Hầu hết phản hồi của ông Zuckerberg đều khá máy móc và có thể dự đoán trước. Các câu trả lời của vị Giám đốc điều hành Facebook lan man từ căn phòng tại ký túc xá Havard nơi ông bắt đầu xây dựng mạng xã hội lớn nhất thế giới, đến cách trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp giải quyết các vấn đề của Facebook, cũng như Facebook sẽ có trách nhiệm với các công cụ trên nền tảng của mình.
Trước câu hỏi của Thượng nghị sĩ Peters (bang Michigan) rằng liệu Facebook có thu thập dữ liệu âm thanh khi ông nói chuyện qua Messenger, CEO Facebook đã trả lời là "Không". Tương tự, Thượng nghị sĩ Schatz (bang Hawaii) hỏi rằng những thứ mà ông gõ vào trên WhatsApp có được gửi thẳng tới Facebook để bán cho các nhà quảng cáo hay không, Mark Zuckerberg một lần nữa phủ nhận.
CEO của Facebook công nhận đã phạm sai lầm trong vụ rò rỉ thông tin liên quan tới Cambridge Analytica ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Nguồn: Time
Trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ Nelson (bang Florida) tại sao công ty không thông báo cho người dùng Facebook khi công ty phát hiện về hành vi thu thập dữ liệu trái phép của Cambridge Analytica vào năm 2015, Zuckerberg nói: “Khi Cambridge Analytica xác nhận không lưu trữ và sử dụng dữ liệu và đồng thời đã tiêu hủy, chúng tôi cho rằng vụ việc đã kết thúc. Nhưng khi nhìn lại, đó rõ ràng là một sai lầm”.
Thượng nghị sĩ Thune (bang Nam Dakota) dẫn chứng những sai lầm trước đây của Facebook và tất cả những gì CEO Facebook làm là nói lời xin lỗi. Ông Thune hỏi: "Lời xin lỗi của ngày hôm nay là gì?”. Ông Zuckerberg trả lời:
“Trong 10-12 năm đầu tiên của công ty, tôi coi trách nhiệm của mình chủ yếu là xây dựng các công cụ trên Facebook. Nếu chúng ta có thể đưa những công cụ này vào tay người dùng, nó sẽ giúp họ làm những việc tích cực. Tôi nghĩ Facebook đã có một bài học qua nhiều vấn đề nảy sinh, không chỉ sự riêng tư về dữ liệu mà cả những tin tức giả mạo và sự can thiệp của quốc gia khác vào cuộc bầu cử. Facebook đóng vai trò quan trọng, chúng tôi cần phải chủ động hơn và có cái nhìn rộng hơn về trách nhiệm của mình”.
Phần lớn nội dung của phiên điều trần được các chuyên gia cho là thiếu chiều sâu và khó lòng thỏa mãn người dùng Facebook. Ít nhất thì ông Zuckerberg đã trả lời hơi chung chung và yêu cầu nhóm của ông theo dõi thêm thông tin.
Điểm thú vị nhất của buổi điều trần có lẽ là lúc Thượng nghị sĩ Durbin đã bất ngờ hỏi Mark Zuckerberg rằng "Tối qua ông ngủ tại khách sạn nào, nhắn tin cho ai?" "Ông có thể tiết lộ không?". Cả hai lần Zuckerberg đều trả lời "không" với một nụ cười lo lắng.
Thượng nghị sĩ Dublin đã nhấn mạnh" Đấy, ông không muốn người ta biết chuyện cá nhân của mình, vậy sao ông lại bán dữ liệu cá nhân của người dùng Facebook?"
“Tôi nghĩ rằng điểm mấu chốt của vấn đề là: Quyền riêng tư, các giới hạn về quyền riêng tư và ông Zuckerberg đóng góp được bao nhiêu cho nước Mỹ hiện đại thông qua mạng xã hội "kết nối mọi người trên thế giới", Thượng nghị sĩ Dublin nói.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz ( bang Texas) hỏi liệu Zuckerberg có biết về vụ việc quảng cáo của các tổ chức phi lợi nhuận như Planned Parenthood hay MoveOn bị Facebook gỡ bỏ hay không. CEO Facebook đã trả lời phủ nhận. Ông Zuckerberg nói rằng việc sa thải nhà sáng lập Palmer Luckey của Oculus (công ty được Facebook mua lại với giá 2 tỷ USD năm 2014) không liên quan gì đến chính trị.
Thượng nghị sĩ Ed Markey (bang Massachusetts) nói rằng Facebook phải xin phép người dùng trước khi công khai thông tin cá nhân. Ông Markey đặc biệt quan ngại và yêu cầu có một "bộ luật về quyền bảo vệ trẻ nhỏ trên Facebook". Tuy nhiên CEO Facebook lại cho rằng: "Tôi nghĩ là không cần có hẳn một bộ luật". Ông Zuckerberg nói thêm: "Đội của tôi đang theo dõi và nghiên cứu các vấn đề liên quan".