Được biết, vào ngày 18/9 (giờ địa phương), Thượng viện Mỹ đã thông qua ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2018 với tổng kim ngạch là 692 tỷ USD, có 89 phiếu tán thành và 8 phiếu chống.
Đến đây, ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2018 cơ bản đã được xác định. Tiếp theo, Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ còn thông qua ủy ban phối hợp quan hệ lưỡng viện để tiến hành sửa đổi, hình thành bản dự thảo thống nhất cuối cùng, sau đó trình lên cho Tổng thống Mỹ Donald Trump ký để chính thức thông qua.
Tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 24/9 cho rằng trong tuần qua ngân sách quốc phòng năm tài khóa mới của Mỹ cơ bản đã được xác định, lên tới gần 700 tỷ USD, số tiền này không chỉ vượt xa con số đưa ra thận trọng ban đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà còn vượt xa trần ngân sách quốc phòng được quy định bởi Luật kiểm soát ngân sách năm 2011.
Mặc dù việc phê duyệt còn chờ thời gian, nhưng quân đội Mỹ đã sắp xếp thỏa đáng việc sử dụng số tiền gần 100 tỷ USD được bổ sung thêm, tập trung cho đối phó các đối thủ ở khu vực Thái Bình Dương.
Nhìn vào con số chi tiêu quân sự, ngân sách quốc phòng lần này còn ít hơn vài tỷ USD so với con số 711,3 tỷ USD năm 2011, nhưng trong ngân sách quốc phòng khi đó có gần 160 tỷ USD dùng cho các hành dộng quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.
Trong khi đó, trong ngân sách quốc phòng năm 2018 chỉ có khoảng 60 tỷ USD dùng cho Iraq và Afghanistan, 649 tỷ USD còn lại đều là kinh phí quân sự cơ bản, được dùng cho huấn luyện quân đội, tiền lương nhân viên, đổi mới trang bị, quy mô vốn đã hơn khoảng 100 tỷ USD.
Mặc dù nói sức mua thực tế của đồng USD đang ngày càng giảm, nhưng tăng trưởng thực tế của ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2018 rõ ràng là "chưa từng có trong lịch sử".
Điều đáng chú ý hơn là ngân sách quốc phòng năm tài khóa mới có số lượng nhiều, thậm chí vượt mục tiêu 668 tỷ USD do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong năm nay, cũng nhiều hơn 50 tỷ USD mà Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra vào tháng 5/2017 (639,1 tỷ USD).
Phần lớn số tiền sẽ được dùng để mua sắm bổ sung một loạt trang bị. Theo tiết lộ của báo chí Mỹ, mặc dù số lượng mua mới thực tế của không ít chương trình có độ vênh so với con số mua sắm được Quốc hội Mỹ thông qua cuối cùng, nhưng cũng cơ bản cho thấy xu thế tăng số lượng mua sắm.
Việc làm này của Quốc hội Mỹ rõ ràng đã nhận được sự tán thành của rất nhiều người ủng hộ hiện đại hóa quân đội Mỹ ở trong nước. Đối với quân đội Mỹ, việc tăng mua như vậy chắc chắn là một việc tốt.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào tình hình của bản thân quân đội Mỹ và mục tiêu giả định của họ, phải thấy rằng hành động về ngân sách quốc phòng lần này chính là để tiến hành đổi mới hệ thống vũ khí trang bị đã lão hóa từ lâu của quân đội Mỹ.
Ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2018 của Mỹ không vượt quá 4%, nhưng vẫn lớn hơn nhiều Trung Quốc.
Đánh giá về ngân sách quốc phòng mới của Mỹ, tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 23/9 cho rằng quân đội Mỹ có kế hoạch mở rộng khả năng phòng thủ tên lửa, giảm bớt hoặc đóng cửa các căn cứ quân sự. Những chương trình ưu tiên gồm có bảo vệ lực lượng tấn công hạt nhân, nâng cao khả năng tác chiến và phòng thủ mạng, nghiên cứu chế tạo vũ khí siêu thanh.
Hãng AP Mỹ cho biết trong ngân sách quốc phòng 2018, có 640 tỷ USD là chi tiêu cơ bản, bao gồm vận hành quân đội và mua sắm vũ khí, ngoài ra bố trí 60 tỷ USD cho các khu vực xung đột như Afghanistan, Syria, Iraq. Được biết, Mỹ sẽ tăng hơn 3.000 nhân viên quân sự tại Afghanistan, quân số Mỹ đóng ở Afghanistan sẽ tăng lên trên 14.000 quân.
Đáng chú ý, gần đây, Mỹ cũng đã khởi động sử dụng căn cứ quân sự vĩnh viễn đầu tiên ở Israel. Điều này sẽ giúp Israel đối phó với mối đe dọa tên lửa. Ngoài ra, Mỹ cũng không ngừng tăng cường tập trận chung với các nước, nhất là các đồng minh.
Theo đánh giá của Điêu Đại Minh, chuyên gia vấn đề Mỹ, Viện khoa học xã hội Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của Mỹ tăng cao là do quân đội Mỹ luôn hành động trên toàn cầu, khoản tăng mới là để đối phó với "mối đe dọa" từ Triều Tiên, chiến sự Afghanistan và khủng bố ở Trung Đông. Mỹ sẽ tăng cường triển khai lực lượng quân sự, nghiên cứu phát triển và mua sắm trang bị mới.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Nguyễn Tông Trạch cho rằng Mỹ thực sự muốn tăng cường triển khai quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Đây là vấn đề "ưu tiên" cần giải quyết của Mỹ hiện nay.
Viên Chinh, chủ nghiệm Phòng nghiên cứu Ngoại giao, Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Viện khoa học xã hội Trung Quốc đánh giá, ông Donald Trump sùng bái cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, ông có tư tưởng "lấy thực lực để tìm kiếm hòa bình". Ngay từ khi tranh cử, ông Donald Trump đã cam kết xây dựng được một đội quân mạnh nhất trong lịch sử Mỹ khi còn tại nhiệm.
Từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng, khuynh hướng "ưu tiên quân sự" đã rõ ràng hơn. Khi mới lên nắm quyền, ngày 27/1/2017, Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên thăm Lầu Năm Góc trên cương vị tổng tư lệnh quân đội, đã ký sắc lệnh "xây dựng lại" quân đội. Khi đó, ông Donald Trump tuyên bố sẽ cung cấp máy bay mới, tàu chiến mới, nguồn lực mới và công cụ mới cho quân nhân Mỹ.
Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Quân đội chúng tôi sẽ nhanh chóng trở thành đội quân mạnh nhất trong lịch sử". Như vậy, một trong những mục tiêu cốt lõi tăng mạnh ngân sách quốc phòng của Mỹ hiện nay chính là tăng cường quân bị, duy trì vai trò ảnh hưởng toàn cầu của quân đội Mỹ.
Mặc dù vậy, việc phê duyệt ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2018 của Mỹ còn gặp một số thách thức: Một là sự phối hợp để đi đến thống nhất giữa Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Hai là Quốc hội Mỹ phải từ bỏ Luật kiểm soát ngân sách được thông qua năm 2011 hoặc điều chỉnh trần mới về ngân sách quốc phòng. Ba là đối mặt với sức ép từ người dân Mỹ, bởi để tăng ngân sách quốc phòng, Mỹ phải cắt giảm nhiều ngân sách dành cho các lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, y tế, phúc lợi nghỉ hưu…