Theo Sở Xây dựng, báo cáo từ các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát cho thấy, sau 3 ngày (tính đến hết 23/11), chủ đầu tư mới phá dỡ được 23 m2 phần tum. Trong giai đoạn một, Công ty cổ phần may Lê Trực (chủ đầu tư) cam kết phá dỡ phần tum và tầng 19 (khoảng 1.900 m2).
Các đơn vị giám sát cho rằng nguyên nhân của sự chậm chễ trên là chủ đầu tư chưa tập trung nhân lực, máy móc để phá dỡ. Cụ thể, trong ngày 21 và 22/11 chỉ có 3 thợ, 3 máy khoan làm việc. Đến ngày 23/11, thợ và máy móc được tăng cường, nâng tổng số thợ làm công việc phá dỡ lên 5.
Từ thực tế trên, Sở Xây dựng đề nghị quận Ba Đình yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương bổ sung nhân lực, thiết bị đẩy nhanh việc phá dỡ; chỉ đạo nhà thầu khẩn trương lắp giàn giáo, hệ thống bao che công trình đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường. Chủ đầu tư trong quá trình phá dỡ phải đình chỉ tuyệt đối mọi hoạt động thi công xây dựng đối với công trình vi phạm.
Tronggiai đoạn một, phần tum và tầng 19 sẽ bị phá dỡ. Đồ họa:Tiến Thành. |
Trước đó sáng 21/11, chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực bắt đầu phá dỡ phần sai phạm. Ông Đỗ Thế Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án cho hay sẽ tháo dỡ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là dỡ tầng tum và tầng 19 tòa nhà trong 8 tháng. Giai đoạn 2 sẽ dỡ phần công trình sai phép còn lại.
Dưới góc nhìn của chuyên gia phá dỡ công trình, ông Trương Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam (Tập đoàn Phương Bắc) cho rằng số lượng máy móc và nhân lực thực hiện công việc phá dỡ chưa ổn. Nếu thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, doanh nghiệp cần đưa khoảng 45-50 công nhân và 15-20 máy nén khí hoạt động cùng lúc.
Theo Vnexpress