Chảo lửa Syria và đại chiến dầu khí Trung Đông

VietTimes -- Việc Nga phát động chiến dịch quân sự chống khủng bố ở Syria đã làm tan biến mọi tham vọng loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad ra khỏi cuộc chơi, buộc Mỹ và tất cả các nước Vùng Vịnh có liên quan tới cuộc khủng hoảng Syria đều phải điều chỉnh chiến lược...
Phi công Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Phi công Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria

(tiếp theo kỳ trước)

Sự dính líu của Qatar trong các dự án dầu khí ở Syria

Kể từ khi bùng phát phong trào “Mùa xuân Arab” ở Syria, Qatar đã dính líu vào các hoạt động sử dụng “các lực lượng đối lập”, trong đó có cả các tổ chức khủng bố, để lật đổ chính thể ở quốc gia này. Với chủ trương này, Qatar trở thành đồng minh tự nhiên của Mỹ, các nước phương Tây và Arabia Saudi, bởi tất cả đều muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và dựng lên ở Damascus một chính thể đáp ứng lợi ích của họ, trước hết là kiểm soát toàn bộ hoạt động khai thác và sử dụng dầu mỏ và khí đốt.

Vậy nên, việc ngày 5/6/2017 các nước Saudi Arabia, Bahrain, UAE khởi xướng cuộc chiến tranh ngoại giao chống Qatar với cáo buộc Chính quyền Doha “tài trợ khủng bố” chẳng khác gì hành động “ném bùn sang ao” mà chẳng có tác dụng gì hết.

Cuộc chiến đẫm máu ở Syria vẫn chưa thấy hồi kết
Trung Đông luôn là điếm nóng xung đột trong những thập kỷ gần đây

Sự dính líu này của Qatar ở Syria trải qua bước ngoặt quyết định kể từ ngày 30/9/2015, khi Nga phát động chiến dịch quân sự chống khủng bố ở Syria. Quyết định này của Tổng thống Nga V.Putin cũng như hành động quyết liệt, có hiệu quả của lực lượng đường không-vũ trụ của Nga trong chiến dịch chống khủng bố ở Syria sau đó đã làm tan biến mọi tham vọng loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad ra khỏi cuộc chơi, buộc Mỹ và tất cả các nước Vùng Vịnh có liên quan tới cuộc khủng hoảng Syria đều phải điều chỉnh chiến lược [2].

Quan hệ hợp tác khí đốt Qatar-Nga

Trước khi bùng phát “Mùa xuân Arab”, Qatar đã từng thiết lập quan hệ hợp tác với Nga trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt. Năm 2005, Qatar thành lập Quỹ đầu tư có chủ quyền, gọi tắt là Quỹ đầu tư Qatar. Đến năm 2017, Quỹ này đã có giá trị lên tới 335 tỷ USD. Quỹ đầu tư Qatar mở rộng quan hệ với Nga, được đánh dấu bằng các dấu mốc rất đáng chú ý: tháng 6/2013, sở hữu 2,95 tỷ vốn điều lệ của Ngân hàng ngoại thương của Nga (VTB); tháng 9/2016, sở hữu 24,99% cổ phiếu của sân bay “Pulkovo” của Nga; tháng 12/2016, sở hữu 19,5% cố phiếu của tập đoàn dầu khí “Rosnef” của Nga liên doanh với Công ty toàn cầuGlencore” (Global Energy Commodity Resources) của Thụy Sỹ.

Tháng 6/2017, Quỹ đầu tư Qatar đàm phán tích cực về việc mua 25% cổ phiếu của Công ty dầu khí độc lập của Nga hiện đang bị Mỹ đưa vào danh sách bị cấm vận. Hiện nay, Quỹ đầu tư Qatar đang chủ trương ủng hộ phát triển hợp tác với các quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga và đang nghiên cứu các đề án hợp tác chung trị giá 6,5 tỷ USD.

Những con số trên đây chứng tỏ, Qatar đã từng xúc tiến các hoạt động hợp tác với Nga trước khi cuộc chiến chống khủng bố ở Syria lên tới đỉnh điểm, đặc biệt là sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở quốc gia này. Tuy nhiên, đã có một “khoảng lặng” trong hợp tác giữa Qatar với Nga do Chính quyền Doha trong thời gian đó tham gia đề án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia của Mỹ, có tên là “Qatar-châu Âu” nhằm đưa khí đốt của Qatar đi qua lãnh thổ Syria, tới Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó tới Châu Âu, dĩ nhiên không có sự tham gia của Nga.

Cuộc chiến vì quyền lực và nguồn tài nguyên dầu mỏ chưa bao giờ ngừng nghỉ ở Trung Đông
Cuộc chiến vì quyền lực và nguồn tài nguyên dầu mỏ chưa bao giờ ngừng nghỉ ở Trung Đông

Với nhịp độ khai thác như hiện nay, Qatar có lượng dự trữ khí đốt đủ dùng cho 160 năm với ưu thế cạnh tranh vượt trội so với Nga do chi phí khai thác và sản xuất thấp hơn. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama chủ trương hợp tác với Chính quyền Doha để đưa khí đốt của Qatar tới thị trường châu Âu, từng bước làm tiêu tan vị thế độc quyền của Nga trên thị trường này.

Cuối năm 2016, Matxcơva đưa ra một đề xuất cực kỳ hấp dẫn mà phía Qatar không thể từ chối đón nhận. Đó là, không chuyển tải khí đốt của Qatar tới thị trường châu Âu mà trên danh nghĩa là tới châu Á, thông qua tuyến đường ống của Công ty khí hóa lỏngYamal LNG” của Nga được xây dựng từ năm 2005 theo một dự án trị giá 27 tỷ USD. Trong khi đó, khí hóa lỏng của Nga từ mỏ Yamal sẽ được chuyển tớ châu Âu. Tuy nhiên, trên thực tế là Nga sẽ chuyển khí đốt của Qatar tới châu Âu thông qua tuyến đường ống của Công ty khí hóa lỏngYamal LNG”.

Thế giới gần như không biết gì về đề án hợp tác khổng lồ này giữa Nga và Qatar, trong đó hai bên đều có lợi: Qatar có được một dự án chuyển khí đốt tới châu Âu không cần đi qua Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, còn Nga có được nhiều lợi ích kinh tế và chính trị, trong đó tổ chức khủng bố IS ở Syria sẽ không còn nhận được tài trợ từ Qatar và sẽ sơm bị Nga tiêu diệt [3].  

Mỹ muốn độc quyền thị trường dầu khí

Nếu chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama muốn đưa khí đốt của Qatar tới thị trường châu Âu nên phải đẩy Nga ra khỏi Syria, thì chính quyền hiện của Tổng thống Donald Trump lại áp dụng chính sách khác.

Theo đó, để đẩy Nga ra khỏi thị trường châu Âu, Mỹ sẽ chuyển khí đốt hóa lỏng của họ trực tiếp tới châu Âu. Dĩ nhiên, trong trường hợp này lợi ích của cả Nga và Qatar đều bị đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, để thực hiện dự án này, Mỹ chưa có cơ sở hạ tầng cần thiết mà để xây dựng nó cũng phải mất nhiều thời gian, ít nhất là 10 năm. Theo con số thống kê, trong năm 2015 Nga đã chuyển sang Đức 45,3 tỷ mét khối khí đốt, tương đương 32 triệu tấn. Để chuyển tải một khối lượng khí đốt như vậy, Mỹ phải cần tới 329 tàu chở dầu “Creole Spirit” hoạt động trong một năm. Trong khi đó, trên thế giới chỉ có khoảng 400 tàu chở dầu tương tự.

Hiện nay, Qatar tuyên bố sẽ tăng gấp đôi sản lượng khai thác khí đốt. Trong đó có một mỏ khí đốt nằm trên ranh giới của hai vùng biển thuộc chủ quyền của Qatar và Iran. Vì thế mà Qatar cần hợp tác với Iran để thực thi dự án khai thác mang tầm thế kỷ này. Đây chính là một trong những yêu tố thúc đẩy Qatar “chơi thân” với Iran và khiến Arabia Saudi phẫn nộ. Đặc biệt, dự án này là một đòn giáng mạnh vào các dự án khí hóa lỏng của Mỹ.

Trong khi đó, có khoảng 70% công suất sản xuất khí hóa lỏng của Mỹ dự kiến cho 10 năm tới chưa có quyết định đầu tư. Ngoài ra, các  tổng giám đốc ba công ty dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới là “Exxon Mobil”. “Royal Dutch Shell” và “Total” lại đang được Quốc vương Qatar dành ưu tiên đầu tư vào các mỏ khí đốt siêu lợi nhuận của quốc gia này. Cũng nhằm mục đích giành thế độc quyền trên thị trường dầu mỏ và khí đốt ở châu Âu, chính quyền Mỹ hiện nay đang gây sức ép buộc các nước châu Âu từ bỏ dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc” liên doanh với Nga, nhưng đang bị các đối tác châu Âu bác bỏ [3].

Vậy nên, Mỹ đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến ngoại giao chống Qatar và không phải ngẫu nhiên Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng đó là “thành quả chuyến thăm Arabia Saudi” của ông trong cuối tháng 5/2017. Cũng vì thế, chìa khóa để hóa giải cuộc chiến ngoại giao chưa có tiền lệ này nằm ở Washington./.

Tài liệu tham khảo

[1]A Primer On the REAL Global Geopolitical Battle.

http://www.zerohedge.com/contributed/2012-10-08/primer-real-global-geopolitical-battle  

[2]Причины арабской весны От Ливии до Сирии  http://arguendi.livejournal.com/278990.html

[3]Грандиозная своповая сделка России и Катара: Европа в обмен на Азию. https://regnum.ru/news/polit/2299721.html