|
Việt Nam có mức tăng năng suất lao động nhanh nhất ASEAN song chênh lệch với các nước vẫn ngày càng được nới rộng. |
Tại hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia tổ chức vào ngày 7/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đưa ra thông tin gây lo lắng cho nhiều người: Năm 2018, năng suất lao động (NSLĐ) trung bình của Singapore cao gấp 13,7 lần Việt Nam. Chênh lệch NSLĐ (tính theo sức mua tương đương) của Việt Nam với các nước trong khu vực ngày càng gia tăng.
Chúng ta vốn luôn luôn tự hào về truyền thống dân tộc, về bản chất thông minh, sáng tạo, cần cù, chịu thương chịu khó; lạc quan, vượt qua khó khăn, hoàn cảnh để vươn lên trong cuộc sống của người Việt Nam.
Tuy nhiên, những thông tin về NSLĐ như “gáo nước lạnh”, khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng, trình độ tay nghề của người Việt Nam không thua kém các nước khu vực, thậm chí có mặt vượt trội và luôn đạt kết quả cao trong các cuộc thi tay nghề thì tại sao NSLĐ lại thấp?
Theo các chuyên gia, NSLĐ của Việt Nam có tăng qua các năm. Giai đoạn 2016-2018, NSLĐ tăng trung bình là 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015.
Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của nhiều nước trong khu vực.
Nhưng nếu so sánh chung thì các nước trong khối ASEAN tăng mạnh hơn, nhất là về khoảng cách chênh lệch tuyệt đối, khiến cho khoảng cách NSLĐ của Việt Nam so với các nước trong khu vực bị roãng rộng. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.
Lâu nay Nhà nước và các cơ quan chức năng của ta chú ý nhiều đến điều hành kinh tế vĩ mô, khởi nghiệp, kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc công khai cho rằng nhân công rẻ là một ưu thế...
|
Dệt may là ngành có năng suất lao động thấp vì phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài.
|
Điều này giống như gián tiếp thừa nhận mặt bằng, trình độ tay nghề lao động của người Việt Nam ở nhiều lĩnh vực là thấp so với khu vực. Thế nên không lạ khi nhiều người Việt Nam trong độ tuổi lao động sãn sàng thế chấp đất, vay ngân hàng và đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài với mong muốn có thu nhập cao hơn ở trong nước.
Và càng không lạ khi nhiều phụ huynh ngộ ra điều cay đắng thì đã muộn, vì chót đầu tư tiền của, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để con có kinh phí được đi học đại học, nhưng sau đó thất nghiệp, không kiếm được việc làm ưng ý mà hành nghề xe ôm, thậm chí làm công nhân tại các nhà máy.
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn phát triển được kinh tế và tăng NSLĐ thì phải có công nghệ tốt và cho ra sản phẩn độc đáo, đa dạng, định hướng được người tiêu dùng và cạnh tranh với nước ngoài. Thế nhưng hiện nay, Nhà nước chưa tìm ra được phương thức, cơ chế để kích thích khoa học công nghệ phát triển thì khó lòng có thể hy vọng nâng cao NSLĐ.
Thế nhưng điều mâu thuẫn là, nhiều đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học và cơ quan khoa học lớn của các ngành bị cất trong ngăn kéo vì nhiều lý do, trong đó có lý do lạc hậu, thiếu kinh phí, khó áp dụng, thậm chí chỉ nhằm giải ngân...
Thực tế cho thấy, công nghệ quyết định rất lớn đến NSLĐ. Trong khi các nước tiên tiến chủ yếu hướng tới làm giàu bằng sản xuất dây chuyền công nghệ để bán, thu ngoại tệ thì Việt Nam lại chú trọng nhiều đến nhập công nghệ cũ, lạc hậu vì đầu tư thấp.
Điều này thêm khẳng định, chất xám của người Việt Nam ngày càng... ế!
Các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam được xếp là nhóm có NSLĐ cao thứ hai ở trong nước. Do họ xây dựng triết lý “cùng tiến” trong sản xuất kinh doanh nên để nằm trong chuỗi sản xuất phụ trợ của họ, các doanh nghiệp Việt Nam phải đạt các tiêu chí dây chuyền công nghệ, quản lý và trình độ tay nghề...
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền hiện đại nhưng không thể lọt vào chuỗi cung cấp linh kiện phụ trợ vì không đạt các tiêu chuẩn khác theo yêu cầu của họ.
Trong sân chơi hội nhập, thuế và rào cản kỹ thuật là hai con bài mà các nước tiên tiến áp dụng. Họ cho Việt Nam “nhìn thấy lợi ích” từ xóa bỏ thuế nhập khẩu nhưng lại buộc Việt Nam phải tuân thủ các hàng rào kỹ thuật. Để đạt được các tiêu chí, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải mua công nghệ của nước ngoài và sản xuất theo quy trình đã được họ quy định. Thế nên, quyền chủ động trong sân chơi hội nhập nằm ở phía họ.
Chất xám mà bị... ế dài dài, không phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội sẽ là điều vô cùng đáng buồn! Và một điều chắc chắn rằng, nếu không có phương cách phát triển khoa học công nghệ đúng hướng và đầu tư nghiên cứu bài bản để cho ra thị trường sản phẩm có giá trị cao thì Việt Nam khó lòng mong đuổi kịp NSLĐ ở các nước trong khu vực.