|
Vết nứt trên ụ mố vòm cầu Rồng |
Bệnh cũ tái phát!
Liên quan đến việc xử lý các vết nứt xuất hiện trở lại trên ụ bê tông thân cầu Rồng như VietTimes đã phản ánh. Ngày 23/8, ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết: "Các vết nứt xuất hiện vừa qua là từ các vết nứt cũ và trước đây cũng đã được xử lý, tuy nhiên chưa triệt để nên nay xuất hiện trở lại.
Bên cạnh đó, theo sổ tay vận hành thì hàng năm đều có phương án bảo dưỡng, xử lý đối với các vết nứt trên cầu Rồng. Và phương án được đề xuất là đục toàn bộ ra để xử lý. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên chỉ sử dụng phương án bơm phụ gia trám các vết nứt.
Cũng theo ông Bùi Hồng Trung, nguyên nhân xuất hiện vết nứt là do co ngót trong quá trình làm việc của bê tông với kết cấu thép và nứt do mạch dừng giữa 2 lớp bê tông đổ trước và đổ sau. Các vết nứt không gây ảnh hưởng đến khả năng làm việc và tuổi thọ của cầu Rồng. Theo phương án ban đầu, các vết nứt sau khi được đục bỏ đến hết chiều sâu vết nứt sẽ được trám trít lại bằng phu gia chuyên dụng. Tuy nhiên vì công trình nhạy cảm về mặt dư luận nên buộc sử dụng phương án bơm keo như thời gian qua.
"Chúng tôi đã sử dụng phương án bơm keo cho đỡ phản cảm, song nhiều người không hiểu vẫn lo ngại và đã có dư luận ít nhiều. Đối với phương án bơm keo để thẩm thấu vào dần bên trong vết nứt thì cần nhiều thời gian chứ không thể nhanh được. Mà thấy bơm kim tiêm gắn đầy các ụ bê tông, dân tình cũng kêu quá, la quá nên đành xử lý thường xuyên hàng năm. Mà xử lý hàng năm cũng tốn kém nên chúng tôi đang xem xét xử lý triệt để"- ông Trung chia sẻ.
Trước đó, vào cuối tháng 10/2014, sau khi xuất hiện các vết nứt trên các ụ bê tông liên kết với vòm thép thân cầu, Sở GTVT Đà Nẵng đã phải xử lý các vết nứt bằng việc bơm keo Epoxy Sikadur 752 cường độ cao và trám bằng vữa Epoxy Sikadur 731 đối với những vết nứt. Nhưng đến nay, vết nứt vẫn quay trở lại.
Sẽ phải "đại phẫu"!
Liên quan đến giải pháp xử lý các vết nứt tái xuất hiện, ông Bùi Hồng Trung cho biết: "Các vết nứt lần này là các vết nứt cũ, do lần trước mình xử lý chưa được triệt để. Đối với sự cố lần này, chúng tôi đã đánh giá lại phương án thẩm thấu như thời gian qua là chưa phù hợp và triệt để vì cần có thời gian thẩm thấu lâu, nên sắp tới sẽ làm dứt điểm, triệt để luôn là đục ra.
Và để tránh dự luận hiểu sai, chúng tôi đang tìm kiếm phương án khác tối ưu hơn về mặt kỹ thuật và dư luận. Quan điểm là làm sao vừa đảm bảo kỹ thuật, hạn chế sửa chữa thường xuyên và nhất là ổn định dư luận. Vẫn biết việc xử lý đối với cầu Rồng là khá nhạy cảm về mặt dư luận và cần cân nhắc lại. Nhưng để ngăn chặn sự xuất hiện trở lại của các vết nứt thì chắc sẽ phải chịu đau một lần, làm luôn một lần rồi xong".
"Về mặt lý thuyết thì phương án này đảm bảo, tuy nhiên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, theo đơn vị xử lý thì phải đảm bảo độ ẩm giữa vât liệu cũ và vật liệu mới. Tuy nhiên điều này khó, vì có thể không xảy ra ở vết nứt cũ, mà sẽ xảy ra ở vết tiếp giáp giữa vật liệu cũ và vật liệu mới. Nên vấn đề cũng cần cân nhắc đánh giá cụ thể trước khi làm"- Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết thêm.
Cầu Rồng được khởi công từ tháng 7/2009 và được đưa vào sử dụng đưa vào sử dụng từ ngày 29/3/2013 với tổng mức đầu tư gần 1.739 tỷ đồng. Cầu có kết cấu khá đặc biệt, là cây cầu bê tông cốt thép và dầm thép liên hợp bản bê tông cốt thép độc đáo và lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt cây cầu có hình dáng một con rồng đang vươn ra biển và trở thành điểm nhấn du lịch của thành phố Đà Nẵng với hệ thống ánh sáng hiện đại cùng hình ảnh rồng thay đổi màu sắc, phun nước và phun lửa về đêm.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 7 tháng đưa vào hoạt động, cầu đã xuất hiện những vết nứt trên ụ mố vòm cầu. Vào tháng 3/2014, cơ quan chuyên môn Đà Nẵng đã tiến hành "trị bệnh" cho cầu Rồng bằng việc gắn một loạt các bơm kim tiêm, bơm keo chuyên dụng là Epoxy Sikadur 752 cường độ cao và trám bằng vữa Epoxy Sikadur 731 đối với những vết nứt.