Thông tin trên vừa được Tổng cục Thống kê đã công bố tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 29/3.
Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2016 thành phố Hà Nội có mức giá sinh hoạt cao nhất cả nước, đứng thứ hai là Lào Cai khi hầu hết các nhóm hàng của tỉnh Lào Cai tương đương thành phố Hà Nội. Đứng thứ ba là TP.HCM, thứ tư là Lai Châu.
Như vậy, Lai Châu từ vị trí có mức giá đắt đỏ nhất cả nước trong năm 2015 đã giảm được xuống thứ 4 cả nước. Còn Hà Nội năm 2015 Hà Nội đứng thứ 2, năm 2014 cũng đứng thứ nhất, năm nay 2016 tiếp tục vươn lên vị trí thứ nhất.
Hậu Giang hiện là tỉnh có chỉ số giá sinh hoạt thấp nhất trong cả nước, chỉ số của tỉnh này chỉ bằng 90,70% so với thành phố Hà Nội.
Cụ thể, Hậu Giang có 10 nhóm hàng mức giá thấp hơn Hà Nội, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế thấp nhất và bằng 79,14% so với mức giá bình quân đồng thời thấp nhất trong cả nước.
Tiếp đến là Vĩnh Long, có mức giá thấp thứ hai trong cả nước. Chỉ số giá SCOLI của Vĩnh Long bằng 91,91% so với Hà Nội, mức giá bình quân của các nhóm hàng của Vĩnh Long từ 86,39% đến 99,14% so với mức giá chung của Hà Nội. Năm 2016 Vĩnh Long chưa tăng giá dịch vụ y tế.
Trong nhóm có chỉ số giá thấp, khu vực phía Bắc có sự góp mặt của Nam Định. Giá bình quân các nhóm hàng của tỉnh Nam Định chỉ từ 80% đến 95% so với thành phố Hà Nội. Trong năm 2016, tỉnh Nam Định không tăng giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục.
So với năm 2015, vị trí các tỉnh có mức giá đắt đỏ không có sự thay đổi lớn. Các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc có mức giá cao sau Hà Nội, Lào Cai là Điện Biên, Lạng Sơn và Hà Giang. Các tỉnh này có mức giá cao chủ yếu ở nhóm hàng giao thông, các nhóm khác giá thấp hơn không đáng kể.
“Nguyên nhân chủ yếu đây là vùng núi cao nên đi lại, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn làm cho giá cả các tỉnh trong vùng cao hơn so với các tỉnh khác”, Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận xét.