Trước hết, xin bà cho biết về những thuận lợi và khó khăn của công tác đối ngoại nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
-Đối ngoại nhân dân là một bộ phận cấu thành của đối ngoại Việt Nam cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đối ngoại nhân dân luôn được đặc biệt coi trọng.
Trong bối cảnh hiện nay, đối ngoại nhân dân có nhiều thuận lợi.
Trước hết, đối ngoại nhân dân của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt những nền móng đầu tiên và luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Cũng hiếm có nơi nào mà vị trí, vai trò của đối ngoại nhân dân lại được xác lập và khẳng định bằng nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng và quyết định của Chính phủ như ở Việt Nam chúng ta. Đối ngoại nhân dân của chúng ta có các cơ quan chuyên trách là các liên hiệp hữu nghị từ trung ương đến địa phương cùng các hội hữu nghị với nhiều nước, với nhiều lực lượng cùng tham gia, đó là thuận lợi rất lớn.
Các cựu chiến binh cùng nhân dân Mỹ xuống đường biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
|
Thứ hai, chúng ta được kế thừa truyền thống, nghệ thuật đối ngoại nhân dân của ông cha ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Thứ ba là chúng ta được bạn bè quốc tế rất tin tưởng và yêu mến bởi thành tựu của Việt Nam trong xây dựng đất nước hiện nay và đặc biệt là cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, vì hòa bình ở Việt Nam và trên thế giới.
Vây, còn những thách thức, thưa bà?
-Còn về thách thức, đầu tiên phải nói đến bối cảnh của tình hình quốc tế đã rất khác với trước đây. Chủ nghĩa dân túy, đơn phương, bảo hộ, dân tộc cực đoan, tranh chấp biển đảo, lãnh thổ, các vấn đề an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống nổi lên rất gay gắt… Các nước đều rất đề cao lợi ích dân tộc. Tập hợp lực lượng cũng rất khác trước. Những yếu tố này tác động rất mạnh đến phong trào nhân dân thế giới nói chung cũng như những phong trào tiến bộ vì dân sinh, dân chủ, vì hòa bình, ổn định, hợp tác. Đây là những thách thức mới đối với chúng ta trong việc huy động sự ủng hộ của nhân dân thế giới.
Trong bạn bè quốc tế của Việt Nam cũng cần có sự thay đổi, chuyển giao thế hệ. “Thế hệ Việt Nam” của những người bạn thân thiết, rất hiểu, yêu mến và ủng hộ Việt Nam suốt từ những năm tháng chiến tranh thì nay tuổi đã cao, trong khi giới trẻ ở các nước hiểu biết về chúng ta cũng còn hạn chế. Yêu cầu đặt ra hiện nay là chúng ta phải làm bạn bè quốc tế hiểu biết về Việt Nam nhiều hơn.
Đó là về khách quan, còn chủ quan thì nguồn lực vật chất và con người trong đối ngoại nhân dân cũng có những hạn chế nhất định. Những nhà ngoại giao nhân dân giàu kinh nghiệm, tâm huyết thuộc thế hệ cha anh chúng ta nay cũng không còn nhiều. Chúng ta cần có thêm nhiều người trẻ cùng tham gia đối ngoại nhân dân. Cách tiếp cận của thế hệ trẻ hiện nay với đối ngoại nhân dân cũng có nhiều điểm rất mới và vấn đề là phải làm sao định hướng để thế hệ trẻ có thể kế tục được truyền thống của cha anh, tiếp tục tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới với Việt Nam trong bối cảnh mới.
Ngày 28/11/2019, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga tiếp Thư ký Thường trực - Tiến sĩ Bahman Azad và thành viên Thư ký - Tiến sĩ Ajamu Baraka thuộc Hội đồng Hòa bình Mỹ đang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 27/11-30/11/2019. |
Bà vừa đề cập đến thế hệ trẻ. Các cộng đồng du học sinh và cựu du học sinh chính là họ. Bà nghĩ gì về vai trò, vị thế của các cộng đồng này với hoạt động đối ngoại nhân dân?
-Các cộng đồng du học sinh và cựu du học sinh là những sứ giả của Việt Nam với thế giới, đồng thời cũng là những cầu nối rất quan trọng, kết nối Việt Nam với thế giới. Chúng tôi nghĩ, những du học sinh Việt Nam dù đang sống ở nước ngoài hay đã trở về nước đều có vai trò rất quan trọng trong đối ngoại nhân dân.
Trong thời gian tới, theo tôi, một trong những trọng tâm của công tác đối ngoại nhân dân chính là phải nhắm tới những nguồn lực rất to lớn này. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải thông tin rộng rãi hơn về các hoạt động đối ngoại nhân dân tới các bạn trẻ. Bên cạnh đó, bản thân các hội hữu nghị phải tích cực, chủ động có các hoạt động hướng tới lớp trẻ, tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia, đóng góp các ý tưởng sáng tạo cho hoạt động chung. Chính các du học sinh và cựu du học sinh sẽ là những người kết nối với giới trẻ của các nước để tạo nên những “thế hệ Việt Nam mới" trong lòng bạn bè quốc tế.
Theo các thông tin được nhiều báo chí phản ánh. Hiện tại ở Việt Nam có một cộng đồng khá đông đảo người nước ngoài đang sinh sống và làm việc với con số khoảng 400.000 người. Bà nghĩ gì về họ từ góc nhìn của đối ngoại nhân dân?
-Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước ta thì số lượng người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ngày càng gia tăng. Đây cũng là kênh thông tin giúp chuyển tải những thông điệp khách quan và chính xác về Việt Nam ra thế giới
Từ nhiều năm nay, chúng ta đã quan tâm đến người nước ngoài ở Việt Nam. Nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân, thiện nguyện được tổ chức với sự tham gia chủ động, tích cực của bạn bè quốc tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn những hoạt động đó mới chỉ hạn chế trong phạm vi hẹp của đoàn ngoại giao, sinh viên nước ngoài, giới doanh nhân nước ngoài…
Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục quan tâm tiếp cận nhiều hơn nữa đến những người bạn này với nhiều hình thức phong phú và sáng tạo hơn. Với phương châm Chủ động – Linh hoạt – Sáng tạo – Hiệu quả, công tác đối ngoại nhân dân cần nỗ lực huy động được sự đóng góp của mọi lực lượng xã hội, không riêng gì Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và các hội hữu nghị, để tổ chức được nhiều hoạt động với các bè bạn quốc tế đang ở ngay trên đất nước chúng ta.
Không ít bạn bè nước ngoài rất yêu thích tiếng Việt và thậm chí rất am hiểu vể văn hóa Việt Nam của chúng ta. Chúng ta cần có thêm nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút sự tham gia của bạn bè quốc tế, tạo cơ hội để họ thể hiện sự hiểu biết và tình cảm của mình đối với đất nước, con người, ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam, qua đó quảng bá, giới thiệu Việt Nam ra thế giới.
Xin cám ơn bà và xin chúc Đại hội VI Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thành công tốt đẹp!