|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Minh Thúy)
|
Thông tin được các chuyên gia về cấp cứu và khám, chữa bệnh của nhiều tỉnh, thành chia sẻ tại hội thảo “Tăng cường năng lực mạng lưới quốc gia cấp cứu trước viện” tổ chức chiều 19/11, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Chênh lệch quá lớn giữa cung và cầu
Theo TS. Đỗ Ngọc Sơn – Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai - việc cấp cứu trước viện hiện nay ở Việt Nam chưa tốt. Theo nghiên cứu của TS. Sơn tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội vào năm 2014, có khoảng 1.000 bệnh nhân tử vong tại nhà vì nhiều nguyên nhân khác nhau trước khi nhân viên cấp cứu tới hỗ trợ. TS. Sơn cho biết, Trung tâm không đáp ứng được nhu cầu của người dân khi có yêu cầu.
TS. Đỗ Ngọc Sơn cũng trích dẫn một kết quả nghiên cứu tại các bệnh viện tuyến trung ương về cấp cứu trước viện. Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai chỉ có khoảng 10% bệnh nhân do cấp cứu trước viện đưa đến, trong khi đó, con số bệnh nhân tới cấp cứu bằng phương tiện cá nhân là 62,11%.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, số bệnh nhân được cấp cứu trước viện chỉ khoảng 7%, trong khi số bệnh nhân được vận chuyển bằng phương tiện cá nhân là 53,76%. Còn Bệnh viện Chợ Rẫy có tỷ lệ bệnh nhân cấp cứu trước viện cao nhất là 30%, trong khi có tới 43,92% bệnh nhân được chuyển tới viện bằng phương tiện công cộng.
Như vậy, hiện nay hệ thống cấp cứu trước viện của Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần quá nhỏ bé so với nhu cầu của người dân.
|
Buổi hội thảo tổ chức chiều 19/11 tại Hà Nội (Ảnh: Minh Thúy)
|
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Duy Long – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh - cũng cho biết, hệ thống cấp cứu trước viện thuộc mạng lưới cấp cứu 115 chưa đáp ứng tốt nhu cầu rất lớn về cấp cứu trước viện của người dân trên địa bàn.
“TP Hồ Chí Minh có 24 quận, huyện, có địa bàn rất rộng. Có những nơi rất xa, khi cần cấp cứu nhưng xe khó đến nơi, thời gian di chuyển lâu, buộc người dân đi cấp cứu bằng phương tiện tự túc” – Bác sĩ Nguyễn Duy Long cho biết.
Hậu quả trên khiến nhiều bệnh nhân không được cấp cứu trong thời gian vàng, không được hỗ trợ y tế đúng cách, dẫn tới tình trạng bệnh nặng hơn, thời gian điều trị dài, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác.
“Ví dụ, bệnh nhân bị chấn thương đầu mà không được hỗ trợ y tế, không có nẹp cổ, việc vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế thực hiện bằng phương tiện không chuyên dụng và không có nhân viên y tế, thì người bệnh có nguy cơ bị chấn thương nặng hơn, có thể liệt, thậm chí tử vong” – Bác sĩ Nguyễn Duy Long chia sẻ.
Thiếu và yếu do quá tải
Tình trạng quá tải tại các Trung tâm cấp cứu 115 của các tỉnh, thành phố là câu chuyện “tưởng xưa như trái đất”. Song, việc cấp cứu trước viện thiếu và yếu khiến cho công tác cứu chữa bệnh nhân kém hiệu quả lại có nguyên nhân trực tiếp từ vấn đề quá tải triền miên chưa được giải quyết tại các trung tâm này.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long cho biết, số lượng phương tiện và nhân sự của các trung tâm cấp cứu rất hạn chế: Trung tâm cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh chỉ có 11 xe cấp cứu, trong đó 5 xe thường trực, 4 xe dự phòng cho các sự kiện lễ hội trên địa bàn, 2 xe chờ thanh lý do hết hạn sử dụng; Toàn Trung tâm chỉ có 142 người, nhưng phải hoạt động trên địa bàn quá rộng lớn, cùng nhiều khó khăn khác về trang thiết bị, vật tư…
Còn Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội có 22 xe cứu thương, đều ở trong tình trạng rất xập xệ, mỗi chiếc đã chạy tới 300 nghìn km và không phải là xe cấp cứu chuyên dụng theo quy định mới của Chính phủ, nên không đáp ứng được yêu cầu về xử lý chuyên khoa, kiểm soát nhiễm khuẩn trong xe. Một số xe còn rơi vào tình trạng hỏng hóc, trang thiết bị chưa đồng bộ, xuống cấp, một số trang thiết bị còn thiếu.
Bệnh viện không phối hợp cấp cứu
|
Bác sĩ Nguyễn Thành - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội chia sẻ về tình hình khó khăn trong cấp cứu trước viện.
|
Trong khi TP Hồ Chí Minh gặp quá tải do địa bàn rộng, nhu cầu của người dân lớn, thì tại Hà Nội, các nhân viên cấp cứu 115 không chỉ gặp các vấn đề về địa bàn, mà còn gặp khó khăn trong vấn đề nhân sự và việc hợp tác với các bệnh viện để cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Thành – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, Trung tâm chỉ có 191 nhân viên, trong đó có 28 bác sĩ hoạt động tại 5 trạm cấp cứu rải rác trên địa bàn, căng mình thực hiện hơn 80 nghìn ca cấp cứu mỗi năm.
“Nhưng bác sĩ càng ngày càng khó tuyển dụng nên phải sử dụng lực lượng y sĩ để thay thế. Tuy nhiên, việc sử dụng y sĩ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về vấn đề pháp lý. Hiện nay y sĩ tại các thành phố không được cấp giấy phép hành nghề như các y sĩ tại vùng khó khăn, nên việc y sĩ chỉ định kê toa thuốc là bất hợp pháp. Song, nếu không sử dụng y sĩ thì chắc chắn hệ thống cấp cứu 115 sẽ đóng cửa” – Bác sĩ Nguyễn Thành nói.
Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội chỉ có 5 trạm cấp cứu, tức là còn rất nhiều vùng ở Thủ đô không có dịch vụ cấp cứu. Do hạn chế về phương tiện và nhân sự, Trung tâm thường xuyên phải phối hợp với các bệnh viện để đảm bảo hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thành, một số bệnh viện không phối hợp thực hiện công tác này.
“Khi chúng tôi có bệnh nhân ở gần khu vực bệnh viện, liên hệ với bệnh viện thì họ nói rằng xe của họ đang di chuyển bệnh nhân, hoặc bệnh viện cho biết họ đang cử ê kíp đi cấp cứu cho các bệnh nhân khác. Trong năm 2019, chúng tôi đã có 546 lượt yêu cầu tới các bệnh viện, nhưng các bệnh viện chỉ đáp ứng được 239 lần, trong đó chỉ cứu được 135 bệnh nhân” – Bác sĩ Nguyễn Thành phản ánh.
Bên cạnh đó, giải pháp xe hai bánh cấp cứu từng được TP Hồ Chí Minh áp dụng thành công lại không được người dân Thủ đô đón nhận sau 1 năm thực hiện. Có những nhân viên y tế đã bị người dân tấn công do không chấp nhận xe máy đến cấp cứu. Ngoài ra, xe máy không thể thay thế được ô tô trong nhiều trường hợp, chưa có kinh phí để thực hiện mô hình xe hai bánh cấp cứu và ô tô cấp cứu.
Giải pháp nào để nâng chất lượng hệ thống cấp cứu trước viện?
|
Những chiếc xe cấp cứu đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh.
|
Tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận những khó khăn của các trung tâm cấp cứu và cho biết đã giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xây dựng ngay đề án toàn diện về tăng cường, triển khai hệ thống cấp cứu trước viện và hệ thống cấp cứu nói chung tại Việt Nam. Trong đó, đề án phải có mục tiêu, có các giải pháp đồng bộ về đào tạo nhân lực, xây dựng chính sách, tiêu chuẩn về trang thiết bị... Đề án cần có tính thực tiễn cao, trực tiếp thực hiện tại một số thành phố lớn, ví dụ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ…
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - cho biết sẽ xây dựng chiến lược quốc gia thiết lập và nâng cao năng lực mạng lưới quốc gia cấp cứu trước viện; xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trung tâm cấp cứu trước viện gồm các trung tâm 115 độc lập, trung tâm điều phối thông tin kết nối giữa các trung tâm cấp cứu 115 và các bệnh viện; xây dựng cơ chế tài chính thu phí vận chuyển cấp cứu và đưa vào thanh toán bảo hiểm y tế; trang bị xe ô tô cứu thương và trang thiết bị cấp cứu…
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, những hoạt động này sẽ giúp hoàn thiện, xây dựng và phát triển hoạt động cấp cứu trước viện, giúp tăng cơ hội sống, tiếp cận dịch vụ, điều trị y tế cho người bệnh.