Báo Giao thông dẫn lời ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện và người lái thuộc Tổng cục Đường bộ cho biết: "Do thí sinh chưa kịp làm quen việc chấm tự động nên tâm lý nhiều người lo lắng, tỷ lệ thí sinh trượt 25-30%, tăng 5-10% so với trước đây".
Được biết, sát hạch bằng lái ô tô sẽ gồm 3 phần thi chính là thi lý thuyết, thi thực hành lái xe trong sân sa hình và thi lái xe trên đường trường.
Trong đó, ở phần thực hành, phần thi trong sân sa hình, ngoài 10 bài thi chính ( xuất phát, dừng xe nhường đường cho người đi bộ, dừng xe, khởi hành trên dốc lên, đi xe qua hàng đinh, đi xe qua đường vuông góc, đi xe qua đường vòng quanh co kiểu chữ S, ghép xe vào nơi đỗ, dừng xe nơi giao nhau với đường sắt, tăng tốc tăng số, kết thúc) và 2 bài thi phụ như trước đây, nội dung thi còn có bài mới là ghép xe ngang theo yêu cầu lưu thông trong đô thị.
Bài thi này đã gây khó khăn cho nhiều học viên, tỷ lệ thí sinh không hoàn thành phần thi này khoảng 25%.
Trước đây, tỷ lệ thí sinh trượt sát hạch chỉ khoảng 20 – 30%, nhưng sau khi có quy định chấm điểm mới, tỷ lệ này là trên 40%.
Theo ông Trần Văn Toản, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (tỉnh Bắc Ninh) thí sinh thi trượt thường do tập lái qua loa và chủ quan, có những lỗi không phải do không biết lái xe mà là do kỹ năng điều khiển, kể cả những người đã lái xe nhiều năm vẫn trượt thi sát hạch.
"Nếu như trước đây, người thi chỉ cần lái được vài ba trăm mét trên đường trường là có thể giáo viên cho đậu, nhưng từ 1/7, người thi phải đi đủ 2km trên đường, được thiết bị chấm tự động qua 4 bài thi xuất phát, tăng, giảm số và kết thúc. Trong quá trình thi có tối đa 15 lỗi, mỗi lỗi sẽ bị trừ 5 - 10 điểm", ông Toản cho biết.
Hình thức thi mới được áp dụng nhằm tăng cường công khai, minh bạch, khách quan trong quá trình sát hạch lái xe ôtô, ngăn các hành vi tiêu cực của sát hạch viên.