Theo thông báo số 942/CBTT-CQN của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (OTC: QNP), ông Trần Duy Tùng (SN 25/02/1985) đã chính thức không còn tư cách Thành viên Hội đồng quản trị tại công ty này kể từ ngày 01/10/2017.
Trước đó, ngày 22/09/2017, ông Trần Duy Tùng đã có đơn gửi đến trụ sở Chính của QNP để xin từ chức chức vụ Thành viên HĐQT.
Được biết, ông Trần Duy Tùng mới chỉ bắt đầu tham gia HĐQT QNP cách đây hơn một năm, cụ thể là ngày 19/07/2016.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khi đó, ông Tùng tham gia HĐQT QNP dưới tư cách là bầu bổ sung tạm thời – theo Quyết định số 60/QĐ-HĐQT của Hội đồng quản trị QNP, chứ chưa có sự phê duyệt của Đại hội đồng cổ đông.
Mãi đến ngày 22/4/2017 vừa rồi, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, việc bầu bổ sung ông Tùng vào HĐQT QNP mới chính thức nhận được sự thông qua của các cổ đông.
Trong thời giam tạm thời đảm nhiệm chức vụ, ông Trần Duy Tùng được đánh giá là “thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của một thành viên Hội đồng quản trị”.
Theo tìm hiểu, việc QNP bổ nhiệm ông Tùng tham gia HĐQT QNP vào tháng 07/2017 là nhằm thay thế vị trí cho một nhân sự họ Trần khác đã từ nhiệm trước đó vì lý do cá nhân, là ông Trần Tuấn Nghĩa. Ông Trần Tuấn Nghĩa bị miễn nhiệm Thành viên HĐQT QNP vào ngày 07/07/2016, ngay trước thời điểm ông Tùng được bổ nhiệm.
Tương tự trường hợp của ông Tùng, ngày 01/10/2016, HĐQT QNP đã bầu bổ sung tạm thời Thành viên HĐQT đối với ông Trình Văn Nhất (SN 06/07/1959).
Việc bổ nhiệm ông Nhất được hiểu là để thay thế cho một người họ Trình khác, là ông Trình Trung Thành – người đã có đơn từ chức và được HĐQT QNP đồng ý miễn nhiệm vào ngày 22/09/2016. Ông Nhất cũng chính thức nhận được sự chấp thuận tham gia HĐQT QNP tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, diễn ra vào ngày 22/04 vừa rồi.
Mức thù lao khiêm tốn
Được biết, trong khoảng thời gian giữ chức Thành viên HĐQT QNP trong năm 2016, ông Trần Duy Tùng chỉ được nhận mức thù lao 13,5 triệu đồng; Trong khi ông Trình Văn Nhất nhận được 7,5 triệu đồng.
Thực tế, mức thù lao HĐQT ở QNP là không cao. Như ông Lê Hồng Thái, suốt cả năm đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT QNP, ông Thái chỉ nhận được mức thù lao 48 triệu đồng.
Và theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ QNP phê duyệt, mức thù lao dành cho các lãnh đạo chủ chốt của Cảng này cũng không có nhiều đột phát trong năm 2017.
Theo đó, tổng mức thù lao QNP duyệt cho HĐQT trong năm 2017 chỉ là 168 triệu đồng. Trong đó, phần dành cho Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm là 48 triệu đồng, tương đương 4 triệu đồng/tháng.
120 triệu đồng còn lại được chia đều cho 04 thành viên HĐQT còn lại – trong đó có ông Trần Duy Tùng, tương ứng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đây là khung thù lao được QNP xây dựng cho các Thành viên HĐQT không chuyên trách, mức cho các thành viên HĐQT chuyên trách là 20 triệu đồng/người/tháng nhưng HĐQT QNP không có thành viên nào chuyên trách.
Như vậy, với việc đã chính thức không còn tư cách Thành viên Hội đồng quản trị tại công ty này kể từ ngày 01/10/2017, tạm tính, ông Tùng sẽ nhận được khoảng 22,5 triệu đồng cho 9 tháng giữ chức Thành viên HĐQT QNP trong năm 2017.
Việc từ nhiệm của ông Trần Duy Tùng tại QNP nhận được sự chú ý của thị trường, không chỉ vì QNP doanh nghiệp đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương “điểm mặt chỉ tên”, yêu cầu thanh tra toàn diện quá trình cổ phần hóa.
Mà còn vì một lý do mang tính cá nhân, khi ông Tùng là con trai của cựu Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà – người có uy tín và ảnh hưởng rất lớn trên thị trường tài chính chính Việt Nam, người mà mỗi tin đồn về ông đủ là thị trường chứng khoán trong nước chao đảo – kể cả khi ông đã về hưu.
Ông Hà chính thức rời ghế Chủ tịch HĐQT BIDV để nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày 01/09/2016. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn một năm, BIDV vẫn chưa tìm được người thay ông Hà giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ông Trần Anh Tuấn – Thành viên HĐQT BIDV chỉ là người được bầu thay ông Hà phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT kể từ ngày 01/09/2016.
Là người có sức ảnh hưởng lớn tại BIDV, được nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên BIDV trọng nể nhưng ông Hà và người thân hầu như không có sở hữu cá nhân đối với cổ phiếu BID, hoặc chỉ với số lượng rất ít.
Những người thân của ông Trần Bắc Hà
Cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà Hà sinh ngày 19/08/1956 tại Hà Tây, nhưng quê gốc ở xã Ân Thanh, huyện Hoài Ân tình Bình Định.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính), ông Hà về quê hương cống hiến, từng nhiều năm đảm nhận chức vụ Giám đốc BIDV – Chi nhánh Bình Định. Tháng 10/1999, được điều ra Hội sở BIDV, giữ chức P.TGĐ, rồi Tổng Giám đốc (tháng 05/2003), Chủ tịch HĐQT (tháng 01/2008).
Không có nhiều thông tin về những người thân của ông Hà, cũng không thấy vợ con ông công tác hay giữ cương vị cao ở BIDV. Song theo tìm hiểu của VietTimes, đó đều là những người năng động trên thương trường.
Con trai ông Hà, ông Trần Duy Tùng, như đã biết, là nhân sự chủ chốt của QNP. Trong khi con gái ông, bà Trần Lan Phương từng là người tham gia sáng lập và từng giữ cổ phần lớn tại CTCP Trường Phú (UPCoM: TGP) – một doanh nghiệp được thành lập năm 2005 và chuyên doanh trong lĩnh vực sản xuất dây, cáp điện, thiết bị dây dẫn điện, thiết bị điện chiếu sáng... Bà Phương hiện cũng được biết đến trong tư cách là một trong các cổ đông của CTCP Thủy điện Srok Phu Miêng Idico, với mã số cổ đông M0391, và quy mô sở hữu 200 nghìn cổ phần.
Phu nhân của ông Trần Bắc Hà, bà Ngô Kim Lan hiện là Giám đốc CTCP Du lịch Hoàng Anh – Đất Xanh Quy Nhơn, thành lập tháng 10/2009, chủ đầu tư của Khu nghỉ dưỡng Hoàng Gia Quy Nhơn (Royal Hotel & Healthcare Resort Quy Nhon) – một resort 4 sao sở hữu bãi biển riêng kéo dài hơn 500m, tọa lạc tại số 01, Hàn Mặc Tử, Tp. Quy Nhơn, Bình Định.
Có thông tin cho rằng, dự án Khu nghỉ dưỡng Hoàng Gia Quy Nhơn tiền thân là dự án Hills Beach Resorts Quy Nhơn, được mua lại từ Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai – một đối tác có dư nợ lớn ở BIDV. Được biết, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai Chi nhánh tại Quy Nhơn – trước khi ngừng hoạt động vào cuối năm 2009 - từng đăng ký địa chỉ tại số 01, Hàn Mặc Tử, Tp. Quy Nhơn. Trước đó nữa, Chi nhánh Resort Hoàng Anh – Quy Nhơn thuộc Xí nghiệp Tư doanh Hoàng Anh (hiện đã ngừng hoạt động) của ông Đoàn Nguyên Đức cũng đăng ký tại địa chỉ này.
Bên cạnh vợ con thì một số anh em của ông Trần Bắc Hà cũng theo nghiệp kinh doanh. Có thể kể đến như ông Trần Hoài Nam – Tổng Giám đốc của CTCP Đầu tư Khoáng sản và Năng lượng An Phú. Ông Nam là anh trai ông Trần Bắc Hà.
Tổng Giám đốc BIC
Ông Trần Hoài An (SN 1968) – cháu ruột ông Trần Bắc Hà – là một trong số không nhiều những người thân của cựu Chủ tịch BIDV gắn bó với ngân hàng. Chức vụ của ông An hiện là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIC).
Trước khi về công tác tại BIC vào năm 2009, ông An là công chức của Cục Hải quan Bình Định, trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo tại Đội giám sát HQCK Cảng Quy Nhơn, Đội Tổng hợp HQCK Cảng Quy Nhơn, Chi cục Hải quan Phú Yên.
Từ tháng 06 – 12/2009, ông An là Phó Giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV, Chi nhánh Bình Định. Sau đó, từ đầu năm 2010, ông An là Phó Giám đốc (phụ trách) Công ty Bảo hiểm BIDV, Chi nhánh Bình Định; Rồi Giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV Bình Định.
Từ 01/01/2011 – 31/03/2013, ông An là Giám đốc Công ty bảo hiểm BIDV Hồ Chí Minh. Từ 01/04/2013, là P.TGĐ Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV – kiêm Giám đốc Công ty bảo hiểm BIDV Hồ Chí Minh.
Từ ngày 01/11/2014, ông An là Tổng Giám đốc BIC. Từ ngày 20/4/2015, kiêm nhiệm thêm chức Thành viên HĐQT BIC, dưới quyền của Chủ tịch HĐQT BIC Trần Lục Lang. Ông Lang, được biết, cũng là một người con quê Bình Định, từng trải qua các cương vị tại Chi nhánh BIDV Bình Định, Chi nhánh BIDV Phú Tài. Bên cạnh trọng trách tại BIC, ông Lang còn đang kiêm giữ các chức vụ P.TGĐ BIDV, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên doanh Lào Việt.
Theo tìm hiểu, vợ con của ông của ông Trần Hoài An cũng là cán bộ của BIDV./.