Mạng di động toàn cầu GSM thông thường chưa đủ đáp ứng nhu cầu liên lạc tại Việt Nam, cần đến sự hỗ trợ từ di động vệ tinh.
Nhu cầu thông suốt liên lạc mọi vùng miền
9 tháng đầu năm nay, thiên tai trên biển liên tiếp diễn ra với 640 vụ và 3.187 người gặp tai nạn. Năm 2015 đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn trên biển, làm chết và mất tích 352 người; chìm, hỏng 517 phương tiện (tăng 11,14% so với năm 2014), gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trước thực trạng đó, để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống lũ lụt cũng như kiểm tra giám sát vùng biển...thực hiện tốt, rất cần một đường sóng liên lạc thông suốt.
Hiện nay việc liên lạc qua di động đa số sử dụng công nghệ GSM (mạng di động toàn cầu). Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của GSM là hạn chế địa lý, chỉ phủ sóng khoảng 50-70% đất nước. Do vậy việc trao đổi thông tin giữa vùng trung tâm và hải đảo, biên giới, vùng không có sóng di động... rất khó khăn.Thêm nữa, chất lượng GSM phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như băng tần, môi trường truyền dẫn, vùng phủ, thiết bị cầm tay…
Vì thế, cần phát triển di động vệ tinh, vốn là công nghệ khắc phục điểm yếu của mạng di động truyền thống. Di động vệ tinh có thể mở rộng liên lạc trên phạm vi toàn quốc, kể cả vùng biên giới, biển đảo. Chất lượng truyền tin không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nên hữu dụng trong nhiều điều kiện sử dụng.
Nhà mạng vào cuộc
Trước nhu cầu thị trường, dịch vụ di động vệ tinh được nhiều nhà mạng trong nước “để mắt”. Động thái chào sân sớm nhất đến từ VinaPhone với VinaPhone-S – dịch vụ di động vệ tinh phủ sóng 100% lãnh thổ Việt Nam và 140 quốc gia trên thế giới. Theo nhà mạng cam kết, việc liên lạc của người dùng sẽ không giới hạn không gian, khoảng cách, cơ sở hạ tầng, thời tiết hay địa lý.
Ông Phạm Đức Long, TGĐ Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam cho biết: “VinaPhone-S là công nghệ đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội. Dịch vụ di động vệ tinh ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng của nhà mạng VinaPhone, chính thức phủ sóng 100% lãnh thổ Việt Nam, không còn điểm đen về liên lạc”.
Sau 3 tháng ra mắt, thuê bao chủ yếu của dịch vụ là các doanh nghiệp khai khoáng (dầu khí, địa chất...), du lịch, kiểm lâm, biên phòng, vận tải tiển, cục Thủy sản, ngư dân, chủ tàu... Theo thống kê của nhà mạng, có gần 51.000 doanh nghiệp cần trang bị phương thức liên lạc này để phục vụ hoạt động. Tần suất dao động từ 3 đến 20 ngày mỗi tháng, tùy theo nhu cầu cũng như đặc trưng nghề nghiệp.
Với nhóm cơ quan Nhà nước, VinaPhone-S là một công cụ hỗ trợ quản lý, giám sát cho lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư, hải cảnh. Những đơn vị này có thể hỗ trợ người dân tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhất là trong trường hợp thiên tai, cứu hộ cứu nạn.
Trong mảng sản xuất kinh doanh, di động vệ tinh đảm bảo thông tin liên lạc xuyên suốt cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, ngư nghiệp, vận tải quốc tế, xây dựng, du lịch.
Phương thức liên lạc này còn phù hợp cho cá nhân thường xuyên di chuyển, làm việc tại vùng không có sóng di động như ngư dân, cán bộ giàn khoan, cán bộ kiểm lâm, lực lượng tuần tra duyên hải…
Hầu hết người dùng đưa ra phản hồi tốt, cho rằng di động vệ tinh VinaPhone-S khá cạnh tranh với vài dịch vụ tương tự khi nhà mạng chủ động cung cấp trọn bộ thiết bị, gói cước và mức giá hợp lý.
Sau thời gian triển khai dịch vụ trả sau, sắp tới VinaPhone sẽ cung cấp gói trả trước và các gói cước ưu đãi phù hợp cho nhiều đối tượng, giúp người dùng tối ưu chi phí.
Theo ICT News