Ông Cung nói tại Hội nghị quốc tế bàn về cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam được tổ chức sáng 15/3 tại Hà Nội: “Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn. Thủ tướng, Phó Thủ tướng “nóng”, nhưng một số Bộ trưởng vẫn còn “lạnh”. Nhiều chủ tịch tỉnh, thành phố còn chưa “nóng”. Bộ trưởng “nóng” nhưng nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng chưa “nóng”, các chuyên viên còn “lạnh”, thậm chí rất “lạnh”.
Kể từ khi có Nghị quyết 19 lần đầu tiên năm 2014, thứ hạng môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, trong đó năm 2017 tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên vị trí 68). Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực. Tốc độ triển khai thực hiện chưa đồng đều, một số nơi thực hiện còn rất chậm.
Trước tình hình này, chuyên gia Phạm Chi Lan đề nghị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương Nhà nước.
Bà nói: “Không chờ thể các Bộ, không thể chờ đợi công chức nóng lên trong khi họ đang lạnh tanh. Phải tăng kỷ cương Nhà nước, có biện pháp kỷ luật ngay người không làm”.
“Không có lý do gì mà người dân phải nộp thuế nuôi những người trong bộ máy cứ ngồi đó mà không chuyển động gây cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp, của đất nước”, bà Lan nhấn mạnh.
Bà Lan đề nghị cách làm mới, là Chính phủ đưa ra các danh mục điều kiện kinh doanh còn lại, kèm theo tiến độ thực hiện, nếu các bộ không cắt theo yêu cầu và kéo dài thời gian thì Thủ tướng cho cắt luôn, chứ không chờ đợi.
Bà nói: “Trên nóng như vậy thì dưới mới nóng. Công chức không làm được tức là họ không làm tròn nhiệm vụ, không đáp ứng được về năng lực, đạo đức và cần được đưa ra khỏi hệ thống”.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh nhắn nhủ mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách: “Khi ra chính sách liệu họ có lập tức tự hỏi, chính sách này sẽ làm khó hơn hay dễ hơn cho doanh nghiệp, khó hơn thì khó cỡ nào?”
Bà Hạnh đề nghị, phải giám sát chính sách và các chỉ đạo mà Chính phủ đã công bố. “Phải định rõ thời hạn phải hoàn thành và cần có chế tài, nên chỉ đạo truyền thông tham gia giám sát việc thực hiện”, bà nói.
Theo ông Cung, Nghị quyết 19 sau 4 năm ban hành đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, nhiều chỉ số cải thiện vượt bậc như chỉ số về nộp thuế, tiếp cận điện năng, bảo hiểm xã hội, bảo vệ nhà đầu tư. Tuy nhiên, có những chỉ số gần như không thay đổi trong 4 năm là đăng ký kinh doanh, thực thi hợp đồng, phá sản doanh nghiệp, sở hữu tài sản.
Dự thảo nghị quyết 19 năm 2018 đặt ra những mục tiêu rất cao
A. Tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể là:
a) Khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; bãi bỏ thủ tục Thông báo mẫu con dấu, thủ tục đăng ký tài khoản ngân hàng với Cơ quan đăng ký kinh doanh; thực hiện cơ chế “một cửa” trong đăng ký lao động và BHXH; rút ngắn thời gian doanh nghiệp mua hóa đơn VAT hoặc tự in hóa đơn xuống dưới 4 ngày.
b) Cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng thêm 10 bậc; chỉ số phá sản doanh nghiệp thêm 10 bậc.
B. Hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất1/3-1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thu hẹp Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư.
C. Giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 26%hiện nay xuống còn dưới 10%.
D. Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến để đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.
E. Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch để du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics để tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Cụ thể là:
a) Cải thiện năng lực cạnh tranh ngành du lịch thêm khoảng 10 bậc (hiện ở thứ hạng 67);
b) Từng bước giảm chi phí logistics trong nền kinh tế xuống mức bằng khoảng 18% GDP (hiện hơn 20% GDP);cải thiện Chỉ số Hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 64).