Cảnh giác với động thái mới của Trung Quốc tại Biển Đông

Tờ Want China Times (WCT) của Đài Loan mới đăng tải thông tin về việc Trung Quốc đại lục đang tung tiền để mời học giả từ các nơi, kể cả từ Đài Loan, nghiên cứu vấn đề tranh chấp Biển Đông, nhằm đi theo hướng bảo vệ các yêu sách chủ quyền trái với luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động của Trung Quốc xây đảo trái phép ở Biển Đông. Ảnh: Vox.com.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động của Trung Quốc xây đảo trái phép ở Biển Đông. Ảnh: Vox.com.

Bên cạnh việc “bơm tiền” này, nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc sẽ đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) bất hợp pháp tại Biển Đông.

Địa chỉ cụ thể của việc “bơm tiền” là Đại học Nam Kinh (Nanjing University). WCT chỉ ra rằng, với ngân quỹ được rót từ chính quyền trung ương, Đại học Nam Kinh đã thành lập một trung tâm nghiên cứu với mục đích để hợp tác đổi mới hoạt động nghiên cứu Biển Đông. 

Ông Chu Phong (Zhu Feng), từng là giáo sư của trường Đại học Bắc Kinh được phân công làm Giám đốc trung tâm trên, còn ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), người đứng đầu Viện Nghiên cứu Nam Hải ở Hải Nam, được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc. 

Tới thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đã mời các học giả nước ngoài tham gia nghiên cứu về hồ sơ vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) và Tòa án quốc tế về Luật biển đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông mà Manila cho là hết sức “quá đáng”. Bên cạnh đó, các học giả nước ngoài cũng được “huy động” vào việc “xem xét” vấn đề tàu Hải quân Mỹ tiến vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp bất hợp pháp tại Trường Sa của Việt Nam. 

Cũng theo WCT, trung tâm trên đã lập ra 10 chương trình nghiên cứu với hy vọng sẽ chiêu dụ được các học giả nước ngoài để lấy được các phân tích của họ về vấn đề Biển Đông. Một trong những chương trình này có đưa ra đề xuất hợp tác với Đài Loan (Trung Quốc), bất chấp việc Đài Loan cũng có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. 

Ông Ngô Sĩ Tồn giải thích, việc hợp tác với học giả Đài Loan sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng kết luận của những chuyên gia ở đây để củng cố lập luận của Bắc Kinh, do hai bên đều đòi chủ quyền rộng khắp, và hầu như toàn bộ Biển Đông.

Trong khi đó, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cảnh báo, Trung Quốc đang gần như thực thi ADIZ ở Biển Đông. Thẩm phán Carpio chỉ ra rằng, hiện bất kỳ máy bay Philippines nào bay qua quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông đều nhận được lời cảnh báo từ Trung Quốc thông qua điện đàm yêu cầu “tránh xa khu vực này”. 

Cũng theo thẩm phán Carpio, những hành động của Trung Quốc trong những năm gần đây, từ quấy rối tàu cá các nước láng giềng cho đến xây đảo nhân tạo phi pháp, cho thấy Bắc Kinh muốn chiếm hết ngư trường, dầu mỏ, khí đốt, tài nguyên trong tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nuốt trọn gần cả Biển Đông. Và ADIZ là một phần trong kế hoạch phi pháp này của Trung Quốc. 

Chưa hết, hồi tuần trước, Bộ Giao thông Trung Quốc đã tổ chức trái phép lễ khánh thành xây dựng xong hai ngọn hải đăng Hoa Dương và Xích Qua trên Đá Châu Viên của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Động thái trên đánh dấu quá trình bắt đầu hoạt động trái phép của hai ngọn hải đăng này, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc.

Philippines và Mỹ đã lên tiếng phản đối động thái này của Trung Quốc. Mỹ ngay lập tức đã thông báo với các đồng minh châu Á về kế hoạch thực hiện các cuộc tuần tra hải quân “tự do đi lại” gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Dự kiến, các cuộc tuần tra sẽ diễn ra trong khu vực 12 hải lý của ít nhất một trong số các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp từ các bãi đá ngầm tại Trường Sa. Điều này được cho là nhằm thách thức các nỗ lực thực hiện các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên vùng biển rộng có các tuyến đường biển chiến lược này. 

Trước đó, Mỹ đã thực hiện các cuộc tuần tra tự do đi lại, nhưng chưa đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép. Và để nhấn mạnh thêm việc này, trong một tuyên bố rõ ràng nhằm vào Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố quân đội Mỹ sẽ hoạt động bằng tàu và máy bay ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như Washington từng thực hiện trên khắp thế giới, và Biển Đông không phải ngoại lệ. 

Về phía Philippines, Manila cho biết họ đã được thông báo về quyết định tuần tra hải quân của Mỹ và hoàn toàn ủng hộ kế hoạch này. Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng Philippines, Thượng nghị sỹ Antonio F. Trillanes IV nhấn mạnh các cuộc tuần tra là cần thiết, qua đó có thể khai thông bế tắc và “biết ngay phản ứng của Trung Quốc”.

Quyết định tuần tra hải quân của Mỹ nhiều khả năng là đòn tâm lý chiến của Nhà Trắng nhằm gây sức ép đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời cũng là sách lược thăm dò đối với Trung Nam Hải. Nhà nghiên cứu cấp cao của CSIS, Tiến sĩ Bonnie Glaser cảnh báo khả năng Trung Quốc sẽ một lần nữa đơn phương tuyên bố áp đặt ADIZ bất hợp pháp để trả đũa cho hành động tuần tra của Mỹ.

Khổng Hà theo Công an Nhân dân