Chất vấn nảy lửa Chủ tịch QH - Bộ trưởng Nội vụ

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng nhiều lần ngắt lời Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình để nhắc ông trả lời đúng câu hỏi bổ nhiệm chức danh hàm không có trong luật, Trung ương vẫn làm thì địa phương có được làm không.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình

Sáng nay, Bộ trưởng Nội vụ đăng đàn trả lời câu hỏi về bổ nhiệm chức danh hàm do ĐB Nguyễn Bá Thuyền và Bùi Mạnh Hùng nêu từ chiều qua.

Chất vấn nảy lửa Chủ tịch QH - Bộ trưởng Nội vụ ảnh 1

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trần tình nhiều ĐBQH đã gửi phiếu chất vấn cũng như khi phát biểu tại hội trường hôm qua cũng có nhiều ý kiến đặt vấn đề.

"Các ĐB đã gửi phiếu chất vấn, cá nhân tôi đã trả lời. Nhưng khi trả lời các ĐB thì chưa có ý kiến chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng. Nhân đây, chúng tôi báo cáo quá trình nghiên cứu hàm, thực trạng, nguyên nhân, và hướng xử lý", Bộ trưởng Nội vụ từ tốn nói.

Ông cho biết, tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 8, Bộ đã có báo cáo đến nay, quy định của Đảng, pháp luật nhà nước chưa có văn bản nào quy định về hàm đối với một số cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với một số đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức.

Sau khi có ý kiến ĐB, từ tháng 6/2014, Bộ đã thành tổ nghiên cứu về chức danh hàm, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức danh này báo cáo.

Bộ đã tổng hợp trình QH, và sau khi QH có nghị quyết, Thủ tướng chỉ đạo, thì Bộ thành lập ban nghiên cứu, mời nhiều cơ quan như Ban Tổ chức TƯ, UB Kiểm tra TƯ, MTTQ, VP Trung ương Đảng, VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ, VPQH, Tòa án và Viện kiểm sát NDTC, Bộ Tư pháp, Công an, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, tiến hành đánh giá, hội thảo, nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học...

Không có văn bản nào cho phép làm

Nghe đến đây, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời để nhắc Bộ trưởng Nội vụ: "Câu hỏi đơn giản thôi: Trung ương làm thế có đúng không, nếu đúng thì địa phương chúng tôi làm được không?

XEM CLIP CUỘC CHẤT VẤN:

Đồng chí trả lời chỗ ấy thôi, chứ nói cách làm thì lâu lắm. Trung ương chưa có quy định của luật pháp, nhưng chỗ này chỗ kia đã làm, chúng tôi sẽ xem lại. Và sẽ giải quyết, không đúng thì thôi, không thể mở rộng cho làm được".

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình tiếp tục: Sau khi nghiên cứu thì có hai nhóm ý kiến. Nghe nửa câu, Chủ tịch QH ngắt luôn lời, lại nhắc "quá trình nói làm gì, quá trình đó vô cùng nhiều việc lắm".

"Chỉ cần nói xử lý thế nào? Địa phương có được làm không?", ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh. Ông Nguyễn Thái Bình trả lời: Tới giờ này không có văn bản nào của Đảng, nhà nước cho phép làm.

"Kết thúc nghiên cứu, chúng tôi đã báo báo Thủ tướng về hai nhóm ý kiến. Thứ nhất là đề nghị công nhận chức danh này, nêu rõ ưu điểm, hạn chế. Thứ hai đề nghị không quy định, cũng có ưu điểm, hạn chế.

Ngày 8/10, chúng tôi đã xin ý kiến Thủ tướng. Ngày 29/10, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì hoàn thiện đề án để báo cáo xin ý kiến Chính phủ", ông Nguyễn Thái Bình nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lại nhắc lại câu hỏi: Địa phương có được làm không? Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời: Hiện chưa có quy định nào nên chưa làm được. Chủ tịch QH: Vậy đồng chí nói dứt điểm đi!

"Có phải ý đồng chí thế này không: Việc này trên thực tế là có, đang làm. Nhưng làm như thế là không có quy định của pháp luật nào cả, là sai. Tuy nhiên đó là một thực tế, Bộ Nội vụ đang được giao nghiên cứu, trong khi nghiên cứu thì địa phương không được làm. Cả Trung ương và địa phương không được tiếp tục nữa", ông Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời: "Đúng rồi!"

Đến lúc này thì người điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn phải lên tiếng để chấm dứt phần trả lời của Bộ trưởng Nội vụ.

Theo VNN