"Cắt ngọn" tòa nhà 8B Lê Trực: Kịch bản nào xảy ra?

Theo các luật sư, trong trường hợp tòa nhà số 8B Lê Trực bị phá dỡ phần sai phép thì các khoản phí phá dỡ chủ đầu tư sẽ phải chịu. Bên cạnh đó chủ đầu tư phải có trách nhiệm trả lại, hoặc bồi thường cho khách hàng số tiền đã nộp để mua căn hộ đúng hợp đồng giữa hai bên.
Tòa nhà 8B Lê Trực gây bức xúc dư luân

Trước việc UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực (quận Ba Đình) tự phá dỡ phần công trình xây dựng sai phép, nếu không sẽ cưỡng chế, nhiều ý kiến đã đưa ra kịch bản khi tòa nhà này bị “cắt ngọn”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, hiện các đơn vị liên quan đang tiến hành thực hiện theo yêu cầu chỉ đạo của UBND thành phố. “Những sai phạm của chủ đầu tư, thành phố đã nói rõ và thành phố cũng yêu cầu kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, vị cán bộ này cho biết.

Dư luận đang trông đợi vào thái độ nghiêm khắc của UBND thành phố Hà Nội khi xử lý vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực.

Theo vị này, Hà Nội đã từng “cắt ngọn” nhiều công trình cao tầng sai phạm.  Đơn cử như năm 2007, công trình vi phạm trật tự xây dựng quy mô lớn, sai phép, vượt số tầng tại số 9 Đào Duy Anh (quận Đống Đa) hay công trình cao tầng số 4 Đặng Dung (quận Ba Đình). Tại thời điểm đó, công trình trên phố Đào Duy Anh được xác định xây vượt phép 3 tầng, còn công trình trên phố Đặng Dung được xác định vượt chiều cao so với giấy phép hơn 13m.

Phân tích về những sai phạm của công trình số 8B Lê Trực, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu “cắt” hết phần sai phạm công trình sẽ tan tành. “Vì ngoài hạ độ cao 16m xây vượt, công trình phải cắt khoảng lùi ở các mặt của tòa nhà”, TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng) nói.

Theo ông Chủng, việc phá dỡ tòa nhà số 8B Lê Trực chắc chắn ảnh hưởng đến mặt kết cấu. Ông Chủng ví von, tòa nhà cũng giống như con người, chặt ngọn không khác gì chặt chân chặt tay. Vì thế cần nghiên cứu kỹ tác động của việc cắt ngọn tòa nhà có ảnh hưởng đến kết cấu còn lại không, việc phá dỡ thế nào để đảm bảo an toàn cho công trình và cả khu dân cư, từ an toàn vật liệu xây dựng, đến an toàn tiếng ồn, ô nhiễm…

Theo ông Chủng, các nước trên thế giới hầu như không có việc cắt ngọn công trình. Thường chỉ có kéo sập, phá hủy toàn bộ tòa nhà bằng thuốc nổ, mìn công nghệ cao. “Chỉ có riêng Việt Nam thường xuyên xảy ra việc để chủ công trình xây sai xong, lại phải cắt ngọn”, TS Trần Chủng nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây Dựng cho biết, các nước phát triển đều có quy định chặt chẽ về xây dựng, khó có thể xây vi phạm. Ví dụ như ở London, thủ đô nước Anh, nơi quy hoạch nhiều nhà cổ, đã có một số công trình cao hơn quy định 10 tầng đều bị yêu cầu tháo dỡ hoàn toàn.

“Ở Việt Nam, đang có tình trạng đua nhau xây lấn đất, xây sai giấy phép để tối đa hóa lợi nhuận, có những dự án chỉ toàn nhà ở, các phần dịch vụ tiện ích cho cư dân thì không làm. Điều đó rất nguy hiểm bởi người dân bị cô lập với thế giới xung quanh, không có vườn hoa, ao hồ, khu vui chơi”…, ông Hùng nói.

Đối với việc “cắt ngọn” 16m công trình 8B Lê Trực, ông Hùng cho rằng không ảnh hưởng nhiều đến công trình. Nếu cắt giật cấp thì phải cùng cân, có các trụ đỡ nếu không cẩn thận có thể gây lệch tâm tòa nhà.

Theo kỹ sư Trương Văn Hải, Giám đốc Cty CP Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam - một đơn vị chuyên về phá dỡ các công trình xây dựng cho biết, khi cắt ngọn tòa nhà cần xem lại thiết kế, đánh giá lại kết cấu. “Thời gian phá dỡ tùy theo diện tích sàn của tòa nhà, nếu thực hiện tháo dỡ công trình 8B Lê Trực đúng như giấy phép, dự tính cần hàng chục công nhân, làm việc trong thời gian khoảng 5 tháng trở lên mới xong”, vị này nhận định.

Theo Tiền Phong