“Cha đẻ” tổng đài 1080, Trang Vàng danh bạ, kể thời hoàng kim… chưa có Facebook, Zalo

Sau ngày 30/4/1975, TS Nguyễn Bá cùng cộng sự vượt ngàn khó khăn, khôi phục toàn bộ mạng lưới viễn thông TP.HCM. Ông và đồng nghiệp phát triển nhiều dự án bưu chính viễn thông, giúp nhân viên có thu nhập cao thời bấy giờ.

Dù đã 92 tuổi, nhưng TS Nguyễn Bá, nguyên giám đốc Bưu điện TP.HCM (1986 - 1993), nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (1993 - 1997) đã dành gần 3 giờ trả lời phỏng vấn VietTimes về quá trình khôi phục hệ thống thông tin liên lạc TP.HCM sau giải phóng.

Ông cũng hồi tưởng thời kỳ hoàng kim ngành bưu điện trong thập niên 1980 đến đầu những năm 1990 với nhiều dịch vụ bưu chính viễn thông mà TP.HCM được coi là địa phương tiên phong, dẫn dắt cả nước.

TS Nguyễn Bá tại nhà riêng ở TP.HCM. Ông vẫn thích đọc sách làm thơ tặng bạn bè, người thân. Ảnh: Hà An.

- Sau khi Sài Gòn giải phóng, việc khôi phục hệ thống viễn thông diễn ra thế nào, thưa ông?

- “Tan nát” - đó là những gì chúng tôi nhìn thấy về hệ thống viễn thông TP.HCM sau ngày giải phóng. Mặc dù, thành phố trước đó có hơn 40.000 điện thoại còn hoạt động. Song, sau khi tiếp quản, việc bảo hành, bảo dưỡng không liên tục, dẫn đến thiết bị xuống cấp. Mạng dây cáp ngầm bị ngâm nước, hư hỏng nặng khiến không thể sử dụng.

Thời điểm đó, Việt Nam bị Mỹ cấm vận, không thể mua bán, giao dịch với bên ngoài. Mặt khác, đất nước sau chiến tranh còn rất khó khăn, cái ăn cái mặc cấp thiết hơn nên việc phân bổ nguồn lực khôi phục các hạ tầng thông tin liên lạc bị hạn chế. Chúng tôi nghĩ mình cần chủ động để cứu lấy mạng lưới này.

Tôi cùng anh em trực tiếp đến Công ty công trình Bưu điện thành phố vận động, thuyết phục họ huy động hơn 100 công nhân thực hiện khôi phục nối lại các đường dây cáp. Sau khi hút nước đọng lại khu vực đường đi, các công nhân thực hiện nối các đường dây bị đứt. Anh em hình dung công việc này như băng bó vết thương cho đường dây, giúp khôi phục tín hiệu.

Do không có vật liệu kết nối, chúng tôi gửi đề nghị cho Viện nghiên cứu hóa học chế tạo chất AQCS làm từ nhựa đường (AQ), bột cao su (CS) pha trộn với dầu lửa và một số chất phụ gia khác tạo thành hợp chất đặc biệt. Chất AQCS có đặc tính lỏng sệt ban đầu nhưng sẽ đông cứng sau một thời gian tạo cho mối xoắn sợi cáp được cố định, giúp chống ẩm, chống nước hiệu quả.

Trong hơn một năm, công nhân làm ngày làm đêm, có ngày trời mưa anh em che bạt, dựng lều xung quanh vị trí để đẩy nhanh tiến độ công việc.

Trong giai đoạn 1985 - 1986, gần 40.000 đôi cáp gốc được sửa chữa góp phần nối lại thông tin cho hàng nghìn số điện thoại bị ngưng trệ trước đó và cung cấp số điện thoại mới cho người dân có nhu cầu. Chúng tôi gọi đó là đề án 784 vì nó thực hiện từ tháng 7 năm 1984, thấm đẫm biết bao mồ hôi, công sức của hơn 100 con người.

- Ông và các cộng sự được ví như “cha đẻ” mô hình tổng đài 1080 và Trang Vàng danh bạ điện thoại. Đâu là động lực thôi thúc ông lên ý tưởng cho những sản phẩm được đánh giá là tiêu biểu của ngành bưu chính viễn thông thời kỳ đó?

-Động lực chính là tìm cách tạo nguồn thu, trả lương tốt cho cán bộ, nhân viên. Nguồn thu - ngoài việc phát lắp điện thoại từ quá trình khôi phục mạng lưới cáp viễn thông còn đến từ dịch vụ chuyển phát nhanh. Thời kỳ này, những bưu phẩm vận chuyển trong nước gặp nhiều bất cập. Đặc biệt người dân TP.HCM gửi tài liệu, hiện vật, sách vở ra nước ngoài rất bức xúc vì hàng không được bảo đảm, không xác định được trạng thái gửi hàng, dễ bị thất lạc. Chúng tôi đánh giá, đây là nhu cầu có thật sau khi đất nước vào giai đoạn đổi mới, việc trao đổi, mua bán rất lớn.

Đại diện Bưu điện TP.HCM ký kết hợp tác với công ty chuyển phát nhanh DHL. Ảnh: NVCC.

Trong năm 1988, đội ngũ chúng tôi ngay lập tức tìm kiếm đối tác cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh là công ty DHL của Mỹ. Chúng tôi đặt vấn đề mời họ vào cung cấp dịch vụ tại TP.HCM ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ngay trong tuần, bộ phận nghiệp vụ công ty này từ nước ngoài phối hợp với nhân viên chúng tôi tổ chức triển khai dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế. Dịch vụ này khắc phục hầu hết những bất cập trong nước như tính năng thông báo trạng thái vận chuyển giúp người dân biết được món hàng đã tới đâu, ít khi thất lạc. Quá trình hợp tác này, chúng tôi học hỏi được phương pháp quản lý của họ, để lấy kinh nghiệm phục vụ dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước.

Để phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin người dân, những năm 1990 chúng tôi xây dựng mô hình tổng đài 108, mà người dân quen gọi là 1080. Tổng đài cung cấp thông tin mọi mặt của đời sống phục vụ người dân như lịch chiếu phim, truyền hình, giá vàng, ngoại tệ, lịch tàu xe, số điện thoại cơ quan tổ chức, dịch vụ tư vấn pháp lý, làm đẹp, hẹn hò…

Trong một cuộc họp, tôi hỏi anh em chọn đầu số nào cho dịch vụ này và sau đó quyết định chọn 108. Nó không phải thể hiện ngày tháng như dự án 784 trước đây mà ý nghĩa đến từ hình ảnh 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc. Chúng tôi, từ hơn 100 công nhân chung tay ngày đêm kết nối lại tuyến cáp thành phố sau giải phóng, luôn coi nhau như anh em. Chọn con số 108 để nhắc nhớ chúng tôi rằng mình đã sống, đã làm và không hối tiếc với những ngày tháng khó khăn nhất đó.

Từ dữ liệu số điện thoại, chúng tôi xây dựng Trang Vàng danh bạ điện thoại phục vụ người dân tìm kiếm liên hệ các doanh nghiệp, công ty, đơn vị trên cả nước và quốc tế. Cùng với đó, chúng tôi hợp tác doanh nghiệp khai thác quảng cáo trên sản phẩm này nhằm tăng nguồn thu.

Cuốn danh bạ sau đó được đón nhận và được coi như một trong những sản phẩm tiêu biểu ngành bưu chính viễn thông thời kỳ đó. Cung cấp nhiều dịch vụ, đời sống anh em công nhân được nâng lên. Chúng tôi trả lương theo tuần, vào thứ 7. Công nhân lãnh lương xứng đáng với hiệu quả công việc, năng lực, đóng góp cho từng vị trí. Sau khi nhận tiền họ tỏa đi các tiệm vàng mua coi như phần thưởng của mình. Họ tích góp mua xe, mua nhà, mua đất.

Dân gian gọi người làm trong ngành bưu điện thu nhập đứng số một, nhiều thế hệ học sinh khi đó thi vào các trường bưu chính viễn thông. Chúng tôi coi đó là thời hoàng kim của mình.

- Dấu ấn nào của ngành viễn thông TP.HCM khiến ông nhớ nhất?

-Ngày 31/12/1991 được coi là bước ngoặt ngành viễn thông TP.HCM khi thành phố chuyển từ công nghệ truyền dẫn tương tự (analog) sang công nghệ số (digital).

Khi đó - công nghệ gặp nhiều bất cập tương tự, trong bối cảnh nhu cầu liên lạc của người dân tăng cao. Công nghệ này có kết nối chậm chạp, đặc biệt là những cuộc gọi quốc tế, khiến người dân phải chờ đợi. Âm thanh hay bị nhiễu bởi tiếng rè khiến người nghe không rõ lời của đầu dây bên kia. Chúng tôi nhận thấy phải thay thế công nghệ cũ này.

Lúc đó, hai nhà cung cấp viễn thông lớn của Châu Âu là Siemens (Đức) và Acatel (Pháp) cùng phối hợp với chúng tôi phát triển hệ thống tổng đài mới quy mô hơn 45.000 số dùng công nghệ digital. Sau khi lắp đặt thành công, mạng viễn thông công nghệ mới sẵn sàng vận hành chuyển từ công nghệ analog sang digital.

Công nhân lắp đặt hệ thống tổng đài viễn thông do công ty Siemens (Đức) cung cấp tại Bưu điện Chợ Lớn. Ảnh: NVCC.

Trong cuộc họp, có một kỹ sư đến hỏi tôi chuyển mạng ngay trong đêm 31/12/1991 hay phải chờ sang năm sau. Tôi nói, thực hiện ngay, không chờ đợi thêm một giờ một phút nào vì đây là nhu cầu của người dân và chính quyền thành phố. Tối hôm đó, tôi và anh Nguyễn Văn Huấn, khi đó là Phó chủ tịch UBND TP.HCM quyết định ở lại trụ sở Bưu điện thành phố để chứng kiến thời khắc lịch sử này.

Sáng hôm sau, mạng bị nghẽn do người dân háo hức thực hiện cuộc gọi. Đến chiều hệ thống mới dần ổn định trở lại. Công nghệ digital có ưu điểm kết nối quốc tế nhanh hơn so với công nghệ analog cũ. Bởi với analog, khi người dân quay số họ phải chờ đợi quá trình kết nối thông qua tổng đài. sau đó mới định tuyến qua hệ thống viễn thông quốc tế đến người nhận nước ngoài. Chất lượng cuộc gọi dùng công nghệ digital rõ ràng hơn khi không bị nhiễu. Nhiều người dân thời đó ví von những cuộc gọi như phép màu.

Có thể nói, TP.HCM được coi là địa phương tiên phong trong việc ứng dụng, phát triển các dịch vụ viễn thông phục vụ người dân. Nơi đây, tôi nhận được sự tin tưởng, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo, tín nhiệm của các đồng nghiệp, những nhân viên dưới quyền. Khi đó, tôi mới có cơ hội thực hiện nhiều điều đã ấp ủ, giúp thành phố phát triển, nhân dân được hưởng những dịch vụ tốt nhất với giá thành cạnh tranh, giúp phát triển kinh tế, xã hội hiện đại.

Tôi thấy mình may mắn gần như dành trọn cuộc đời được làm những công việc với chuyên môn mình học được, suy nghĩ ra những dịch vụ phong phú phục vụ người dân và đem lại cuộc sống tốt hơn cho nhân viên mình thời kỳ đó. Đó là hạnh phúc nhất mà những người làm nghề như tôi có được.

- Ông còn điều gì còn trăn trở với ngành bưu chính viễn thông TP.HCM?

- Tháng 5/1992, điện thoại di động bắt đầu xuất hiện đầu tiên tại TP.HCM, với sự tham gia của mạng di động Singapore Telecom. Một năm sau đó, Mobifone - mạng di động đầu tiên của Việt Nam vận hành tại TP.HCM. Sự xuất hiện này bắt đầu một giai đoạn chuyển đổi mang tính thay đổi thời cuộc trong thói quen sử dụng các thiết bị liên lạc của người dân. Điện thoại di động khiến ngành viễn thông chúng tôi thời kỳ đó như bị hụt hơi, các dịch vụ tổng đài điện thoại cố định thành danh trước đó dần lui lại phía sau.

Sau điện thoại di động, tiếp đến là là Internet và mạng xã hội như Zalo, Facebook làm thay đổi hoàn toàn thói quen liên lạc. Chỉ cần có điện thoại kết nối Internet, người dân có thể gọi cho người thân trên khắp thế giới. Nếu để nói kỳ vọng vực dậy ngành bưu điện như ngày xưa tôi nghĩ không thể.

Những người như chúng tôi đã làm hết sức mình, làm thật tốt và xem như đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn đó của ngành. Công nghệ thay đổi làm cuộc sống người dân tiện lợi hơn, hữu ích hơn. Điều này đòi hỏi những người làm bưu chính - viễn thông luôn phải nhanh hơn, đổi mới hơn, thích ứng để theo kịp xu hướng công nghệ hiện đại, để không bị tụt lại phía sau.

-Xin cảm ơn ông!