ngắn gọn về những gì mà đường link dẫn tới”.

Những người chỉ trích cũng cho rằng Chỉ thị mới của EU sẽ không thể áp dụng cho từng quốc gia. Chẳng hạn, ở Tây Ban Nha, vào năm 2014, một đạo luật đã được thông qua cho phép các hãng tin tính phí các trang tin tức tổng hợp. Google đã phản ứng lại đạo luật này bằng cách tắt Google News. Các trang tin tức tổng hợp nội địa không đủ kinh phí để trả theo quy định nên đã bị thu hẹp dần, lưu lượng truy cập đến các trang tin này giảm 15%. Một bộ luật tương tự cũng đã được thông qua tại Đức vào năm 2013. Google đã phản ứng bằng cách không hỗ trợ cho các trang web tin tức. Kết quả là các trang tin này mất đi một số lượng lớn người xem.

Điều 13: Bộ lọc nội dung tải lên

(ảnh minh họa: Infomation Age) 

Điều 13 thậm chí còn khiến người ta đau đầu hơn. Những người chỉ trích điều luật này gọi nó dưới cái tên “bộ lọc nội dung tải lên”. Điều luật quy định các công ty “lưu trữ và cấp quyền truy cập vào một lượng lớn các nội dung do người dùng tải lên” sẽ phải chịu trách nhiệm về bản quyền cho những nội dung ấy (có nghĩa là họ có thể bị khởi kiện bởi chủ sở hữu bản quyền). Vì vậy, các công ty và chủ sở hữu bản quyền phải hợp tác “bằng sự tin cậy” để ngăn chặn vi phạm xảy ra ngay từ đầu.

Những người chỉ trích nói rằng thật khó để hiểu tại sao những nhà làm luật lại nghĩ ra điều 13 này, và nó sẽ được thi hành như thế nào. Họ đưa ra dẫn chứng: điều luật này sẽ buộc những trang web như YouTube và Facebook phải quét mọi nội dung mà người dùng chia sẻ, kiểm tra các nội dung ấy dựa trên các cơ sở dữ liệu về bản quyền mà họ đã có. Tuy nhiên, công nghệ có tiến bộ đến đâu cũng không thể lọc hết được những nội dung không có bản quyền. Người ta hoàn toàn có thể mạo danh hoặc sử dụng các video để trêu đùa với bộ lọc.

Các nhà phê bình còn nói rằng bộ lọc này đang “giết chết các meme của người dùng Internet”. Các meme là trào lưu sáng tác những nội dung hài hước dựa trên một tài liệu có sẵn. Chẳng hạn từ một ảnh chụp cậu bé đang giơ tay lên trời, người ta có thể thêm vào các dòng chữ hài hước để châm biếm về một vấn đề nào đó. Nếu theo điều luật 13 nói trên, những người tạo ra hình hài hước cũng như mạng xã hội phát tán tấm hình ấy hoàn toàn có thể bị người chủ tấm hình kiện ra tòa.

Những người ủng hộ dự luật thì lại nói rằng điều 13 không nhắm vào các meme. Ngay cả các bộ luật trước đây cũng nói rằng các tác phẩm hài hước và các meme không nằm trong phạm trù bị siết chặt về bản quyền.

“Có 2 vấn đề với điều luật này”, chính trị gia Julia Reda nhận định. “Đầu tiên, sẽ có những trường hợp ngoại lệ hoặc những giới hạn khác nhau về bản quyền ở các quốc gia châu Âu. Một số quốc gia thậm chí không có ngoại lệ cho meme. Vấn đề thứ hai là ngay cả khi meme hợp pháp, bộ lọc nội dung sẽ không có khả năng phân biệt giữa chúng và tài liệu vi phạm”.

Bà Reda đưa ra ví dụ về một người chế ảnh động (GIF) từ một bộ phim nổi tiếng. Thuật toán lọc nội dung sẽ xử lý thế nào với ảnh GIF này? Mặc dù chỉ là một ảnh GIF hài hước, nhưng chắc chắn thuật toán sẽ nhìn thấy những hình ảnh có bản quyền của bộ phim và sẽ gỡ bỏ nó.

Tuy nhiên, một số người lại không đồng tình với cách hiểu này của bà Reda. Họ nói rằng Chỉ thị Bản quyền không cần các bộ lọc nội dung tải lên. Thay vào đó, nó sẽ giống như công nghệ Content ID của YouTube, nó chỉ quét nội dung sau khi được khiếu nại về bản quyền.

“Tôi không chắc điều 13 có phải là một bộ lọc nội dung hay không”, Mark Owen, một chuyên gia về IP tại công ty luật Anh Taylor Wessing nói với trang công nghệ The Verge. Ông Owen nói rằng nội dung phiên bản đầu tiên của Chỉ thị Bản quyền “giống như thế”, nhưng nó đã được điều chỉnh như một thỏa hiệp để “cho phép quốc hội bầu chọn cho phiên bản này”.

Phiên bản cũ hơn của Chỉ thị nói về việc “sử dụng các công nghệ nhận dạng nội dung hiệu quả" để xác định tài liệu vi phạm bản quyền - một cụm từ hiện đã bị xóa khỏi văn bản. Quyền miễn trừ cũng được bổ sung cho các trang web như Wikipedia và GitHub - cả hai đều chia sẻ nhiều nội dung do người dùng sáng tạo.

Những điều luật này được viết ra bởi các chính trị gia ít thông thạo Internet. Họ nghĩ rằng Internet đơn thuần là Facebook và YouTube, nên đã đưa ra điều luật không thực tế này"

chính trị gia Julia Reda

Nếu điều 13 hướng tới một công cụ như Content ID thì đây không phải là một điều tốt. Công nghệ Content ID của YouTube đã phạm một số sai lầm như từng gỡ xuống một video mà nó coi là vi phạm bản quyền nhưng thực tế nó chỉ là tiếng nền chim hót, không phải một bản nhạc copy. Những sai lầm này sẽ nhân lên gấp bội nếu Content ID phải xử lý một khối lượng lớn dữ liệu, và việc sửa sai sẽ mất nhiều thời gian hơn so với hiện tại.

Một số quy định hạn chế khác

Trong khi điều 11 và điều 13 nhận được sự chú ý nhiều nhất, thì cũng có những nội dung khác trong Chỉ thị của EU thắt chặt bản quyền ở quy mô nhỏ hơn. Có những mối lo ngại về cách Chỉ thị xử lý các chương trình dò quét văn bản và dữ liệu. Các quy định trong Chỉ thị có thể khiến các máy quét tự động vướng phải những rắc rối về bản quyền.

Một mệnh đề mới được bổ sung gần đây vào Chỉ thị cũng gia tăng bản quyền cho các giải đấu thể thao khi họ được độc quyền đối với bất kỳ hình ảnh hoặc video nào của trận đấu. Điều này sẽ dẫn đến những tranh cãi về liệu ảnh động (GIF) do người hâm mộ tạo ra có được phép phổ biến hay không.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Hiện Chỉ thị Bản quyền này vẫn chưa chính thức ban hành. Nó sẽ tiếp tục được đem ra thảo luận dưới cơ chế  bộ ba, bao gồm: các thành viên được lựa chọn của Quốc hội, Ủy ban châu Âu, và đại diện của các quốc gia thành viên. Quá trình này thường diễn ra sau cánh cửa đóng kín, có nghĩa là chúng ta sẽ không biết được họ thảo luận những gì. Có thể có một số nội dung gây tranh cãi của Chỉ thị sẽ được loại bỏ. Đó là điều mà ông Alex Voss, thành viên của Nghị viện châu Âu, người chịu trách nhiệm chính về việc soạn thảo Chỉ thị, đã hứa. Nhưng cũng có thể Chỉ thị sẽ giữ nguyên như cũ.

Sau khi thảo luận tại bộ ba, Chỉ thị sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu cuối cùng từ Nghị viện châu Âu vào đầu năm 2019. Thời gian có thể vào đầu tháng Giêng hoặc cuối tháng Ba.

Cuộc bỏ phiếu này sẽ là cơ hội cuối cùng để bác bỏ toàn bộ Chỉ thị. Cần lưu ý rằng trong cuộc bỏ phiếu ngày 12/9 vừa qua, Chỉ thị đã được tán thành với 438 phiếu ủng hộ so với 226 phiếu phản đối, nhưng riêng đối với Điều 11 và Điều 13 lượng phiếu phản đối đã tăng lên khá nhiều. Có 279 phiếu phản đối Điều 11 và 297 phiếu phản đối Điều 13, trong khi số phiếu ủng hộ tương ứng là 393 và 366. Điều này cho thấy nhận thức về Chỉ thị của các thành viên EU còn chưa thống nhất.

Theo The Verge