Sau khi nhà đầu tư công nghệ toàn cầu Masayoshi Son khởi động quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới cách đây 6 năm, ông nói rằng tập đoàn SoftBank đang rót tiền vào các công ty dựa trên một chiến lược duy nhất.
“Chúng tôi không chỉ đưa ra những khoản đầu tư một cách liều lĩnh”, Son nói với các nhà đầu tư trong năm 2018. “Chúng tôi sẽ tập trung vào một lĩnh vực duy nhất, trí tuệ nhân tạo (AI)”.
Kể từ sau đó, hơn 140 tỉ USD đã được rót cho hơn 400 startup, trong bối cảnh cơn sốt AI càn quét thị trường – và SoftBank đang cố gắng bắt kịp.
Bất chấp những khoản chi chưa từng có tiền lệ mà Son từng nói vào năm 2002 rằng sẽ giúp SoftBank trở thành “công ty đầu tư cho cuộc cách mạng AI”, công ty này vẫn bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào AI tạo sinh, phân ngành đang rất “nóng” với những sản phẩm như ChatGPT.
Tập đoàn có trụ sở tại Tokyo chỉ đầu tư vào 1 trong số 26 startup AI tạo sinh có giá trị thị trường trên 1 tỉ USD, theo PitchBook. Lĩnh vực này đã trở nên nóng bỏng trong những tháng gần đây, khi mà nhiều công ty tư nhân như OpenAI, bên sở hữu ChatGPT, huy động được nguồn vốn lớn gấp đôi hoặc gấp 3 lần định giá trước đó của nó. Các đối thủ cạnh tranh của SoftBank, bao gồm Coatue, Lightspeed và Tiger Global Management đều đã rót tiền đầu tư cho những công ty tỉ USD trong lĩnh vực này.
Trong hội nghị thường niên của SoftBank vào tháng 6, Son một lần nữa cam kết sẽ nâng công ty lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này. Ông nói AI sẽ làm thay đổi nhân loại, và rằng ông muốn trở thành một kiến trúc sư của tương lai đó. Son thừa nhận rằng ông từng bật khóc trong những khoảnh khắc yếu mềm trong năm ngoái, và cảm thấy “xấu hổ vì những sai lầm đã mắc phải”.
Bắt nhịp xu hướng mới
Sự kém thành công với AI của Son cho thấy những khó khăn mà các nhà đầu tư đang vướng phải khi cố gắng đón đầu làn sóng công nghệ mới. Ngay cả khi đã rải một lượng tiền lớn cho hàng loạt công ty và lĩnh vực trong ngành công nghiệp này, lựa chọn ra những bên chiến thắng là điều khó khăn.
Làn sóng AI từng khuấy đảo nhiều mã cổ phiếu công nghệ cũng có ít tác động tới danh mục các mã chứng khoán công nghệ mà SoftBank đã đầu tư – 36 công ty, bao gồm DoorDash và công ty thương mại điện tử Coupang của Hàn Quốc.
Hầu hết tác động tích cực mà AI mang lại tập trung vào một nhóm nhỏ các tập đoàn cỡ bự như Microsoft và Meta Platforms, thay vì những công ty mới nổi mà SoftBank nhắm đến. Công ty này cũng bỏ lỡ một cơ hội lớn đầu tư vào hãng sản xuất chip AI Nvidia: SoftBank đã đầu tư khoảng 4 tỉ USD vào Nvidia trong năm 2017, nhưng rồi lại bán cổ phần của nó vào năm 2019. Cổ phiếu của Nvidia đã tăng giá khoảng 10 lần kể từ đó.
Tuy nhiên, SoftBank cũng hưởng lợi từ đợt bùng nổ AI nhờ vào một trong số các công ty của họ: nhánh sản xuất chip Arm mà họ mua lại vào năm 2016 với giá 32 tỉ USD.
Các nhà phân tích cho rằng Arm có khả năng được định giá trên 60 tỉ USD – con số lớn nếu như so với mức định giá trước đó – trong một đợt IPO dự kiến diễn ra trong những tháng tới. Điều này, cùng với đồng yen suy yếu, đã giúp nâng giá cổ phiếu của SoftBank hơn 33% kể từ cuối tháng 5.
Amir Anvarzadeh, chiến lược gia đến từ công ty nghiên cứu Asymmetric Advisors, cho hay việc SoftBank bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào các công ty AI cho thấy công ty này “không phải một nhà đầu tư vĩ đại”. Nhưng ông cho rằng, việc Arm được định giá cao “có khả năng cứu vãn SoftBank khỏi những khoản đầu tư thảm họa trong quá khứ”.
Bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào AI
Trong những tháng gần đây, cơn sốt AI không chỉ tăng nhiệt trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Định giá của các startup AI được xem là “hot” cũng tăng vọt, và các nhà đầu tư ra sức ném tiền cho các những nhà sáng lập trông có vẻ tiềm năng. Một startup AI của Pháp đã huy động được 113 triệu USD trong tháng trước, chưa đầy 8 tuần kể từ khi được thành lập.
SoftBank cho hay gần 90% các công ty được quỹ Vision Fund của họ rót vốn có sử dụng AI trong hoạt động thường nhật, chủ yếu là để phục vụ các nhiệm vụ như phân tích dự báo và các hệ thống chuyển đưa ra khuyến nghị dựa trên hành vi trong quá khứ cùng các yếu tố khác. Trong hội nghị hồi tháng 6, Son nói ông kỳ vọng một vài trong số những công ty này sẽ trở thành kẻ chiến thắng khi làn sóng AI lan rộng.
Thế nhưng, việc Vision Fund bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào xu hướng AI là một điều đáng chú ý, đặc biệt khi xét về việc SoftBank tập trung vào lĩnh vực này nhiều đến thế nào.
Son nhắc tới cụm từ “AI” hơn 500 lần trong các cuộc báo cáo kết quả hoạt động theo quý và thường niên trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến giữa năm 2022. Trong những bài thuyết trình trước các nhà đầu tư, trong đó có hình ảnh khủng long và động cơ hơi nước, vị CEO của SoftBank nói rằng AI sẽ “tái định hình tất cả các ngành công nghiệp” và mở ra một làn sóng mới mạnh mẽ về cách mạng thông tin. Đây là ý kiến mà nhiều vị CEO khác cũng đưa ra trong những tháng gần đây. Son nói rằng SoftBank sẽ tìm kiếm những startup hàng đầu trong một lĩnh vực, thứ mà ông gọi là Cụm chiến lược AI Số 1.
Nhưng một phần của vấn đề mà SoftBank gặp phải là thời điểm: Trong gần 6 năm kể từ khi Son thành lập được quỹ Vision Fund đầu tiên với 100 tỉ USD, những công ty AI tạo sinh rất ít được lựa chọn, và nếu được chọn thì chúng thường nhỏ hơn hoặc trong giai đoạn phát triển sớm hơn so với loại startup mà SoftBank thường lựa chọn đầu tư.
Bị các đối thủ cạnh tranh bỏ xa
Đầu năm 2022, SoftBank gần như ngừng toàn bộ hoạt động đầu tư vào các startup khi mà lĩnh vực công nghệ đang trong tình trạng đóng băng và SoftBank chịu khoản lỗ kỷ lục.
Sau đó, hàng loạt các công ty AI tạo sinh đã huy động vốn và lĩnh vực này bắt đầu thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Cuối năm đó, OpenAI cho ra mắt ChatGPT, tạo nên một làn sóng sục sôi trong lĩnh vực này.
Các đối thủ cạnh tranh của SoftBank trong nhiều tháng gần đây đã liên tục đổ tiền cho các startup AI, giúp cho định giá thị trường của các doanh nghiệp này tăng đột biến, đến nỗi nhiều nhà đầu tư mạo hiểm phải cảnh báo về rủi ro bong bóng đối với bất cứ ai tham gia vào không gian này.
Trong suốt những năm mà SoftBank đầu tư, nhìn chung họ thường tránh những công ty tập trung đặc biệt vào phát triển công nghệ AI. Thay vào đó, họ đổ tiền vào những công ty mà Son cho rằng tận dụng được AI và sẽ hưởng lợi từ đà tăng trưởng của nó. Ví dụ, công ty của ông đổ hàng tỉ USD vào nhiều công ty công nghệ xe tự lái, có xu hướng sẽ sử dụng AI để hỗ trợ tìm hiểu xem làm thế nào con người lái xe và phản ứng trước các vật thể trên đường.
Các khoản đầu tư khác của SoftBank thì đem về những lợi ích ít rõ ràng hơn từ mảng công nghệ, cho thấy sự nguy hiểm khi đổ tiền vào một lĩnh vực khó lường như AI.
Son từng nói với các nhà đầu tư rằng AI sẽ tạo động lực cho các kế hoạch mở rộng quy mô lớn của vô số công ty, nhưng nhiều năm sau lợi ích đó lại không rõ ràng hoặc không tồn tại. Vào năm 2018, ông nhấn mạnh về AI tại công ty bất động sản Compass, và công ty xây dựng Katerra (giờ đã phá sản), công ty cho thuê văn phòng WeWork – startup mà ông tuyên bố rằng sẽ sử dụng AI để phân tích cách con người giao tiếp và sau đó bán sản phẩm cho họ.
Giới phân tích dự báo rằng SoftBank sẽ lại mở hầu bao một lần nữa. Son, trong cuộc họp đầu tư, nói rằng chiến lược phòng thủ của công ty trong năm ngoái đã chấm dứt. “Thời điểm mà chúng tôi chuyển sang thế phản công đang đến gần”, ông tuyên bố.
“Rất khó để ông ta làm được như lời nói”, Victor Galliano, chuyên gia phân tích độc lập chuyên đưa ra những bài nghiên cứu trên nền tảng SmartKarma, nói. “Arm có thể được định vị để hưởng lợi trực tiếp, nhưng không có người chiến thắng rõ ràng trong danh mục đầu tư của SoftBank”./.
Masayoshi Son và Jack Ma: Khi đường chia đôi ngả…
SoftBank thua đau trong ván cược Big Tech Trung Quốc: Kỳ tích Alibaba 'ru ngủ' Masayoshi Son
[ĐỌC CHẬM] CEO Softbank Masayoshi Son: 'Gã điên' của giới đầu tư mạo hiểm
Theo Wall Street Journal