Ngay sau vụ cháy xảy ra chưa đầy một ngày, vào chiều 29/8, UBND phường Hạ Đình đã phát hành thông báo hướng dẫn người dân xử lý môi trường, chống ô nhiễm, bảo đảm an toàn sức khỏe.
Theo nhiều chuyên gia, việc khuyến nghị của phường Hạ Đình là cần thiết, đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của sự việc. Ông Nguyễn Văn Sang, công dân sinh sống gần nơi xảy ra vụ cháy cho rằng, khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình với người dân trong sự việc này là kịp thời, là thể hiện trách nhiệm lo cho dân, đúng với bổn phận và chức năng. Theo ông Sang, để tránh mức độ ô nhiễm, vợ chồng ông đã đóng cửa nhà và về quê mẫy ngày vừa qua.
Một góc nhà xưởng Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông bị sập sau vụ cháy |
Tuy nhiên, chỉ sau 24h ra đời, thông báo này đã bị UBND quận Thanh Xuân “tuýt còi” và thu hồi vào chiều 30/8 với lý do “văn bản này được ban hành không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở”. Đây là điều chưa từng xảy ra ở địa phương này.
Tiếp đó, vào chiều muộn ngày 31/8, Đài Truyền hình Hà Nội phát đi thông điệp, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông báo kết quả phân tích môi trường không khí 5 vị trí quanh khu vực xảy ra đám cháy, cho thấy các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép.
Chỉ có thông số SO2 tại vị trí điểm giáp cổng Công ty Bóng Động Lực, giáp khu dân cư ngõ 342 Khương Đình là 357µg/m3, vượt 1,02 lần so với quy chuẩn; điểm trước cửa số nhà 81 ngõ 342 Khương Đình, giáp khu vực cháy là 352µg/m3, vượt 1,0057 lần so với quy chuẩn.
Tuy nhiên, điều khiến người dân nghi ngờ vì kết quả này không hề được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Trong khi đó, phát biểu với công chúng, đại diện quận Thanh Xuân khẳng định, khoảng 4 ngày tới sẽ có kết quả. Lúc đó, ô nhiễm hay không, ảnh hưởng tới người dân ra sao, quận sẽ có thông báo.
Điều lạ lùng nhất lại nằm ở việc, ngày 31/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra thông báo khuyến cáo người dân với nội dung giống với nội dung văn bản của UBND phường Hạ Đình. Nhưng Bộ này lại không khẳng định tình trạng ô nhiễm từ chất nguy hại như thủy ngân, lưu huỳnh sau vụ cháy.
Trước vụ cháy có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông ban hành thông cáo khẳng định, Công ty đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam (một loại chất thường được sử dụng để hàn, có chứa dung dịch thủy ngân) thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016.
Công ty cũng cho biết, các vật tư - nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn đều an toàn với sức khỏe con người kể cả khi cháy.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chất amalga này vẫn có 50% thành phần thủy ngân và khi bị nung nóng, khí này vẫn thoát ra môi trường bên ngoài.
Không chỉ đau đầu vì nhiều “thông báo” của nhiều cấp, ngành "vênh" nhau, người dân còn hoang mang hơn trước những tuyên bố mỗi nơi một kiểu của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học về hậu quả vụ cháy.
Có nhà khoa học khẳng định, việc dùng amalgam thay cho thủy ngân lỏng chỉ đỡ ảnh hưởng sức khỏe khi bóng đèn bị vỡ trong trạng thái nguội, còn khi đang sáng, hợp kim này nóng sẽ bay hơi thành bụi vào không khí và trở thành bụi kim loại nặng khi nguội đi. Mỗi bóng đèn chứa chừng 4mg thủy ngân.
Như vậy, với số lượng bóng đèn đã cháy thì sẽ có khoảng 16kg thủy ngân cùng kim loại rơi xuống hòa cùng bụi đường và sẽ bay lên sau khi khô.
Trong khi đó, sau sự cố xảy ra, đại diện Trung tâm Chống độc-Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra khuyến cáo: Những người trực tiếp tham gia trong thời điểm xảy ra đám cháy như công nhân nhà máy, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nhà báo tiếp xúc với đám cháy...; những người sống gần khu vực xảy ra cháy có biểu hiện như đau ngực, nôn, tiêu chảy hoặc các triệu chứng khác, nhưng kết quả xét nghiệm chưa thấy có bị ngộ độc
Có thể thấy là, sự cố cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã diễn ra gần một tuần, nhưng các cơ quan và chính quyền địa phương vẫn loay hoay để đưa ra được một kết luận chính xác.
Điều này cho thấy trình độ, năng lực chuyên môn của lực lượng chức năng đang tồn tại nhiều “lỗ hổng” cần phải lấp đầy. Một trong những vấn đề dư luận quan tâm trong sự việc này là “lỗ hổng” về sự trung thực của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trước sinh mạng, đời sống của người dân đang ở mức độ nào?
Trong khi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn đang “tìm kết quả”, thì người dân ở Hà Nội và vùng tâm cũng như ven đám cháy vẫn phải sống, phải hít thở không khí và sử dụng nguồn nước.
Với những thông báo, phát ngôn tiền hậu bất nhất như trên, rõ ràng người dân phải tự tìm cho mình phương án bảo vệ sức khỏe tối ưu trước khi quá muộn.