Câu chuyện Steve Jobs bị Apple sa thải và ông đã trở lại cứu Apple như thế nào?

VietTimes -- Ông Steve Jobs đã từng bị Apple sa thải và lại quay trở lại lãnh đạo Apple, đưa công ty này đến đỉnh vinh quang. Câu chuyện về sự trở lại của Apple đang là niềm cảm hứng cho cựu CEO Uber - Travis Kalanick nói rằng anh sẽ quay trở lại và nắm giữ chức vụ CEO Uber trong tương lai.

Apple do Steve Jobs và Steve Wozniak sáng lập vào năm 1976 (ảnh Business Insider)
Apple do Steve Jobs và Steve Wozniak sáng lập vào năm 1976 (ảnh Business Insider)

Thực tế, sự thăng trầm và trở lại Apple của Steve Jobs là một phần lớn trong lịch sử của huyền thoại sáng lập Apple.

Bị sa thải khỏi Apple, Jobs đã thành lập startup riêng của ông.  Startup đó đã bị chính Apple mua lại, lúc đó Apple đang rất cần có một sản phẩm chủ đạo để tồn tại. Rồi không lâu sau, Jobs trở thành CEO tạm quyền, rồi CEO chính thức, và Apple đã đi từ một công ty công nghệ bình thường trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.

Thực tế, mọi thứ không đơn giản như vậy. Sau đây là toàn bộ câu chuyện vì sao Apple sa thải Jobs và làm thế nào Jobs quay trở về cứu cả công ty.

Apple do Steve Jobs và Steve Wozniak sáng lập vào năm 1976. Jobs là chuyên gia về ý tưởng; Wozniak là chuyên gia về kỹ thuật. Cả hai chàng trai trẻ lúc đó đều không hề có chút kinh nghiệm điều hành công ty.

Nhưng Mike Markkula, một trong những nhà đầu tư và nhân viên đầu tiên của Apple, không nghĩ cả Wozniak hay Jobs có đường lối công việc. Vì thế, Markkula đã đưa bạn của mình là Michael Scott, một lãnh đạo có kinh nghiệm, về làm CEO đầu tiên của Apple. Khi Scott rời khỏi Apple vào năm 1981, sau sự kiện IPO của Apple, Markkula đã tự mình lên vị trí CEO.

Năm 1983, Jobs tự mình tuyển dụng CEO PepsiCo lúc đó là John Sculley, sau khi hỏi John Sculley: “Anh muốn bán thứ nước có đường đó suốt cả cuộc đời còn lại? Hay anh muốn đi cùng với tôi và thay đổi thế giới?”. Lúc đó, Jobs muốn làm CEO, nhưng ban giám đốc Apple nghĩ ông chưa sẵn sàng.

Steve Jobs và John Sculley

Vấn đề là Steve Jobs nhanh chóng nổi tiếng là người rất khó làm việc cùng. Ông tỉ mẩn từng chi tiết và thường khiến cả nhóm bị tổn thương.

Mọi thứ đến vào năm 1985. Dưới sự hướng dẫn của Jobs, Apple đã ra Lisa, chiếc máy tính đầu tiên có giao diện đồ họa người dùng (GUI). Đó là thành công tuyệt vời về công nghệ, nhưng lại là thất bại thảm hại về doanh số. Dự án tiếp theo của Jobs, Macintosh, bán tốt hơn – nhưng vẫn không đủ để có chút thị phần so với sự thống trị của IBM trên thị trường PC lúc đó.

Năm 1985, Apple ra Lisa

Sculley liền không để Jobs làm trong nhóm sản phẩm Macintosh, về cơ bản để đặt ra những gò bó lên nhà sáng lập và hạn chế sức ảnh hưởng của Jobs tại Apple. Đáp lại, Jobs lên gặp thẳng Ban giám đốc Apple – những người đồng phe với Sculley.

Và đây chính là điểm gây mâu thuẫn. Jobs công khai tuyên bố ông bị sa thải khỏi Apple; Sculley nói Jobs tự nguyện rời khỏi Apple sau bất đồng về mức giá của Macintosh.

Jobs ra đi thành lập NeXT, một công ty ông hy vọng sẽ trở thành cuộc tiến hóa tiếp theo của PC – máy móc rất tốt về mặt kỹ thuật, nhưng giá cao và doanh số chậm.

Jobs ra đi thành lập NeXT

Trong khi đó, tại Apple, Sculley bắt đầu một thời đại “không-có-Jobs”. Năm 1991, Apple ra hệ điều hành System 7, lần đầu tiên mang màu sắc đến cho máy Mac. Apple cũng ra laptop PowerBook.

Tuy nhiên, Apple bắt đầu mất tập trung. Dưới thời Sculley, Apple trải qua những thất bại như thiết bị hỗ trợ cá nhân Newton MessagePad.

 Năm 1991, Apple ra hệ điều hành System 7

Sai lầm lớn nhất của Sculley là đặt cược tương lai Apple vào một loại vi xử lý mới gọi là PowebPC. Nó khiến Apple phải thay đổi thiết kế sang một chuẩn mới, khiến giá máy Mac cao. Trong khi đó, vi xử lý x86 của Intel phổ biến hơn và rẻ hơn.

Sculley mất chức CEO và một nhân viên lâu năm của Apple là Michael Spindler thay thế. Spindle chỉ trụ được 3 năm. Ban giám đốc Apple cũng sa thải ông, sau các vụ thương thảo sáp nhập thất bại với IBM, Philips, và Sun Microsystems.

Năm 1996, Spindler bị thay thế bởi Gil Amelio. Và bước ngoặt xảy ra khi Amelio quyết mua NeXT với giá 429 triệu USD vào đầu  năm 1997. Quyết định này đã đưa Jobs trở lại Apple, và đánh dấu chấm hết cho thời đại của Amelio.

Tháng 6/1997, một bên thứ ba ẩn danh đã bán 1,5 triệu cổ phiếu Apple trong một giao dịch. Việc này khiến cổ phiếu Apple giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm. Vào cuối tuần ngày 4/7 năm đó, Jobs đã thuyết phục Ban giám đốc đưa ông lên làm CEO tạm thời và sa thải Amelio.

Không lâu sau, Jobs thú nhận chính ông là người đã bán đi toàn bộ cổ phiếu Apple. Điều này được hiểu là quyết định của Jobs nhằm làm cho Ban giám đốc Apple quen với ý tưởng sa thải Amelio. Cuối cùng, Amelio từ chức khỏi Apple.

Tháng 8 năm đó, Jobs bắt đầu thay đổi mọi thứ. Ông thiết lập Ban giám đốc mới, “chơi thân” với đối thủ lâu năm là Bill Gates: chủ tịch Microsoft đã xuất hiện tại hội nghị Macworld và tuyên bố đầu tư 150 triệu USD vào Apple.

Năm 1998,  Apple giới thiệu iMac. Năm 2000, Apple chính thức bỏ chữ “tạm thời” ra khỏi chức danh CEO của Jobs. Và ông chính thức trở thành CEO của Apple.

Vì thế, khi các nhà lãnh đạo công nghệ hiện đại như cựu CEO Uber Travis Kalanick nói họ đang “làm theo Steve Jobs” và có kế hoạch trở lại công ty mà họ bị sa thải, họ sẽ phải làm sao để thành công như Jobs.