Đà Nẵng muốn “xây” hệ sinh thái khởi nghiệp thế nào?

VietTimes – Hiện thành phố đã có đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng”. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, thành phố sẽ hỗ trợ khoảng 200 dự án, 80 doanh nghiệp khởi nghiệp, thành lập được một số “vườn ươm” doanh nghiệp theo hình thức xã hội hóa…
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Không chỉ vậy, đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” còn đặt ra các mục tiêu khá tham vọng, chẳng hạn như Ban hành, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, là Xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố kết nối với Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Đồng thời, đề án còn muốn phấn đấu đến năm 2020 có 50% các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp, trung học dạy nghề… thành lập Câu lạc bộ hoạt động đổi mới sáng tạo, toàn bộ các trường đại học, cao đẳng có chương trình giảng dạy về khởi nghiệp và có câu lạc bộ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Đặc biệt, Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng còn đưa vào trong nội dung đề án mô hình khá hay. Đó là thành lập được Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng, và thu hút được 3-5 Quỹ đầu tư mạo hiểm đặt văn phòng đại diện tại thành phố.

Sẽ không quá khó để hình dung tham vọng từ đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” mong muốn tạo được sự thay đổi về chất, và sự đột biết về lượng trong các nỗ lực hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố. Với trọng tâm hướng tới thế hệ trẻ luôn tràn đầy ý tưởng sáng tạo và sự nhiệt tình, nhưng lại thiếu kinh nghiệm và vốn.

Trong nỗ lực đó, sinh viên được xác định là đối tượng trọng tâm hướng tới của đề án để hình thành được đội ngũ nhân lực có chất lượng và từ đó tạo tiền đề khuyến khích ý thức nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ... Và đóng vai trò hỗ trợ, khuyến khích, thì chính quyền Đà Nẵng được xác định đóng vai trò chính, kể cả về việc xây dựng chính sách hợp tác, liên kết nhằm thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Cũng như là duy trì các nỗ lực mọi mặt để đề án được vận hành thông suốt, thuận lợi, đạt được các mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, sự rành mạch, rõ ràng của đề án sẽ còn phải được thử thách khi áp dụng vào thực tế. Theo ông Huỳnh Phương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng, thì hiện thành phố “chưa có chính sách chiến lược, chưa có chính sách đủ mạnh nhằm tạo sự bức phá trong việc xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ hỗ trợ phát triển khởi nghiệp, chính sách đầu tư mở rộng đối với các doanh nghiệp”.

Do đó, theo ông Phương, Đà Nẵng cần tái cơ cấu quá trình xây dựng chiến lược hiệu quả làm cho hoạt động khởi nghiệp mang tính chuyên nghiệp, có tính bức phá và không mang tính phong trào. Các chính sách về chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm cần cụ thể hơn …

Còn theo ông Nguyễn Bá Cảnh, Bí thư thành Đoàn Đà Nẵng, hiện việc xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, thế hệ trẻ rất khó khăn dù nhiều bạn trẻ có những ý tưởng hay. Khởi nghiệp cần phải có ý tưởng mới, mang tính thực tế và ứng dụng dù là những vấn đề nhỏ. Để khởi nghiệp được thuận lợi và có tiềm lực, ý tưởng nên tập trung vào những ngành mũi nhọn mà thành phố đang phát triển như: thương mại-dịch vụ, du lịch, công nghệ cao…

Như vậy là, hai ý kiến đại diện cho hai lực lượng sáng tạo bậc nhất của thành phố đều tập trung vào “bờ rào” lớn nhất trong hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, đó là thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể.

Nhìn rộng hơn, thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể các doanh nghiệp khởi nghiệp không là vấn đề riêng của Đà Nẵng, mà có tính chung trên cả nước và thế giới. Có đến hơn 70% doanh nghiệp mới thành lập, 90% ý tưởng hữu dụng khi đi vào khai thác, kinh doanh không thể “sống” được quá 3 năm đầu tiên là một thực tế được công nhận từ lâu.

Từ đây, sẽ thấy việc đề nghị hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách, và thậm chí là cả tài chính, nguồn vốn là đúng, nhưng có thực tế hay không lại là chuyện khác. Một bài học từ các nước phát triển là “cởi trói”, dỡ bỏ các hạn chế về quản lý đối với kinh doanh, nhưng hỗ trợ khởi nghiệp thông qua các quỹ đầu tư, vườn ươm, hay sàn giao dịch ý tưởng… mới là phương án tối ưu.

Lý do vì giúp các dự án khởi nghiệp được vận hành và quản lý bằng phương pháp chuyên nghiệp ngay từ đầu mới là điều cần thiết nhất, thậm chí cần thiết hơn cả ý tưởng khởi nghiệp. Nói cách khác, phát hiện và khai thác ý tưởng khởi nghiệp không quan trọng bằng duy trì sự phát triển cho dự án khởi nghiệp. Mà đây, lại chính là điều thiếu nhất hiện nay, và thiếu không chỉ ở Đà Nẵng.