Trong những ngày gần đây, Mỹ và các nước đồng minh trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ráo riết đẩy mạnh chiến dịch chiến tranh thông tin về việc “Syria đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học” nhằm tạo cớ cho một cuộc can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria.
Dĩ nhiên, ngoài chuyện vu cáo Syria sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ có thể tạo ra bất cứ vụ gây hấn nào khác để mượn cớ đó phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào quốc gia này. Do đó, một vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là liệu Syria có thể đối phó được với cuộc chiến tranh xâm lược này hay không?
Phần 1. SO SÁNH LỰC LƯỢNG CỦA MỸ VÀ SYRIA
Mỹ chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc không kích Syria
Để chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch không kích ồ ạt nhằm “trừng phạt Syria”, ở phía đông Địa Trung Hải, Mỹ đã triển một lực lượng lớn gồm cụm tàu sân bay mang tên USS George H.W.Bush (CVN-77) có khả năng mang được 90 máy bay và trực thăng trên boong; 2 tuần dương hạm và hai khu trục hạm được trang bị tên lửa có điều khiển và có thể có 2-3 tàu ngầm đa năng chạy bằng động cơ sử dụng năng lượng nguyên tử.
Trên bộ, Mỹ triển khai cụm máy bay chiến đấu chiến thuật tại các sân bay của Arabia Saudi (căn cứ không quân mang tên Thái tử Sultan), Qatar (căn cứ không quân Sheikh-Isa), Kuwait (căn cứ không quân Ahmed Al-Jabir) và máy bay ném bom chiến lược đậu tại các sân bay trên lãnh thổ Anh và lục địa Mỹ. Ngoài ra, Mỹ có thể sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-1 tại căn cứ không quân Markaz-Tamarid trên lãnh thổ Oman.
Ngoài ra, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ có thể triển khai tăng cường tới đông Địa Trung Hải thêm 1-2 cụm tàu sân bay, 2-3 cụm tàu tấn công, một số tàu ngầm nguyên tử đa năng lớp “Ohio” được trang bị tên lửa hành trình. Đồng thời, Lầu Năm Góc có thể điều thêm các lực lượng không quân chiến thuật từ châu Âu và từ lục địa Mỹ tới các căn cứ quân sự ở các nước đồng minh tại Trung Đông. Tất cả những hoạt động này có thể được triển khai trong thời gian ngắn nhất [1].
Khă năng phòng không của Syria
Theo giới phân tích quân sự trên thế giới, hệ thống phòng không của Syria hiện nay có khả năng mà không một đối thủ nào có thể xem thường, với quân số khoảng 36.000 người, được trang bị chủ yếu là các tổ hợp tên lửa phòng không của Liên Xô trước đây nhưng đã được Nga giúp đỡ cải thiến và bổ sung thêm đáng kể nhiều loại vũ khí mới.
Đó là các tổ hợp tên lửa phòng không nổi tiếng khắp thế giới S-75M “Dvina”, S-75 “Volga” và S-125 “Pechora” đã từng có trong trang bị của Quân đội nhân dân Việt Nam và đã từng được sử dụng rất hiệu quả trong việc đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ (1964-1972). Quân đội Nam Tư cũng được trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không này và được sử dụng để đối phó với cuộc không kích của NATO trong chiến tranh Kosovo (1999).
Hiện nay, những hệ thống vũ khí này tuy đã lạc hậu với khiếm khuyết cơ bản là khả năng cơ động kém, nhưng không phải đã hết tác dụng. Dư luận quốc tế, trước hết là giới phân tích quân sự, còn nhớ: Quân đội Nam Tư đã sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không S-125 bắn rơi máy bay tàng hình F-117A Night Hawk của Mỹ trong cuộc chiến Kosovo năm 1999. Sự kiện này chứng tỏ, các tổ hợp tên lửa phòng không S-75M “Dvina”, S-75 “Volga” và S-125 “Pechora” tuy đã cũ nhưng nếu có chiến thuật sử dụng khôn khéo vẫn có thể phát huy tác dụng.
Ngoài những tổ hợp tên lửa phòng không trên đây, hiện nay Quân đội Syria được trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không tương đối mới là S-200 và S-300 của Nga. Đây thực sự là mổi đe dọa đối với Không quân Mỹ và NATO. Tổ hợp tên lửa phòng không S-200 có khả năng bắn rơi mục tiêu từ cự li 240 km và ở độ cao 42km, vượt xa cả khả năng của tổ hợp tên lửa phòng không Patriot PAC-3 của Mỹ.
Còn tổ hợp tên lửa phòng không S-300 là một trong những hệ thống đánh chặn cơ động và hiệu quả nhất thế giới, có khả năng bắn hạ cả tên lửa đạn đạo liên lục địa. S-300 được trang bị hệ thống rađa có khả năng theo dõi đồng thời 100 mục tiêu, giám sát chặt chẽ và phát lệnh bắn 12 mục tiêu nguy hiểm nhất. Thời gian triển khai S-300 khoảng 5 phút. Đặc biệt, S-300 có khả năng cơ động cao vì bệ phóng, rađa và trung tâm điều khiển đều được đặt trên các thiết bị có khả năng cơ động cao.
Ngoài các tổ hợp tên lửa phòng không trên đây, Quân đội Syria còn được trang bị các hệ thống phòng không cơ động gọn nhẹ do Nga sản xuất như “Kub” (tên xuất khẩu là “Kvadrat”), “Osa” và “Buk-M1”, có khả năng bắn rơi máy bay và tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ từ tầm xa 35km và tầm cao 22 km. Trong số này, có khả năng cơ động nhất là hệ thống phòng không “Osa-AKM”, có thể triển khai chiến đấu trong vòng 5 phút và diệt mục tiêu ở cự ly 10km, tầm cao 5km.
Để đánh chặn các khí tài bay ở tầm thấp, Quân đội Syria được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không vác vai “Strela-10”, có khả năng đánh chặn mục tiêu từ cự li 5km và ở tầm cao 3,5km. Nhờ sự giúp đỡ của Nga, hiện nay tất cả các tổ hợp tên lửa phòng không của Quân đội Syria đều đã được cải tiến và hiện đại hóa nhằm đáp ứng yêu cầu phòng thủ trong tình hình mới.
Hạn chế cơ bản của các tổ hợp tên lửa phòng không của Quân đội Syria là khă năng hoạt động không cao trong môi trường chiến tranh điện tử dày đặc. Tuy nhiên, kinh nghiệm các cuộc chiến tranh cục bộ chứng tỏ, kỹ năng của người lính sử dụng vũ khí có thể khắc phục khiếm khuyết đó. Về phương diện nay, giới phân tích quân sự thường đưa ra thí dụ về các trắc thủ phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam với tài thao lược và bàn tay khéo léo đã giành thắng lợi trong cuộc đối đầu với cuộc chiến tranh điện tử mạnh nhất của không quân Mỹ trong các cuộc không kích ồ ạt trước đây.
Ngoài các tổ hợp tên lửa phòng không, Quân đội Syria còn được trang bị nhiều hệ thống pháo kết hợp với tên lửa phòng không trên cùng một dàn hỏa lực bắn cực nhanh như “Pansir-S1” và “Tugunska-3”. Hệ thống “Pansir-S1” có khả năng đánh chặn máy bay, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và cả các mục tiêu trên trên mặt đất. Trong khi di chuyển, “Pansir-S1” có khả năng bám sát tới 20 mục tiêu. Đặc biệt, “Pansir-S1” là hệ thống duy nhất trên thế giới có khả năng đánh chặn “bách phát bách trúng” nhằm vào tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. “Tugunska-3” là hệ thống vũ khí gồm tên lửa và pháo phòng không, có chức năng tiêu diệt máy bay chiến đấu bay thấp, trực thăng và tên lửa hành trình để bảo vệ đội hình bộ binh và xe tăng cả ban ngày và ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết. Có thể, Nga đã chuyển cho Syria hệ thống “Pansir-S2” có khả năng vượt trội so với “Pansir-S1”.
Ngoài các tổ hợp tên lửa phòng không, Không quân Syria hiện có khoảng 400 máy bay tiêm kích, vượt xa khả năng của Không quân Nam Tư trong cuộc chiến tranh Kosovo. Trong số đó có khoảng 60 máy bay MiG-29, 30 máy bay MiG-23 và một số không xác định máy bay Su-27 của Nga [2,3,4].
Để tăng cường khả năng phòng không của Syria, Nga một mặt chuyển giao cho Quân đội Syria những loại vũ khí mới nhất, mặt khác triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất tại các căn cứ quân sự ở quốc gia này như tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và S-400. Trong trường hợp cần thiết, những tổ hợp tên lửa phòng không này có thể dễ dàng “làm mù” và đánh chặn hệ thống trinh sát-báo động-tác chiến điện từ-chỉ huy trên không AWACS của Mỹ. Ngoài ra, các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 “Favorit” và S-400 “Triumf” của Nga còn có khă năng đánh chặn các máy bay làm nhiệm vụ chiến tranh điện tử của Mỹ./.
(Xem tiếp Phần 2: Liệu Syria có thế đứng vững trước đòn tấn công ồ ạt của Mỹ?)
***
Tài liệu tham khảo
[1]CNN: США стянули корабли и самолеты для возможного удара по Сирии. https://ria.ru/syria/20170628/1497480178.html
[2]Будущее Сирии решат расчеты ПВО.http://www.nationaldefense.ru/includes/periodics/armedforces/2016/1025/113719571/print.shtml
[3]Chỉ vũ khí Nga diệt được Tomahawk. http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/chi-vu-khi-nga-diet-duoc-tomahawk-3333390
[4]Россия готова приоритетно поставить Сирии системы ПВО. http://www.mk.ru/politics/2017/04/22/rossiya-gotova-prioritetno-postavit-sirii-sistemy-pvo.html