Chấn động “bê bối” Đan Mạch giúp NSA theo dõi Thủ tướng Merkel và các chính trị gia châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ được Đan Mạch hỗ trợ trong việc theo dõi các chính trị gia châu Âu, theo một kết quả điều tra chung của giới truyền thông.
Một căn cứ cũ của NSA ở Bad Aibling, Đức (Ảnh: Reuters)
Một căn cứ cũ của NSA ở Bad Aibling, Đức (Ảnh: Reuters)

“Người thổi còi” Edward Snowden cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden là người nắm rất rõ và có liên quan tới hoạt động phối hợp do thám này.

Theo báo cáo, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Đức Frank Walter-Steimeier nằm trong số những người bị theo dõi trong chương trình hợp tác giữa Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch (FE), theo một cuộc điều tra của giới truyền thông châu Âu được hãng RT dẫn lại.

Mỹ không chỉ do thám công dân nước họ, mà cả các nhà lãnh đạo ở nước ngoài, là cáo buộc được đưa ra từ năm 2013, phần lớn là nhờ vào các tài liệu rò rỉ được “người thổi còi” Edward Snowden – cựu nhân viên NSA – công bố. Tài liệu của Snowden đặc biệt nhắc tới việc điện thoại di động cá nhân của bà Merkel bị chính quyền Mỹ theo dõi.

Được biết, báo chung mới xuất hiện là kết quả điều tra của nhiều hãng truyền thông của châu Âu – bao gồm kênh phát thanh quốc gia DR của Đan Mạch, hãng NDR của Đức, SVT của Thụy Điển, NRK của Na Uy, tờ Le Monde của Pháp và nhiều hãng khác – sau khi họ tiếp cận được các báo cáo nội bộ và nguồn tin từ Sở Mật vụ Đan Mạch.

Theo cuộc điều tra, nhiều chính trị gia ở Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Pháp và thậm chí ngay cả ngành tài chính của Đan Mạch cũng là mục tiêu bị theo dõi của NSA với sự giúp đỡ của gián điệp Đan Mạch. Chính phủ Đan Mạch được cho là đã biết về quan hệ hợp tác này suốt nhiều năm qua và từng buộc ban lãnh đạo FE phải từ chức vào năm 2020 sau khi công khai đầy đủ về mối quan hệ này, sau một cuộc điều tra nội bộ. Tuy nhiên, họ lại không báo cáo kết quả điều tra cho bất cứ đồng minh nào trong EU.

Hoạt động theo dõi được thực hiện chủ yếu bằng cách tấn công vào các hệ thống liên lạc điện tử, do Đan Mạch sở hữu nhiều trạm cáp Internet mặt đất nối giữa rất nhiều quốc gia, như Đức và Đan Mạch. Nhờ việc sử dụng số điện thoại của chính trị gia và quan chức, bên theo dõi có thể trích xuất được tin nhắn và nội dung các cú điện thoại, trong khi bên bị theo dõi không hề hay biết.

Snowden, người từng vạch trần hoạt động bí hiểm của NSA trong khoảng thời gian ông Joe Biden còn làm Phó Tổng thống Mỹ, nói rằng Tổng thống Mỹ đương nhiệm “đã chuẩn bị trước” để trả lời trước mọi cáo buộc, và rằng Mỹ và Đan Mạch cần phải công khai đầy đủ về vụ việc lần này.

“Đương nhiên ông Biden đã chuẩn bị sẵn sàng để trả lời cho vụ việc này kể từ khi ông tới thăm châu Âu, bởi ông dính líu sâu tới vụ bê bối này ngay từ đầu” – Snowden viết trên Twitter – “Cần phải có sự công khai đầy đủ không chỉ từ phía Đan Mạch, mà cả từ đối tác của họ”.

Phản ứng trước báo cáo trên, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen nói rằng họ “tiếp nhận các cáo buộc một cách nghiêm túc”, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist nói ông “yêu cầu có thông tin đầy đủ về những vấn đề này”. Tuy nhiên, NSA và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch chưa đưa ra bình luận gì.

Cựu lãnh đạo phe đối lập ở Đức và cũng là đối thủ của bà Merkel, Peer Steinbruck – người cũng là mục tiêu của chương trình theo dõi này – nói với đài ARD của Đức rằng ông coi vụ việc lần này là “bê bối”.

“Thật kinh khủng khi biết được rằng các cơ quan tình báo nước bạn lại đang theo dõi những đại diện hàng đầu của các nước khác”, ông nói.

Theo RT