Canh bạc ẩn chứa nhiều hiểm họa khi Mỹ rút quân khỏi Syria (Phần 1)

VietTimes -- Thế giới đang chứng kiến một “canh bạc” mới ở ẩn chứa nhiều hiểm họa đối với hòa bình và an ninh ở Châu Âu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria. Điều này, có thể biến Châu Âu thành chiến trường của Thế chiến III. Nếu hai cuộc Thế Chiến từng đưa Mỹ tới vị thế cường quốc số 1 thế giới trong thế kỷ 20, thì theo toan tính của bộ máy chiến tranh ở Hoa Kỳ, Thế Chiến III nếu xảy ra sẽ làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại” trong thế kỷ 21.
Ông Donald Trump đã tuyên bố rút toàn bộ 2.000 quân Mỹ ra khỏi Syria với lý do đã đánh bại IS.
Ông Donald Trump đã tuyên bố rút toàn bộ 2.000 quân Mỹ ra khỏi Syria với lý do đã đánh bại IS.

Ngày 19.12.2018, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ rút toàn bộ 2.000 quân Mỹ ra khỏi Syria với lý do được ông giải thích rằng Hoa Kỳ đã đánh bại tổ chức khủng bố IS và giờ đây quân đội Mỹ không còn lý do gì để tiếp tục ở lại quốc gia này. Quyết định của Tổng thống Donald Trump khiến nhiều nghị sỹ quốc hội Mỹ và lãnh đạo một số nước đồng minh phải “choáng váng” và là một trong những lý do khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đệ đơn từ chức. Vậy, điều gì ẩn giấu đằng sau quyết định gây tranh cãi này của ông Donald Trump?

Một quyết định gây tranh cãi trong và ngoài nước Mỹ

Quyết định của ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút quân Mỹ ra khỏi Syria không nhận được sự ủng hộ không chỉ trong hàng ngũ đối lập mà ngay cả những nhân vật thân tín nhất của ông. Trước hết, phải kể tới Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton - người cách đây không lâu đã từng tuyên bố rằng quân đội Mỹ sẽ không rời khỏi Syria cho tới khi các lực lượng vũ trang Iran - đồng minh chí cốt của Tổng thống Syria Bashar al-Assad còn ở lại đất nước này. Chính vì thế, một trong số các biện pháp cấm vận Iran sau khi ông Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 (JCPOA) với Teheran là buộc Iran phải rút quân khỏi Syria.

Do bị sốc trước quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đứng đầu Lầu Năm Góc, tướng James Mattis, đã viết một lá thư đầy tâm huyết gửi Donald Trump đề nghị ông tìm một bộ trưởng quốc phòng khác có cùng quan điểm với Nhà Trắng. Tướng James Mattis còn giải thích thêm rằng ông không thể tiếp tục phục vụ người đứng đầu Nhà Trắng không tôn trọng các đồng minh then chốt của Hoa Kỳ nhưng lại tỏ ra rất “hòa hiếu” với đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Mỹ là Nga. Truyền thông Mỹ coi quyết định từ chức của tướng James Mattis - một người can đảm và không ngại bày tỏ ý kiến của mình với tổng thống, là một “tai họa khủng khiếp” đối với các lợi ích của nước Mỹ.

Sau quyết định của tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã viết đơn xin từ chức.
 Sau quyết định của tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã viết đơn xin từ chức.

Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mike Pompeo và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng không ủng hộ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân khỏi Syria. Các nhân vật có ảnh hưởng tại Thượng viện Mỹ như thượng nghị sĩ Lindsay Graham và lãnh đạo đa số của Đảng Cộng hòa tại thượng viện Mitch McConnell đều gọi quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân Mỹ khỏi Syria là một “sai lầm khủng khiếp”. Đồng minh then chốt của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Trung Đông là Israel cũng tỏ ra bất mãn với quyết định của chủ nhân Nhà Trắng. Vì thế, hầu hết các phương tiện truyền thông của Mỹ có quan điểm tự do lẫn bảo thủ, đều phản đối quyết định của ông Donald Trump.

Vậy, ai là người cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân khỏi Syria là đúng?

Trong cuộc họp báo lớn cuối năm 2018, Tổng thống Nga V.Putin nhận định rằng, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân khỏi Syria là đúng theo nghĩa sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria là bất hợp pháp và không tuân theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chống khủng bố nên trước sau gì cũng phải rút đi. Theo nghị quyết này, bất cứ ai muốn chống khủng bố trên lãnh thổ một quốc gia khác nhất thiết phải được quốc gia đó cho phép. Trong khi đó, chỉ có Nga và Iran được Tổng thống Syria Bashar al-Assad mời đưa lực lượng quân sự tới đất nước ông để chống khủng bố, còn Mỹ thì không. Hơn nữa, hiện nay IS đã bị đánh bại thì Mỹ không còn bất kỳ lý do nào ở lại Syria. Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng đã từng nhiều lần đề nghị Mỹ rút quân khỏi đất nước ông.

Ngoài ra, các lực lượng thuộc phái chống can thiệp trong chính giới Mỹ và những người theo “chủ nghĩa hiện thực ôn hòa” cũng cho rằng quyết định của ông Donald Trump rút quân khỏi Syria là đúng. Lãnh đạo phái theo “chủ nghĩa hiện thực ôn hòa”, ông Patrick Buchanan, cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện đúng lời hứa khi tranh cử của mình và đặc biệt là cam kết của ông “sẽ đánh bại IS để đưa quân Mỹ rút khỏi Syria”.

Tuy nhiên, nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải rút quân khỏi Syria là chấp nhận sự thất bại của chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ sau Chiến Tranh Lạnh. Đương nhiên,  không một ai trong chính giới ở Hoa Kỳ công khai nói ra hay công nhận sự thật đó. Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump gián tiếp công nhận sự thất bại này thì quyết định của ông rút quân Mỹ ra khỏi Syria có ý nghĩa lịch sử tương tự như quyết định của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon rút quân khỏi Việt Nam.   

Nhìn lại chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ

Nhìn bề ngoài, cách giải thích hợp lý nhất về quyết định của ông Donald Trump rút quân khỏi Syria là do “Mỹ đã đánh bại IS”. Bởi từ năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định thành lập liên minh chống IS ở Syria gồm hơn 60 nước do Mỹ đứng đầu, thì nay muốn rút quân khỏi Syria chỉ có thể giải thích là “Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ đánh bại IS”.

Tuy nhiên, cách giải thích này chỉ là sự gián tiếp công nhận thất bại của học thuyết “lãnh đạo từ phía sau” của Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo đó Washington sử dụng “các lực lượng đối lập” mà nòng cốt là các tổ chức khủng bố để tiến hành cuộc chiến tranh địa chính trị sau Chiến Tranh Lạnh [1,2]. Trong đó, IS chính là sản phẩm mang nhãn hiệu “Made In USA”[3,4,5]. Tổ chức khủng bố al-Qaeda và IS là hai trong số các lực lượng xung kích được Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) sử dụng để tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu trong Đề án Đại Trung Đông.

Mỹ dùng vụ khủng bố 11.9 làm cái cớ để đưa quân vào Iraq, lật đổ chế độ của ông Saddam Hussein.
Mỹ dùng vụ khủng bố 11.9 làm cái cớ để đưa quân vào Iraq, lật đổ chế độ của ông Saddam Hussein. 

Trong Chiến Tranh Lạnh, CIA đã từng sử dụng các tổ chức khủng bố, trước hết là tổ chức khủng bố al-Qaeda, để tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại các lực lượng của Quân đội Liên Xô thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng của Afghanistan. Sau Chiến Tranh Lạnh, do không còn “nguy cơ” từ phía Liên Xô, CIA dựng lên cái gọi là “nguy cơ có tính toàn cầu từ chủ nghĩa khủng bố” để biện minh cho sự tồn tại và mở rộng Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm tiếp tục chống phá Nga, không  để cho Nga tồn tại như một cường quốc [6,7].

Thí dụ điển hình về việc CIA sử dụng khủng bố làm công cụ để thực hiện mục đích địa chính trị sau Chiến Tranh Lạnh là “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” do Mỹ và liên quân trong NATO tiến hành ở Afghanistan sau sự kiện 11.9.2001. Chỉ một ngày sau sự kiện này, trong khi chưa điều tra ai gây ra vụ khủng bố 11.9, Tổng thống Mỹ G.W.Bush đã ngay lập tức xác định tổ chức khủng bố al-Qaeda là thủ phạm trong sự kiện này và mượn cớ đó phát động “cuộc chiến tranh toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố” để tiêu diệt al-Qaeda - một tổ chức được CIA nuôi dưỡng và trang bị trong những năm 1980. Do đó, thực chất “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” là “cuộc thập tự chinh mới” sau Chiến Tranh Lạnh để thực hiện chiến lược Đại Trung Đông nhằm kiểm soát một vành đai địa chính trị giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt kéo dài từ Trung Á tới Bắc Phi - Trung Đông (vùng MENA) [8,9].

Đề án Đại Trung Đông (The Greater Middle East Project) được soạn thảo dưới thời Tổng thống G.W.Bush là một trong những nội dung của chiến lược xây dựng trật tự thế giới mới của Mỹ sau Chiến Tranh Lạnh nhằm đẩy Nga và Trung Quốc ra khỏi khu vực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với chiến lược toàn cầu của Washington. Để thực hiện Đề án Đại Trung Đông, Tổng thống Mỹ G.W.Bush đã phát động hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq nhằm sử dụng sức mạnh quân sự để thực hiện quá trinh “dân chủ hóa” các quốc gia ở khu vực này. Tuy nhiên, chủ trương này đã hoàn toàn thất bại [10-14].

Phong trào Mùa xuân Arab.
 Phong trào Mùa xuân Arab.

Do đó, sau khi lên cầm quyền vào năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama có sự điều chỉnh chiến lược, theo đó Mỹ sẽ không trực tiếp can thiệp quân sự mà chuyển sang sử dụng phương thức “chiến tranh ủy nhiệm”. Thực hiện sự điều chỉnh chiến lược này, trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Ai Cập sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: “Mỹ và thế giới Hồi giáo là bạn và chúng ta sẽ bắt đầu sự khởi đầu mới”[15].

Năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện sự “khởi đầu mới” đó bằng cách đưa Washington đứng đằng sau phát động phong trào “Mùa Xuân Arab”, trong đó họ sử dụng cái gọi là “các lực lượng đối lập ôn hòa” mà nòng cốt là các lực lượng Hồi giáo cực đoan và các tổ chức khủng bố, để lật đổ chính thể các nước trong khu vực, mở đầu từ Tunisia, sau đó đến Ai Cập, Libya và Syria [16-18].

Tổng thống Mỹ Barack Obama từng đánh giá “Mùa Xuân Arab” ở Bắc Phi - Trung Đông có ý nghĩa quan trọng tương tự như các biến động chính trị ở châu Âu đã từng dẫn tới sự tan rã hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và sẽ có tác động “vẽ lại bản đồ” khu vực địa chính trị cực kỳ quan trọng này.

Syria - chiến tuyến cạnh tranh chiến lược Mỹ-Nga

Trong làn sóng bạo loạn chính trị “Mùa Xuân Arab”, Syria là tâm điểm cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Nga. Đất nước này bắt đầu rơi vào vòng xoáy bạo lực từ ngày 15.03.2011, sau đó biến thành cuộc chiến tranh giữa một bên là lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad với bên kia là “các lực lượng đối lập ôn hòa” được Mỹ và các nước đồng minh của họ trong và ngoài khu vực Trung Đông ủng hộ toàn diện.

Trong cuộc chiến ở Syria, Mỹ và đồng minh sử dụng cái gọi là “các lực lượng đối lập” để tiến hành “cuộc chiến tranh qua tay người khác” nhằm loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, dựng lên chính quyền mới ở Damascus do Washington kiểm soát. “Lực lượng đối lập” được Mỹ và các đồng minh ủng hộ gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó đóng vai trò chủ yếu là hai tổ chức khủng bố thiện chiến nhất là al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông tự xưng, gọi tắt là ISIL (The Islamic State of Iraq and the Levant) [19,20].  

Tuy nhiên, khác với Tunisia, Egyt hay Libya, sau khi Liên Xô bị giải thể, Syria vẫn thiết lập quan hệ hợp tác kỹ thuật - quân sự với Nga. Từ năm 2010, hai bên ký thỏa thuận hợp tác, theo đó Nga sẽ cung cấp vũ khí phòng thủ cho Syria, trong đó có nhiều loại vũ khí hiện đại như tên lửa phòng không S-300. Được sự ủng hộ về chính trị và hợp tác về quân sự, Syria không chỉ đứng vững trước các cuộc tấn công khủng bố mà còn có khả năng đánh bại chúng [21,22].

Lính Mỹ và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.
 Lính Mỹ và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. 

Đứng trước nguy cơ “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” bị thất bại, tháng 8.2013 Mỹ dựng chuyện “Quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học” để  mượn cớ đó mở đợt không kích ồ ạt vào Syria. Để hóa giải nguy cơ này, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố sẽ hủy bỏ toàn bộ kho vũ khí hóa học của nước này dưới sự kiểm chứng của LHQ. Chấp nhận đề xuất này, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết về vũ khí hóa học của Syria, theo đó bất kỳ quốc gia nào muốn can thiệp quân sự vào Syria với cớ quốc gia này sử dụng vũ khí hóa học thì nhất thiết phải được phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau khi đã kiểm tra xác minh ai là thủ phạm [23,24]. 

Ngày 06.06.2014, ISIL bất ngờ mở cuộc tấn công ồ ạt trên lãnh thổ Syria và Iraq. Đến ngày 29.6.2014, ISIL tự tuyên bố thành lập cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”, gọi tắt là IS (Islamic State), đặt thủ đô ở thành phố Raqqah của Syria. Trước tháng 6.2014, báo chí Phương Tây ra sức tuyên truyền rằng ISIL là “những chiến sỹ đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Syria” [25-27]. Thế nhưng, từ ngày 29.06.2014, IS bỗng nhiên được bộ máy truyền thông Phương Tây dàn dựng thành tổ chức khủng bố “cực kỳ nguy hiểm”, còn Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố “IS là nguy cơ đối với an ninh quốc gia của Mỹ”. Mượn cớ đó, ngày 10.9.2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố thành lập liên minh quốc tế chống IS, theo đó Mỹ tiến hành không kích các mục tiêu của “khủng bố” trên lãnh thổ Syria và Iraq [28].

Trên thực tế, mượn cớ “chống IS”, liên quân do Mỹ chỉ huy đã tấn công tàn phá hạ tầng cơ sở kinh tế và quân sự của Syria, tạo điều kiện cho “các lực lượng đối lập” giành lại ưu thế trên chiến trường. Sau hơn 1 năm Mỹ đứng đầu liên quân tiến hành “chống khủng bố” ở Syria, các lực lượng khủng bố từ trong tình cảnh sắp bị Quân đội Syria đánh bại đã củng cố và phát triển về lực lượng và kiểm soát ngày càng nhiều lãnh thổ, đe dọa sự tồn vong của chính thể của Tổng thống Bashar al-Assad.  

(còn tiếp)

Tài liệu tham khảo

[1]https://iberiana2.wordpress.com/v-mire/shapiro/

[2]https://studme.org/154101045865/politologiya/borba_terrorizmom_kak_geopoliticheskaya_strategiya_kontrolya_nad_prostranstvom

[3]http://politi.site/2014/06/22/isis-isil-made-usa-cia/

[4]https://www.thedailybeast.com/americas-allies-are-funding-isis

[5]https://newsland.com/community/politic/content/ssha-i-izrail-roditeli-terrorizma-na-blizhnem-vostoke/6338920

[6]https://archive.org/details/pdfy-cJFgKNCmJiUKmCF_

[7]https://www.amazon.com/Full-Spectrum-Dominance-Totalitarian-Democracy/dp/398132630X

[8]http://www.globalresearch.ca/the-moral-decoding-of-9-11-beyond-the-u-s-criminal-state-the-grand-plan-for-a-new-world-order/5323300

[9]http://viettimes.vn/lieu-tong-thong-trump-co-hop-tac-voi-nga-trong-cuoc-chien-chong-khung-bo-o-syria-122082.html

[10]https://www.globalresearch.ca/plans-for-redrawing-the-middle-east-the-project-for-a-new-middle-east/3882

[11]http://www.behindthenews.co.za/2018/04/11/the-greater-middle-east-project/

[12]https://www.brookings.edu/research/the-new-u-s-proposal-for-a-greater-middle-east-initiative-an-evaluation/

[13]The Greater  Middle East Intiative: Regime Chane, Neoliberalism And US Glabal Hegemony. https://www.google.com/search?source=hp&ei=6ZYhXLLwDo3l-AbxuazADw&q=Greater+Middle+East+Project+In+USA+Global+Strategy&btnK=T%C[16] The Arab Spring: Made in the USA. https://dissidentvoice.org/2015/10/the-arab-spring-made-in-the-usa/

[14] https://anarchitext.wordpress.com/2011/03/29/gme/

[15]Obama’s Speech in Cairo. https://www.nytimes.com/2009/06/04/us/politics/04obama.text.html

[16]https://dissidentvoice.org/2015/10/the-arab-spring-made-in-the-usa/

[17]https://www.nytimes.com/2011/04/15/world/15aid.html

[18] https://dailynewsegypt.com/2012/02/15/americas-role-in-the-arab-spring/

[19]https://www.redstate.com/streiff/2014/09/16/obama-uses-war-isis-overthrow-syrias-assad/

[20]https://www.zerohedge.com/news/2015-05-23/secret-pentagon-report-reveals-us-created-isis-tool-overthrow-syrias-president-assad

[21]http://docs.cntd.ru/document/420329053

[22]https://www.sott.net/article/301245-Syrias-Bashar-al-Assad-Why-the-Anglo-American-Axis-cannot-overthrow-his-government

[23]https://www.neweurope.eu/article/un-security-council-agrees-draft-resolution-syrias-chemical-weapons/

[24]http://sanktpeterburg.bezformata.com/listnews/oon-prinyal-rezolyutciyu-po-sirijskomu/14404195/

[25]https://www.snopes.com/fact-check/john-mccain-meets-isis-leader/

[25]https://www.activistpost.com/2017/02/mccain-illegally-travels-syria-meets-leaders-fighting-groups.html

[27]https://www.globalresearch.ca/truth-revealed-mccains-moderate-rebels-in-syria-are-isis/5426535

[28]https://ria.ru/20151002/1295279757.html