Cần xác định yếu tố nhân tai

Những thiệt hại hôm nay với người dân Việt Nam ở hạ nguồn Mêkông cho thấy an ninh lương thực của Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an sinh sẽ rất lớn lao bởi cảnh báo đã có từ sớm nhưng sự đấu tranh, ứng phó xem ra vẫn mang tính bị động.

Ảnh: Nguyễn Huệ Nghi
Ảnh: Nguyễn Huệ Nghi

Câu chuyện hạn - mặn mà người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang gánh chịu là kịch bản đã được nhìn thấy từ trước với những ai quan tâm đến biến đổi khí hậu. Thứ nữa, đó cũng là một hậu quả không thể tránh khỏi từ việc xây đập thủy điện của các nước nằm ở khu vực thượng nguồn: Trung Quốc, Lào khiến dòng Mêkông nghẽn mạch, lưu lượng nước ngọt không đủ để đẩy mặn.

Sự tổn hại về kinh tế mà người dân hạ nguồn dòng Mêkông đang gánh chịu là rất lớn, nó không chỉ dừng lại ở sự mất trắng vụ lúa đông xuân trong trận hạn - mặn lịch sử lần này, càng không dừng lại ở những vườn cây ăn trái vốn trù phú nay đã trở thành tan hoang xơ xác mà còn làm xáo trộn đời sống, sinh kế của người dân tưởng đã ổn định lâu đời và dự báo sẽ còn tái diễn trong tương lai, với mức độ khốc liệt ngày càng tăng.

Ngay giữa búng nước miền Tây, những ngày tháng này các giếng khoan cạn kiệt nước ngọt. Nơi có nước thì nguồn nước bị nhiễm vì bấy lâu người dân lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Ô nhiễm cộng với hạn, mặn khiến người nông dân kiệt quệ.

Tính đến cuối tháng 2-2016 đã có 6 trên 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam công bố tình trạng thiên tai hạn - mặn. Dĩ nhiên, việc công bố tình trạng thiên tai của các địa phương là cần thiết để chính sách hỗ trợ nhanh chóng đến với người dân. Nhưng rồi đây cuộc sống người dân ở các tỉnh có công bố thiên tai hạn - mặn liệu có ổn định bền vững hay không bằng việc trông chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước? Chắc chắn là không. Và không có nguồn ngân sách nào đủ lớn để bảo trợ cho dân khi mà một vùng cung ứng lương thực lớn - vựa lương thực quốc gia - trở thành một nơi có nguy cơ đói nghèo cao.

Mặt khác, việc công bố thiên tai của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ phản ánh một mặt của nguyên nhân thực trạng; cách nói cho rằng hiện tượng El Niño gây ra hạn - mặn dễ làm người ta xao nhãng về những nguyên nhân trực tiếp do con người - cụ thể là việc khai thác thủy điện của các quốc gia thượng nguồn Mêkông gây ra. Từ đó, hình ảnh, tiếng nói thực tế không có sức tố cáo để cộng đồng quốc tế quan tâm hơn trong việc gây áp lực nhằm chấn chỉnh chính sách phát triển đúng đắn của những quốc gia liên đới.

Cần nhắc lại câu chuyện tiếng nói của những nhà bảo vệ môi trường quốc tế xem ra đã bị coi thường ra sao trước chính sách tận thu tài nguyên, coi rẻ sự phát triển bền vững. Cụ thể ở đây, Ủy ban Mêkông (Mekong River Commission) bất lực trước ứng xử hoang dã trong các dự án khai thác thủy điện của các quốc gia thượng nguồn (Trung Quốc, Lào) để nhìn rõ bản chất vấn đề là điều tối quan trọng gióng lên tiếng chuông ứng cứu môi trường (dù biết, “ứng cứu” lúc này đã là một khái niệm viển vông).

Còn nhớ, trong cuộc họp hồi tháng 4-2014 tại TPHCM, các chuyên gia từ Ủy ban Mêkông nhiều lần đặt ra các câu hỏi thẳng thừng đại loại như: Làm sao để Trung Quốc tham gia vào Ủy ban Mêkông để có thể bàn đến vấn đề ứng xử văn minh với dòng sông để bảo vệ môi trường và hài hòa lợi ích với các quốc gia khác trong khai thác tài nguyên? Liệu Trung Quốc có muốn nghĩ tới chuyện ngồi vào bàn bạc vì mục tiêu môi trường hay không? Những câu hỏi cay đắng đó cho đến nay vẫn chưa có lời đáp.

Những thiệt hại hôm nay với người dân Việt Nam ở hạ nguồn Mêkông cho thấy an ninh lương thực của Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an sinh sẽ rất lớn lao bởi cảnh báo đã có từ sớm nhưng sự đấu tranh, ứng phó xem ra vẫn mang tính bị động. Sự thích ứng và đề ra được những giải pháp sinh kế cho dân vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, thực tế nhãn tiền đang minh chứng cho thuyết âm mưu, rằng Trung Quốc, ngoài việc tàn phá môi trường phục vụ cho phát triển, còn biến dòng Mêkông thành một vũ khí đánh vào an ninh lương thực những nước láng giềng - là ngày càng có cơ sở.

Sự bế tắc trong việc chia sẻ quan điểm phát triển của các quốc gia có dòng Mêkông (Trung Quốc gọi là Lan Thương) đi qua sẽ kéo theo những mối đe dọa lớn cho môi trường tương lai, biến vùng hạ lưu dòng sông này thành khu vực dễ bị tổn thương và làm bần cùng hóa những người dân vô tội, gây nên những xáo trộn khó lường cho khu vực.

Theo TBKTSG