|
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số. |
Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số (Bộ TT&TT), Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam trong cuộc trao đổi riêng với VietTimes về phong trào khởi nghiệp.
Xu thế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ
- Thưa ông, hiện nay "khởi nghiệp" đang là vấn đề rất nóng tại Việt Nam và năm 2016 được xem là năm khởi nghiệp của quốc gia. Ông nhìn nhận như thế nào về cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam hiện nay?
- Hiện tại, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đã đạt đến một quy mô tương đối lớn. Tuy nhiên, để có được quy mô này thì trước đây chúng ta đã có một quá trình chuẩn bị tương đối công phu, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Chính phủ và các tổ chức trong và ngoài nước. Trong đó, phải kể đến vai trò của các doanh nghiệp đi trước có kinh nghiệm để làm "bà đỡ" cho các thế hệ khởi nghiệp tiếp theo.
Bên cạnh lực lượng hùng hậu như vậy thì qua việc gặp ngỡ, tiếp xúc với nhiều bạn trẻ và các doanh nghiệp khởi nghiệp tôi thấy rằng cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam cũng có một số vấn đề cần quan tâm đến như chất lượng, định hướng cũng như tầm nhìn. Trong đó, có yếu tố về tầm nhìn toàn cầu và ý tưởng cho ra đời sản phẩm dịch vụ đã nắm bắt được xu thế đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ.
Theo tôi, chất lượng đang là một trong những điểm yếu của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam hiện nay. Vì vậy, chúng ta có rất nhiều việc phải làm để tiếp tục mở rộng, nâng cấp lực lượng này. Đồng thời, phải đồng hành cùng với họ khi thuận lợi cũng như khó khăn, đặc biệt là lúc họ gặp khó khăn để sau một chu kỳ kinh tế chúng ta có một thế hệ doanh nhân mới, có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm và tri thức để làm chủ thị trường trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài.
- Hiện nay, nhiều người cho rằng dường như “khởi nghiệp” tại Việt Nam đang được khởi xướng theo kiểu “phong trào” nên sẽ không để lại nhiều thành quả. Ông có đồng ý với quan điểm này không, thưa ông?
- Trước hết chúng ta nói đến tính "phong trào" trong "khởi nghiệp". Hiện nay, trên thực tế, có nhiều người lo ngại rằng khởi nghiệp ở Việt Nam đang mang nặng tính phong trào, mà đã là phong trào thì thường là rầm rộ ban đầu, rồi teo tóp dần đi và cuối cùng không mang lại kết quả gì.
Tuy nhiên, theo tôi, nếu ta nhìn tính “phong trào” ở góc độ khác thì lại thấy tính tích cực của nó. Muốn làm một cái gì đó thì ban đầu phải có nhân tố hạt nhân. Sau nhân rộng nó ra thành trào lưu, thành xu thế, tạo ra sự hứng khởi để lôi kéo và tập hợp các nguồn lực của xã hội tham gia vào phong trào ấy.
Như vậy, khi có phong trào thì chúng ta sẽ có lực lượng lớn và các nguồn lực xã hội sẽ tập trung vào đó. Thế thì chúng ta phải giải quyết được vấn đề chất lượng, về tầm nhìn trung hạn và dài hạn để chúng ta chuyển đổi nguồn lực này một cách tốt nhất, thông minh nhất và quản trị được rủi ro để cho phong trào này biến thành sản phẩm dịch vụ mới phục vụ tốt cho yêu cầu của xã hội.
- Vậy liệu có thể đến thành công mà không cần đi qua con đường "khởi nghiệp", thưa ông?
- Để đến với thành công có nhiều con đường, nhưng cũng tùy thuộc cách chúng ta định nghĩa thế nào là thành công. Cùng một khái niệm nhưng chúng ta nhìn nhận nó dưới nhiều góc độ khác nhau, thì chúng ta có các hướng khác nhau để tiếp cận khái niệm ấy.
Khởi nghiệp cũng là một trong những con đường để đi đến thành công. Trong khởi nghiệp chúng ta phải chú trọng đến khởi nghiệp sáng tạo, vì nó có vai trò rất quan trọng và riêng lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là lĩnh vực chúng ta cần phải quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ...
Hiện nay, có những người lập nghiệp dựa trên những ngành nghề kinh doanh truyền thống. Đấy là lĩnh vực cần phải quan tâm. Nó phù hợp với cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ
Tuy nhiên theo tôi, vấn đề mà các bạn trẻ và các doanh nghiệp khởi nghiệp nên tập trung đầu tư là "khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", vì nó tạo ra nền tảng và giải quyết rất nhiều bài toán của xã hội. Vì "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" gắn liền với công nghệ. Có công nghệ là nền tảng để giải quyết các vấn đề của xã hội.
Chuyển dần sang nền kinh tế số
- Hiện nay, ông đang nhận tư vấn miễn phí cho giới trẻ về khởi nghiệp. Thưa ông, xuất phát từ đâu mà ông có lòng đam mê với việc tư vấn khởi nghiệp cho giới trẻ? Việc này có ảnh hưởng đến công việc hiện tại của ông không?
- Từ trước đến nay, việc tham gia, giao lưu và tương tác với giới trẻ cũng là thói quen hàng ngày của tôi. Bên cạnh đó, công việc hiện tại của tôi nặng về công tác nghiên cứu để chuẩn bị cho những bước chuyển trong giai đoạn tới kể cả góc độ cá nhân và hướng dịch vụ mới phục vụ xã hội, nên xét trên góc độ nào đó nó cũng có một phần liên quan đến nhau.
Hướng nghiên cứu của tôi đang tập trung vào "không gian kinh tế số". Tôi muốn trong thời gian tới sẽ góp một phần để Việt Nam có bước chuyển mình, từ nền kinh tế truyền thống dựa vào việc khai thác tài nguyên với giá trị gia tăng thấp có sức cạnh tranh không cao chuyển dần sang nền kinh tế số.
Hiện tại, Việt Nam đang có nguy cơ cao là rơi vào bẫy thu nhập trung bình giai đoạn đầu, nếu chúng ta không tỉnh táo sẽ không vượt qua được. Vì vậy, hướng nghiên cứu của tôi là tập trung vào số hóa, để nó len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống mà chúng ta phải tận dụng tất cả các nguồn lực, trong đó quan trọng nhất là nguồn lực về trí tuệ của con người Việt Nam. Từ đó, chúng ta từng bước chuyển dần sang nền kinh tế số.
- Theo ông, với các bạn trẻ khi mới ra trường có khát khao khởi nghiệp thì điều cần thiết nhất để họ khởi nghiệp là gì?
- Trước đây tôi đã trực tiếp khởi sự 3 doanh nghiệp, 2 trong 3 doanh nghiệp nằm trong danh sách 50 DN CNTT hàng đầu Việt Nam năm 2016. Từ kinh nghiệm như vậy và qua tiếp xúc với các bạn trẻ tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam có đam mê, có nhiều ý tưởng và khi khởi nghiệp các bạn có sự dũng cảm. Tuy nhiên, để khởi nghiệp được thì các bạn trẻ phải vượt qua rất nhiều rào cản và cũng đầy rủi ro.
Tôi nghĩ rằng với kinh nghiệm của mình, tôi cố gắng chia sẻ có thể giúp giới trẻ Việt Nam khi khởi nghiệp sẽ giảm được những rủi ro và tạo cho các bạn nguồn lực, kinh nghiệm trên con đường khởi nghiệp. Đặc biệt, trong quá trình khởi sự doanh nghiệp sẽ, có những lúc các bạn trẻ bị khủng hoảng về tinh thần, vì vậy những lúc này ngoài những kinh nghiệm tôi còn là một người bạn để tạo niềm tin cho các bạn trong lúc khó khăn.
Ai khởi nghiệp chắc đều biết, trong khởi nghiệp có một công thức là cứ 10 doanh nghiệp khởi nghiệp thì thông thường sau 5 năm chỉ 1 công ty thành công. Vì vậy, tôi hi vọng khi tham gia vào quá trình này thì tỉ lệ thành công của các bạn sẽ cao hơn, nếu được một tỉ lệ trong quá khứ tôi đã làm là khởi sự 3 doanh nghiệp thì thành công 2, tôi cho rằng đó là tỉ lệ vàng (cười).
- Ông là người rất thành công trong cộng đồng khởi nghiệp, khi có 2 trong 3 doanh nghiệp CNTT do ông khởi sự nằm trong danh sách 50 DN CNTT hàng đầu Việt Nam năm 2016. Ông vui lòng chia sẻ điều tâm đắc về quá trình khởi nghiệp của ông?
- Quá trình khởi nghiệp của tôi cũng không có gì đáng nói vì qua các phương tiện thông tin đại chúng có lẽ mọi người cũng đã có những nắm bắt nhất định. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là kết quả cuối cùng, như mọi người thấy đó, bây giờ chúng ta có những Doanh nghiệp sau khi khởi nghiệp họ trưởng thành, họ tạo ra những sản phẩm dịch vụ hữu ích để phục vụ cho xã hội. Qua đó, họ tạo ra được nhiều công ăn việc làm để cho những người cộng sự có cơ hội phát triển trong môi trường tốt nhất.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Xuân Cường có hơn 9 năm làm việc tại VNPT và hơn 9 năm công tác tại VTC. Tại VTC, ông có 5 năm làm Phó tổng giám đốc, 4 năm làm Tổng giám đốc, 8 năm làm Thành viên Hội đồng thành viên, 5 năm làm Phó bí thư Đảng ủy, 2 năm kiêm nhiệm Chủ tịch công đoàn Tổng công ty.
Ông Cường đã cùng các đồng sự khởi xướng dịch vụ Nội dung số tại Việt Nam. Ông đã tham gia sáng lập và điều hành công ty VTC Intecom kiêm Chủ tịch các công ty VTC Online, VTC Mobile. Hiện cả VTC Intecom và VTC Mobile đều lọt top 50 DN CNTT hàng đầu Việt Nam năm 2016.