Khu đất từng được kiến nghị xây trường học
Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, ngay từ sáng 28/9, Tổ công tác của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội có mặt để kiểm tra thực tế tại công trình thuộc dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở để bán và cho thuê số 8B Lê Trực (thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình).
Tổ công tác do Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Việt Trung dẫn đầu đã đo đạc, kiểm tra từng tầng của tòa nhà đã xây xong phần thô và đang trong quá trình hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội là người ký Giấy phép xây dựng cho dự án cao ốc số 8B Lê Trực
Ngày 24/3/2014, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng số 11 cho dự án số 8B Lê Trực. Giấy phép này do Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn ký cấp cho dự án số 8B Lê Trực gồm 3 công trình.
Trong đó công trình thứ nhất là Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở để bán và cho thuê với diện tích 1.783m2 với 18 tầng nổi (bao gồm tầng kỹ thuật và tum thang) và 4 tầng hầm; chiều cao công trình là 53m. Hai công trình còn lại là 7 lô nhà vườn.
Giấy phép xây dựng này cũng nêu rõ chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng thực hiện bản vẽ phương án tổng thể mặt bằng đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác nhận theo văn bản ngày 24/10/2013.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn nay đã nghỉ hưu
Được biết, khu đất xây dựng dự án số 8B Lê Trực có diện tích 5.600m2, là nơi sản xuất của Xưởng may số 8B Lê Trực thuộc Cty may Chiến Thắng. Năm 1999, Bộ Công nghiệp đã có quyết định chuyển Xưởng may này của Công ty theo phương án cổ phần hóa.
Năm 2007, gần 300 công nhân của Cty đã đình công trước thông báo của ban lãnh đạo công ty này là người lao động phải chuyển sang một nơi làm mới, còn khu đất ở đây sẽ được thực hiện dự án chung cư, văn phòng cao tầng.
Sơ đồ vị trí công trình 8B Lê Trực. Nguồn đồ họa VnExpress
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Thưởng - Tổ trưởng tổ 13 phường Điện Biên cho hay, việc xây dựng khu chung cư cao tầng số 8B Lê Trực được tiến hành khá lặng lẽ, chỉ đến khi dự án mở đường Trần Phú (kéo dài) hoàn thành, nhiều người mới thấy cả một tòa chung cư lừng lững lộ ra mặt đường.
Vị Tổ trưởng dân phố ở đây cũng đặt ra câu hỏi về quá trình cấp phép tòa nhà 18 tầng này được thực hiện như thế nào, chứ nhiều hộ dân xung quanh khi xin phép xây dựng muốn xây cao tầng cũng rất khó vì gần những khu vực “nhạy cảm”.
“Dân chúng tôi kiến nghị và phường đã có văn bản đề xuất xin khu đất xây trường học cho con em trong phường. Nhưng sau đó được trả lời không được vì khu đất sẽ được xây dựng chung cư cao tầng. Hiện các cháu trong phường này thiếu trường học nên phải đi học nhờ ở trường THCS ở phường khác”, ông Thưởng cho biết.
Cần làm rõ chiều cao bất thường
Dự án số 8B Lê Trực không chỉ nằm vị trí “nhạy cảm” là gần khu vực Quảng trường Ba Đình, mà quá trình quản lý quy hoạch kiến trúc cũng như việc cấp phép cho dự án cũng đặt ra nhiều nghi ngại cho dư luận.
Qua tìm hiểu của nhóm phóng viên cho thấy, năm 2009 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về rà soát và dừng các dự án cao tầng tại 4 quận nội thành, các cơ quan chức năng Hà Nội đã có thống kê trong đó có dự án này. Theo đó tại Công văn số 499/QHKT ngày 16/3/2009 của Sở Quy hoạch-Kiến trúc về việc chấp thuận chiều cao công trình là 17 tầng, với mật độ xây dựng là 64%.
Vào thời điểm đấy, theo chỉ đạo đối với các dự án xây dựng nhà cao tầng đã được cấp giấy phép xây dựng trước ngày 9/12/2009 được tiếp tục triển khai. Đối với các dự án xây dựng nhà cao tầng đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch theo quy định trước ngày 9/12/2009, Chủ tịch thành phố Hà Nội “phải xem xét kỹ, quyết định theo thẩm quyền”.
Cận tòa nhà 8B Lê Trực
Quy định chặt chẽ như vậy, tuy nhiên, đến ngày 24/3/2014, Sở Xây dựng đã cấp giấy phép xây dựng số 11 cho dự án số 8B Lê Trực. Tại giấy phép này do Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn ký đã cấp cho dự án số 8B Lê Trực gồm 3 công trình. Trong đó công trình thứ nhất là Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở để bán và cho thuê với diện tích 1.783m2 với 18 tầng nổi (bao gồm tầng kỹ thuật và tum thang) và 4 tầng hầm; chiều cao công trình là 53m; hai công trình còn lại là 7 lô nhà vườn.
Trao đổi với phóng viên, ông Pham Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đối với quy hoạch khu vực Ba Đình, từ lâu nay đều có chỉ đạo chặt chẽ về quản lý quy hoạch, kiến trúc.
“Ngay khi thực hiện xây dựng nhà Quốc hội, cuộc thi tuyển chọn phương án cũng có điều kiện không được cao quá Lăng, cho nên các nhà kiến trúc đã phải tính toán rất kỹ”, ông Liêm cho biết. Theo ông Liêm, nếu các công trình xung quanh xây cao sẽ khiến cho khu Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác bé lại. “Sở Xây dựng Hà Nội là nơi cấp phép xây dựng và Sở Quy hoạch- kiến trúc Hà Nội là nơi thỏa thuận quy hoạch cho dự án này nên khi dư luận đặt câu hỏi về chiều cao bất thường thì cần phải làm rõ”, ông Liêm nhấn mạnh.
Theo Tiền Phong