Ông Lê Quang Tự Do trao đổi về việc phối hợp với các nền tảng xuyên biên giới để làm sạch môi trường mạng. |
Thông tin được ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), vừa diễn ra chiều ngày 6/11.
Từ nguồn thông tin báo chí, Bộ TT&TT đã kịp thời phát hiện và đề nghị Facebook chặn 8 group Facebook hướng dẫn cách tự tử và 43/47 group Facebook hướng dẫn và chia sẻ cách bùng nợ, quỵt nợ, cách vay tiền lừa đảo,... Những nhóm này có hàng chục nghìn thành viên. Đây là các hội nhóm làm dấy lên lo ngại trong dư luận thời gian gần đây, được báo chí phát hiện và đăng tải.
Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, ngay sau khi phát hiện, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử đã yêu cầu Facebook chặn những nhóm này. Facebook đã chặn 8 hội nhóm liên quan đến hướng dẫn tự tử và chặn 43 nhóm liên quan đến việc dạy bùng nợ. 4 group còn lại chưa xử lý, ngăn chặn do hành vi vi phạm chưa rõ.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, những hội nhóm này làm méo mó xã hội. Thứ trưởng đề nghị, báo chí không chỉ lên án hành vi lạm dụng việc đòi nợ để vi phạm pháp luật, nhục mạ, xúc phạm nhân phẩm người khác mà còn cần phối hợp với Bộ TT&TT để cảnh báo, ngăn chặn trào lưu gây ra những hậu quả, hệ lụy khó lường cho người dân, cho xã hội.
Cũng theo Thứ trưởng Lâm, các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đều tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xử lý nhanh các yêu cầu về ngăn chặn thông tin xấu độc trên các nền tảng.
Được biết, thời gian gần đây trên các mạng xã hội xuất hiện tràn lan nhiều hội nhóm dạy cách bùng tiền vay qua các ứng dụng vay tiền hay còn gọi là các app.
Các hội nhóm này đã thu hút hàng nghìn đến hàng chục nghìn người tham gia, với nội dung chia sẻ, hướng dẫn rất chi tiết cách đối phó hay các quái chiêu móc tiền bùng tiền, quỵt nợ. Nhiều thành viên trong hội nhóm thường xuyên khoe khoang chiến tích bùng được tiền vay qua ứng dụng. Đây có thể là chiêu quảng cáo, mời chào các thành viên khác sử dụng các dịch vụ hỗ trợ trốn nợ như làm CCCD giả, bán tài khoản mạng xã hội ảo, bán danh bạ điện thoại ảo để dễ dàng vay tiền qua ứng dụng.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, về công tác đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, hoạt động cung cấp trò chơi trên mạng trái phép: Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 404 bài viết, 01 group và 07 tài khoản vi phạm (tỷ lệ 90%); Google đã gỡ 480 videos vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 92%); TikTok đã chặn, gỡ bỏ 53 nội dung vi phạm (tỷ lệ 95%). Trong đó, xóa 44 tài khoản có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ.