|
Ông Trần Duy Tùng (trái) và ông Trần Bắc Hà (phải) trong một sự kiện chung giữa AVIL và Souk Houng Heang. (Ảnh chụp lại) |
Theo thu thập của VietTimes, cuối năm 2017, ông Trần Bắc Hà – trên tư cách Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam tại Lào (AVIL) và ông Trần Duy Tùng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Souk Houng Heang Savannakhet đã đăng tuyển hàng nghìn kỹ sư, lao động kỹ thuật, sinh viên cho các dự án phát triển cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại Lào.
Trên các bức thư tuyển dụng được gửi tới nhiều trường đại học có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Hà và ông Tùng cùng đứng tên. Trong đó, ông Hà là Chủ tịch Hiệp hội AVIL, còn ông Tùng là Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án.
“Thân gửi các bạn ứng viên!
Trong chính sách phát triển kinh tế mới của Lào, đặc biệt chú trọng kêu gọi đầu tư và thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao để phát triển kinh tế, trong đó chú trọng vào ngành nông nghiệp. Được sự tín nhiệm của Chính phủ 2 nước Việt Nam – Lào, giao nhiệm vụ cho Hiệp hội AVIL tuyển chọn các doanh nghiệp FDI của Việt Nam tại Lào có năng lực, uy tín, tập trung đẩy mạnh gắn kết đầu tư 2 nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Được sự tín chọn của Hiệp hội AVIL, Công ty TNHH MTV Souk Houng Heang Savannakhet (SHH), doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đầu tư tại Lào trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể là dự án phát triển cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, bao gồm các chủng loại cây: Khoai lang, chanh dây, chuối, bơ, thanh long, mít, sầu riêng, bưởi, lựu tại các tỉnh: Khammuane, Savannakhet, Salavan, Champasak, Attapeu”, trích Thư tuyển dụng lao động kỹ thuật mà cha con ông Trần Bắc Hà đã ký gửi cho trường Đại học Tây Nguyên vào cuối năm 2017.
Theo đó, để đáp ứng kế hoạch đầu tư sản xuất 2017 – 2018, Công ty SHH dưới sự bảo trợ của Hiệp hội AVIL, phối hợp với Đại học Tây Nguyên tổ chức tuyển dụng lao động kỹ thuật làm việc tại các vùng trồng cây ăn quả tại Lào của công ty.
Điều kiện tuyển dụng là trình độ từ trung cấp trở lên trong các lĩnh vực nông nghiệp, sinh học, bảo vệ thực vật, khoa học cây trồng, thiết kế hệ thống tưới tiêu tự động nông nghiệp; Không phân biệt giới tính; Độ tuổi từ 17 – 40 tuổi; Ưu tiên người Lào biết tiếng Việt, tiếng Hoa, người Việt biết tiếng Lào, Thái, Hoa, ứng viên có sức khỏe tốt, có khả năng làm việc xa nhà, có mong muốn ký hợp đồng dài hạn,...
|
Một trong các văn bản mà cha con ông Trần Bắc Hà - Trần Duy Tùng cùng đứng tên.
|
Lao động trúng tuyển sẽ được bố trí nhà ở, được hỗ trợ phương tiện đi lại phục vụ công việc. Mức lương khởi điểm là 350 USD/tháng và các khoản phụ cấp.
Thư tuyển dụng này cũng nêu rõ, số lượng tuyển dụng năm 2017 – 2018, là 211 sinh viên. Thời gian tuyển dụng đợt 2 là từ 01/12/2017 đến ngày 30/01/2018. Địa điểm tuyển dụng tại Đại học Tây Nguyên.
Trong một văn bản khác được gửi cho Đại học Tây Nguyên vào ngày 03/01/2018, ông Trần Duy Tùng cho biết về kế hoạch tiếp nhận sinh viên Đại học Tây Nguyên thực tập đợt 1/2018. Theo đó, sinh viên tham gia thực thập sẽ được làm việc 48h trong một tuần, từ Thứ Hai đến Thứ Bảy; được Hỗ trợ làm việc xa nhà 500.000 VND/tháng/sinh viên, bố trí nơi ăn nghỉ tại khu nhà dành cho CBNV, trợ cấp ăn uống tại BQLD,…
Song nhấn mạnh rằng, quy mô tuyển dụng của Công ty SHH không chỉ hạn chế ở mức vừa nêu.
Bởi lẽ, theo kế hoạch hợp tác tuyển dụng, đào tạo nhân sự kỹ thuật nông nghiệp với các trường đại học trong, ngoài nước được AVIL và Công ty SHH xây dựng, thì tổng nhu cầu tuyển dụng kỹ sư nông nghiệp căn cứ theo diện tích, chủng loại cây – từ năm 2017 đến năm 2021, lại lên đến 1.144 lao động.
Nhu cầu này phân kỳ theo các năm. Trong đó, nhu cầu năm 2017 là 140 kỹ sư (phục vụ cho tổng diện tích 1.800 ha); Năm 2018 là 248 kỹ sư (3.750 ha); Năm 2019 là 330 kỹ sư (4.150 ha); Năm 2020 là 255 kỹ sư (4.500 ha); Năm 2021 là 172 kỹ sư (4.300 ha).
Kế hoạch tuyển dụng này cũng ít nhiều tiết lộ về quy mô dự án nông nghiệp mà Công ty TNHH MTV Souk Houng Heang Savannakhet (dưới sự bảo trợ của AVIL) dự kiến triển khai.
Theo đó, SHH dự kiến sẽ trồng 8 loại cây ăn quả trên diện tích 18.500 ha, bao gồm: Chuối (6.000 ha); Chanh dây (1.500 ha); Thanh Long (2.000 ha); Lựu (1.500 ha); Bơ (1.000 ha); Bưởi da xanh (2.000 ha); Mít (2.500 ha); Sầu riêng (2.000 ha).
Cần thiết phải nói rằng, để hiện thực hóa tham vọng triển khai “siêu” dự án nông nghiệp công nghệ cao nêu trên, một trong những vấn đề đầu tiên mà cha con ông Trần Bắc Hà phải đặt ra đó là kế hoạch thu xếp nguồn lực tài chính cho dự án. Bởi với quy mô lên đến hàng chục nghìn ha và với định hướng ứng dụng công nghệ cao, dự án sẽ đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn.
Vay ngân hàng dĩ nhiên là một giải pháp. Và BIDV (phần nào là LaoVietBank) tất nhiên sẽ là một trong những địa chỉ khả dĩ. Không chỉ bởi mối quan hệ cũ, mà còn là các gói cho vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao mà nhà băng này đã thiết kế. Vốn có từ thời ông Trần Bắc Hà còn tại vị…/.