Chân dung "người đặc biệt" của Nhà Trắng

Được gọi trở lại Nhà Trắng ngồi ghế giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS), Joseph Clancy được kỳ vọng khôi phục niềm kiêu hãnh của cơ quan bảo vệ các tổng thống Mỹ
Chân dung "người đặc biệt" của Nhà Trắng

Những người đã và đang làm việc với Joe (tên gọi thân mật) Clancy mô tả ông là người của kỷ luật, cực kỳ điềm đạm và hết sức chuyên nghiệp. Những người gần gũi và biết Clancy nhiều còn cho biết thêm một đức tính khác ở ông: Thử thách càng lớn càng làm ông hứng thú.

Như “tượng đài” trong mắt thuộc cấp

Chính những đức tính ấy đã khiến Tổng thống Barack Obama yêu cầu Joe Clancy trở lại điều hành USSS khi uy tín cơ quan này sa sút trầm trọng với hàng loạt xì-căng-đan khiến bà Julia Pierson, nữ giám đốc USSS đầu tiên trong lịch sử cơ quan, phải từ chức hồi tháng 10-2014. Tháng 2-2015, Joe chính thức được bổ nhiệm làm giám đốc USSS.

Sau đây là câu chuyện ở cửa miệng mọi đặc vụ USSS khi nhắc tới sếp Joe Clancy, năm nay 60 tuổi, có 29 năm làm mật vụ và phục vụ 3 đời tổng thống Mỹ.

Chuyện xảy ra năm 1993 ở biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên. Trong một chuyến công du Hàn Quốc, Tổng thống Bill Clinton bất ngờ yêu cầu máy bay Không lực 1 đáp xuống sân bay nằm sát biên giới Triều Tiên. Chặng dừng này hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch bảo vệ tổng thống của USSS.

Khu phi quân sự vĩ tuyến thứ 38 lúc bấy giờ vẫn sôi sục bầu không khí chiến tranh kéo dài từ năm 1953. Triều Tiên tỏ ra nguy hiểm và có những động thái khó đoán như mọi khi. Quân đội hai bên chiến tuyến luôn được đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Nhân viên USSS chuẩn bị đón tổng thống đã được báo trước vài giờ rằng chỉ nhận được sự hỗ trợ của quân đội Mỹ ở gần nhất sau 10 phút. Lúc đó, bất ngờ xuất hiện một toán lính Triều Tiên áp sát lằn ranh đỏ. Thay vì trang bị súng ngắn theo tinh thần Hiệp định Đình chiến 1953, họ cầm súng AK lắp kính khuếch đại - vi phạm nghiêm trọng hiệp định. Thái độ của họ cũng rất rõ ràng: Sẵn sàng nổ súng nếu nhận được lệnh...

Dan Emmett, Đội trưởng Biệt đội chống tấn công của USSS (gọi tắt là CAT), đang cùng với thuộc cấp quan sát “nhất cử nhất động” của lính Triều Tiên thì nhận được chỉ thị của sếp Joe từ máy truyền tin: “Mắt Ó gọi từ bộ chỉ huy. Hãy theo dõi thật kỹ đám lính Triều Tiên trang bị súng AK 47 tại khu vực gần cầu!”

Tình hình an ninh trong khu vực căng như dây đàn, có thể bùng nổ gây bão ngoại giao. Nếu xử lý không khéo, chiến tranh sẽ nổ ra. Nhưng với cái đầu lạnh, Joe Clancy không có vẻ gì vội vàng hay lo lắng khi chiếc Không lực 1 hạ cánh. Tổng thống Clinton viếng thăm cây cầu biên giới an toàn rồi đi.

Bầu không khí căng như quả bóng bỗng trở nên êm dịu. Emmett chia sẻ: “Tôi chưa hề nghe sếp chửi thề. Là người không hề biểu lộ cảm xúc, sếp chỉ hơi cao giọng một chút so với bình thường khi dặn tôi cảnh giác với đám lính hùng hổ đang lăm le AK 47”.

Vẫn theo Emmett, anh em trong đội CAT rất thích Joe Clancy bởi ông ấy xử lý mọi chuyện một cách bình tĩnh, không bao giờ lên gân. Sếp Joe cũng không bao giờ yêu cầu thuộc cấp làm những chuyện mà ông ấy không thể làm hoặc tự tay làm được.

Từng có 21 năm trong đội cận vệ của các vị tổng thống: George H. Bush (cha), Bill Clinton và George W. Bush (con), Emmett đã ghi lại kinh nghiệm xương máu trong cuốn “Within Arm’s Length” và tất nhiên, ông không quên kể những kỷ niệm sâu sắc với sếp Joe Clancy: “Ông ấy là một người đàn ông rất nghiêm túc, một người rất tốt bụng, rất tử tế. Ông ấy không tự mãn, không vị kỷ. Tóm lại, ông ấy là một người vững vàng, chăm chỉ với công việc”.

Đối với Tổng thống Barack Obama, Joe Clancy là một người rất đặc biệt, đã gắn bó từ lúc ông Obama chân ướt chân ráo bước vào Nhà Trắng hồi năm 2009. Theo ông Emmett, đó là một mối quan hệ “độc nhất vô nhị”, tuy chưa đến mức thân thiết như bạn bè nhưng có thể nói như hình với bóng.

Được tổng thống đặc biệt tin tưởng

Chuyện ông Obama gọi Joe Clancy trở lại chiếc ghế giám đốc USSS là sự kiện đình đám năm 2014. Lúc đó, ông Joe đã về hưu được 3 năm và đang làm giám đốc điều hành an ninh cho công ty truyền thông đại chúng đa quốc gia Comcast có trụ sở chính đặt tại Philadelphia, bang Pennsylvania.

Sự ra đi của Joe đã để lại nhiều tiếc nuối cho công ty. Nhưng đối với cựu giáo viên sử trước khi trở thành mật vụ này, tiếng gọi của nghĩa vụ là cao cả và trên hết. Ông không xin xỏ nhưng cũng không chối từ khi Tổng thống Obama mời ông trở lại với chức danh quyền giám đốc USSS thay thế bà Julia Pierson - bất ngờ xin từ nhiệm vì cấp dưới làm bậy không chỉ một lần mà nhiều lần.

Bản thân ông Joe cũng từng bị bẽ mặt với sự kiện cặp vợ chồng Michaele và Tareq Salahi giả làm khách mời bữa tiệc chiêu đãi Thủ tướng Ấn Độ Mamohan Singh đêm 24-11-2009 khi họ qua lọt tất cả cổng kiểm tra an ninh Nhà Trắng và tiếp xúc trực tiếp với nhiều quan khách cấp cao, kể cả tổng thống và phó tổng thống. Rất may, cặp vợ chồng này chỉ háo danh chứ không có ý hãm hại ai.

Cho nên, Joe hiểu rõ hơn ai hết nỗi khổ của người tiền nhiệm - bà Julia Pierson - được bổ nhiệm làm giám đốc USSS hồi tháng 3-2013 cũng với nhiệm vụ y chang: Chỉnh đốn lực lượng bảo vệ người đàn ông quyền lực nhất thế giới sau hàng loạt bê bối và bà đã thất bại. Còn ông Joe thì sao? Đâu phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Obama gọi lại người cũ mà lại là người ngoài - một việc làm chưa có tiền lệ. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng có thể làm tan chảy USSS, tổng thống biết ngoài Joe Clancy, không ai can đảm ngồi vào chiếc ghế nóng ấy!

USSS khác FBI chỗ nào?

Cả 2 cơ quan đều có bề dày lịch sử hào hùng. Nhiệm vụ của FBI (Cục Điều tra liên bang) là bắt tội phạm còn USSS bảo vệ các tổng thống. Sự khác biệt lộ rõ ở phẩm chất và tinh thần con người.

Theo cuốn niên giám xếp loại “Chỗ làm tốt nhất trong cơ quan chính phủ liên bang”, làm việc cho FBI tốt hơn nhiều USSS mặc dù là nhân viên mật vụ như nhau. Đạo đức trong USSS tuột phanh nghiêm trọng trong mấy năm gần đây. Trong số 320 cơ quan liên bang, USSS xếp hạng 319 về tiêu chuẩn này (năm 2015). Năm 2011, dưới trướng Joe Clancy, USSS được xếp hạng 94/240 nhờ lực lượng đông hơn, nhân viên được huấn luyện bài bản hơn, đạo đức phẩm chất được nâng cao. Nhưng sau đó, USSS đắm chìm trong “văn hóa tự mãn”, hàng loạt bê bối kinh thiên động địa diễn ra. Kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy FBI đứng đầu mọi cơ quan thực thi pháp luật chính phủ liên bang với 69,9 điểm còn USSS chỉ được 33,4.

Theo NLĐ