Nhiều người nghĩ trên bầu trời cao rộng, máy bay thỏa sức bay tự do, nhưng thực tế không phải như vậy. Trên mọi khoảng trời đều có đường bay, những con đường không dải phân cách, không đèn tín hiệu.
Giữa mông lung vô cùng ấy, phi công hoàn toàn phụ thuộc vào những người kiểm soát không lưu. Họ làm công việc phân luồng đường bay, sắp xếp máy bay một cách trật tự, giữ khoảng cách an toàn giữa các chuyến bay. Công việc của họ quan trọng đến mức không một phi công nào dám trái lời.
Chúc Tết qua bộ đàm
Khi Tết đã về rực rỡ nhất thì những kiểm soát viên không lưu tại Trung tâm kiểm soát bay đường dài Hà Nội (ACC Hà Nội) vẫn cần mẫn, bám trụ với công việc
Nghề kiểm soát viên không lưu được ví như CSGT trên trời. |
Họ phải hoàn thành nhiệm vụ làm cầu nối đưa những chuyến bay đi/đến đích an toàn, giúp mọi người sum họp, đoàn viên. Công việc gia đình trong những ngày đón Tết đành phải phó mặc cho người thân.
Là người có hơn 20 năm ăn Tết tại nơi làm việc, ông Nguyễn Bá Tuấn, Trưởng ACC đường dài Hà Nội bình thản chia sẻ: "Tết đến mọi người được nghỉ nhưng kiểm soát viên không lưu lại có cường độ công việc tăng gấp 2 lần so với ngày thường do hoạt động bay nhiều, chưa tính đến các yếu tố khác như điều kiện thời tiết phức tạp".
Nhớ về những thời khắc giao thừa, người đàn ông này vẫn cảm thấy chạnh lòng và tủi thân bởi khi những chiếc kim đồng tích tắc chuyển sang năm mới thì ông vẫn không ngừng tay điều khiển, mắt quan sát, miệng trao đổi, đầu phán đoán.
Suốt hành trình bay, họ lúc nào cũng trong tình trạng vừa nói, vừa làm, vừa suy nghĩ một cách nhịp nhàng, chuẩn xác. Chỉ cần một phút lơ là, kiểm soát viên không lưu và người cầm lái máy bay sẽ phải trả giá bằng tính mạng của hàng trăm người.
Ông Nguyễn Bá Tuấn người 20 năm phải trực Tết tại ACC Hà Nội. |
“Tết đến, cánh chúng tôi không được bên cạnh người thân hay đơn giản là đứng dậy cùng người đồng nghiệp nâng ly rượu chúc mừng năm mới. Với kiểm soát viên không lưu, giao thừa đến chỉ là một lời chúc Tết qua bộ đàm với phi công. Từng đó cũng đủ để anh em ấm lòng”, ông Tuấn nói.
Những áp lực không tưởng
Những người kiểm soát không lưu còn phải chịu áp lực không nhỏ với công việc bởi đảm bảo điều hành an toàn bay là nghề không được phép sai sót bất cứ khâu nào, từ những huấn lệnh nhỏ nhất.
Trong căn phòng rộng rãi, có phần hơi tối, hàng loạt máy móc hiện đại cùng những tiếng bộ đàm vang lên chậm rãi nhưng liên tục kết nối với cánh phi công đang điều khiển máy bay.
Chỉ tay vào màn hình radar, ông Tuấn cho biết các kiểm soát viên phải luôn tập trung quan sát, phân tích tình huống, huấn lệnh dứt khoát bằng tiếng Anh và tiếng Việt. 2 giờ mỗi ca, 8h một ngày và chỉ được nghỉ giữa ca đúng 1 tiếng. Trong suốt ca trực không được rời khỏi vị trí nửa bước.
Để trở thành một kiểm soát viên không lưu, họ đều trải qua quá trình học tập rèn luyện bài bản, ít nhất 3 năm thử thách. Sau khi vào làm việc, họ chịu trách nhiệm chỉ huy máy bay từ khi nổ máy cất cánh cho đến khi hạ cánh, lăn vào vị trí đỗ, đảm bảo an toàn khi lưu thông, ngăn ngừa va chạm giữa các máy bay và với chướng ngại vật.
Kiểm soát vên không lưu luôn phải tập trung quan sát, phân tích tình huống để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay. |
“Kiểm soát viên không lưu là người chỉ huy, điều hành, đảm bảo an toàn bay cho tất cả các chuyến bay đi/đến, cất/hạ cánh. Nói đơn giản, công việc của họ cũng gần giống như công việc của các cảnh sát giao thông, chỉ khác phương tiện mà họ điều hành lưu thông ở trên trời. Ngoài ra, cảnh sát giao thông có thể dừng phương tiện tại chỗ để kiểm tra nhưng kiểm soát viên không lưu không chặn hoặc dừng mà phải “lái” hàng chục tàu bay khác nhau cùng lúc đưa vào vùng hoạt động an toàn khi có sự cố", ông Tuấn ví von.
Bên cạnh đó, kiểm soát viên không lưu là người luôn nhắc nhở phi công và điều đặc biệt, người cầm lái máy bay không dám trái lời. Trưởng ACC Hà Nội đưa ra ví dụ tên tàu bay nhiều khi giống nhau, mỗi phi công còn lái tàu bay hay chặng bay khác nhau nên có khi khiến họ thông báo sai.
Khi đó, kiểm soát viên không lưu phải phát hiện được và yêu cầu phi công nhắc lại. Thời tiết bay xấu cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bay thì kiểm soát không lưu phải chỉ dẫn phi công bay lệch hướng và cùng lúc đó phải hiệp đồng về đường bay với các đơn vị liên quan khác…
Theo ông Tuấn, ACC Hà Nội một ngày có 4 kíp trực, mỗi kíp có từ 15-16 người. Ngoài ra, mỗi kíp luôn có 2 người trực dự bị đề phòng một trong số những thành viên của kíp trực chính nhỡ may gặp sự cố như ốm đau, xin nghỉ đột xuất. Tuy nhiên, rất ít anh em bỏ vị trí bởi trách nhiệm công việc và nghề này cũng rất vinh quang.
Ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cũng khẳng định nghề kiểm soát không lưu đòi hỏi người làm phải có am hiểu sâu sắc về nghề nghiệp, có phản ứng nhanh nhạy, có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) để giao tiếp với phi công và đặc biệt kiểm soát viên không lưu phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm việc.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay, VATM có khoảng 500 kiểm soát viên không lưu làm việc tại các cơ sở điều hành bay trên toàn quốc.
Theo VNN