Làm gì để 11 triệu thuê bao 2G kịp chuyển sang 4G trước ngày 16/9?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Nguyễn Phong Nhã cho rằng thông tin chính là yếu tố quan trọng nhất đối với người dùng 2G khi thời hạn dừng dịch vụ 2G chỉ chưa đầy 2 tháng nữa. Người dùng cần được thông tin đầy đủ cũng như có tham vấn từ nhà mạng để chuyển đổi dịch vụ.

Theo chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ 0h ngày 16/9, tất cả các nhà mạng tại Việt Nam sẽ dừng dịch vụ 2G đối với những thuê bao đang sử dụng điện thoại 2G only.

Việc dừng dịch vụ 2G là một chủ trương nhằm dành nguồn lực và mạng lưới viễn thông cho những công nghệ tiên tiến hơn. Tuy nhiên, việc dừng dịch vụ 2G chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến không ít thuê bao, đặc biệt là những người ở vùng sâu vùng xa, các ngư dân cũng như những người có hoàn cảnh khó khăn.

VietTimes đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - về chủ trương dừng dịch vụ 2G cũng như sự chuẩn bị của người dân và doanh nghiệp viễn thông.

Video ông Nguyễn Phong Nhã trao đổi về chủ trương dừng dịch vụ 2G

- Xin ông cho biết lộ trình dừng dịch vụ 2G tính đến thời điểm hiện tại? Số lượng thuê bao 2G của các nhà mạng hiện còn đang hoạt động?

- Ông Nguyễn Phong Nhã: Việc xây dựng chính sách dừng công nghệ 2G đã được các doanh nghiệp viễn thông tham gia từ nhiều năm nay. Đến thời điểm hiện tại là giai đoạn cuối cùng, còn những tháng cuối cùng để các doanh nghiệp viễn thông dừng cung cấp dịch vụ 2G cho người sử dụng.

Hiện nay trên thị trường có khoảng trên 11 triệu thuê bao 2G – tức là người sử dụng chỉ dùng thiết bị đầu cuối 2G, đây là một con số tương đối lớn. Để dừng được toàn bộ lượng máy đầu cuối này trong một thời gian gần 2 tháng là một áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp viễn thông.

Để dừng được dịch vụ thì điều quan trọng nhất là sự hiểu rõ hay nói cách khác là thông tin đầy đủ tới người sử dụng để họ biết, đồng hành với các doanh nghiệp viễn thông.

Trong việc dừng công nghệ 2G thì vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là những khu vực mà người sử dụng có thể còn chưa được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, cũng như chưa có đủ nguồn lực tài chính để chuyển đổi sang một chiếc điện thoại đời mới, dù chỉ là điện thoại phím bấm (feature phone) 4G thôi.

Việc truyền thông tới người dùng 2G tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là một nhiệm vụ cần phải được thực hiện mạnh mẽ hơn từ nay đến 15/9/2024. Để làm được việc này, các doanh nghiệp nên có các giải pháp truyền thông, chẳng hạn như gửi tin nhắn, tuyên truyền qua các kênh bán hàng tại vùng sâu, vùng xa.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cục Viễn thông đang phối hợp với các cục thông tin cơ sở để tuyên truyền chính sách dừng dịch vụ 2G. Chúng tôi cũng đề nghị các Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch truyền thông cũng như tham mưu với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch truyền thông tới người sử dụng; đề xuất sử dụng nguồn quỹ công ích hợp lý, phù hợp trên địa bàn để hỗ trợ người sử dụng tiếp cận thông tin, chuyển đổi điện thoại 2G sang 4G.

- Ngoài việc tuyên truyền cho người dùng về chủ trương dừng dịch vụ 2G thì nhà nước có chính sách nào để hỗ trợ người dùng chuyển đổi điện thoại không, thưa ông?

- Ông Nguyễn Phong Nhã: Về mặt chính sách, mặc dù chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021 – 2025 có đề cập đến việc trang bị thiết bị thông minh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đến nay các nhà mạng vẫn đang chờ chính phủ phê duyệt triển khai chính sách này.

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng nghị định triển khai quỹ viễn thông công ích. Quỹ này khi ra đời không chỉ phục vụ cho mục tiêu dừng công nghệ 2G, mà còn có mục tiêu lớn hơn là hỗ trợ các nhà mạng triển khai hạ tầng 4G tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, cũng như hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi sang điện thoại thông minh.

Một nguồn lực khác xuất phát từ chính các doanh nghiệp. Để duy trì lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của mình thì các doanh nghiệp đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ, từ tặng gói cước rồi miễn phí sử dụng dịch vụ dữ liệu trong một thời gian, cũng như trợ giá thiết bị đầu cuối để người sử dụng 2G có cơ hội tiếp cận các mẫu điện thoại công nghệ mới hơn.

nguoi dan dung 2G.jpg
Nhiều người dân vẫn đang sử dụng điện thoại công nghệ 2G

- Chủ trương của chính phủ là dừng dịch vụ 2G để người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ số tiên tiến hơn. Vậy chúng ta cần có giải pháp như thế nào để người dân hiểu được các lợi ích khi sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận các dịch vụ số tiên tiến?

- Ông Nguyễn Phong Nhã: Thông qua việc truyền thông tới người sử dụng thì họ sẽ hiểu được khi chuyển đổi điện thoại 2G lên 4G hoặc 5G thì bên cạnh việc được sử dụng các dịch vụ truyền thống như thoại hay nhắn tin, thì họ cũng có cơ hội để sử dụng các dịch vụ trên nền tảng Internet, chẳng hạn như các dịch vụ hành chính công.

Tất nhiên khi sử dụng các dịch vụ mới này thì tôi cũng đề nghị người sử dụng hết sức lưu ý, tìm hiểu kỹ cũng như có sự tham vấn từ các nhà mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo họ hiểu chính xác các trang web, các dịch vụ mà mình sử dụng để tránh bị những hệ lụy không đáng có.

Ngoài ra, đây cũng là một cơ hội để người sử dụng tiếp cận được các thông tin qua internet, hình thành dần kinh nghiệm học tập, các kỹ năng số để chúng ta có được một xã hội số và nền kinh tế số.

5G.jpg
Khi chuyển đổi điện thoại 2G lên 4G hoặc 5G, người dân có cơ hội để sử dụng các dịch vụ trên nền tảng Internet như các dịch vụ hành chính công.

- Chỉ còn 2 tháng nữa là dừng dịch vụ 2G, trong khi số lượng thuê bao 2G vẫn còn tới 11 triệu. Theo ông các nhà mạng cần làm điều gì trước tiên?

Ông Nguyễn Phong Nhã: Đến nay các nhà mạng đã có quá trình nâng cấp hạ tầng mạng lưới của mình để đảm bảo rằng vùng phủ sóng của công nghệ 4G có độ phủ tương tự như vùng phủ sóng 2G, để người dân không gặp khó khăn khi chuyển đổi sử dụng thiết bị đầu cuối 4G.

Thứ hai, nhà mạng phải tiếp tục truyền thông việc dừng công nghệ 2G đến từng thuê bao mà vẫn còn chưa chuyển đổi. Việc truyền thông này có rất nhiều cách làm, các nhà mạng nên chia sẻ các cách làm với nhau, giống như chúng ta đã từng thực hiện thời Covid - đó là dùng nhạc chuông, nhạc chờ để thông báo cho các thuê bao. Mỗi lần người dùng thực hiện cuộc gọi đều có thể nhận được thông tin về dừng công nghệ 2G.

Ngoài ra, các nhà mạng cũng phải tăng cường truyền thông qua website chính thức của mình, qua các số điện thoại đường dây nóng, mở rộng thời gian chăm sóc khách hàng, tăng số lượng điện thoại viên tại các trung tâm hỗ trợ khách hàng để đảm bảo rằng người sử dụng, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa nắm bắt được thông tin, tránh bị gián đoạn dịch vụ.

- Vậy người dùng 2G cần chuẩn bị gì cho việc chuyển đổi này?

Ông Nguyễn Phong Nhã: Tôi nghĩ rằng sự chuẩn bị lớn nhất đối với người dùng 2G chính là thông tin. Người sử dụng nắm được đầy đủ thông tin thì sẽ đồng lòng, đồng thuận với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Họ cần nắm bắt được thông tin một cách đầy đủ về thời điểm chuyển đổi, lợi ích cũng như những việc cần phải thực hiện khi chuyển đổi.

Ngoài ra, kinh phí để chuyển đổi điện thoại thì người sử dụng cũng cần phải nắm bắt được thông tin đầy đủ từ phía nhà mạng, sự hỗ trợ của các nhà mạng như thế nào để đảm bảo việc chuyển sang một chiếc điện thoại mới sẽ giúp người dùng cảm thấy thuận tiện hơn, không có sự phiền hà nào hoặc không có sự gián đoạn về thông tin, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của họ.

- Xin cảm ơn ông!

Tắt 3G vào năm 2028

Theo thông tin từ Cục Viễn thông, hiện nay 77 quốc gia trên thế giới đang có kế hoạch dừng dịch vụ 2G và 3G. Phần lớn các quốc gia này sẽ dừng dịch vụ vào năm 2028, có 2 quốc gia có kế hoạch dừng vào năm 2030.

Chính sách dừng dịch vụ 2G vào 2024, tắt hoàn toàn vào 2026 và tắt 3G vào 2028 của Việt Nam được cho là đi đúng với xu hướng của thế giới.