|
TS Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch CLB Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam |
Xin ông chia sẻ đôi điều về sự phát triển của phần mềm nguồn mở ở Việt Nam, nhất là từ khi VFOSSA ra đời?
Nếu nói về lịch sử thì phần mềm nguồn mở (PMNM) ở Việt Nam đã có từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước với mốc đầu tiên là hội thảo quốc gia PMNM lần thứ nhất tháng 12 năm 2000. Ngay từ lúc đó, đã có những nhóm PMNM phát triển hệ điều hành Linux Việt của Vietkey, School Net, CMC… Và sự phát triển của PMNM cũng có những sự thăng trầm qua nhiều giai đoạn. Những năm 2004 - 2005 thì tưởng như đã đến lúc cả nước làm PMNM với Quyết định 235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/03/2004 phê duyệt Dự án tổng thể “Ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt nam giai đoạn 2004-2008”. Tuy nhiên, mọi việc không thể như mong muốn vì nhà nước thực ra cũng không có tiền và nhận thức về PMNM ở Việt Nam khi đó cũng chưa đủ độ chín.
Còn về cộng đồng thì nhóm Hanoi LUG (Linux User Group) cũng đã hình thành từ 2004 với hạt nhân là Viện Tin học Pháp ngữ (IFI) mà nay là Viện Quốc tế Pháp ngữ. Sau đó, nhiều công ty cũng hoạt động tích cực như iWAY, VINADES, Vietsoftware, Netnam, iNet Solutions… rồi cả những cộng đồng trong TPHCM.
Nhiều sự kiện về PMNM đã được chính những người trong cuộc tổ chức nhưng về cơ bản là mang tính tự phát. Mọi người đến với nhau hoàn toàn chỉ là vì đam mê chứ chưa thành mô hình hoạt động rõ ràng. Về phía Nhà nước, tiếp theo Hội thảo quốc gia PMNM lẫn thứ nhất, một chuỗi các Hội thảo quốc gia về PMNM 2 năm một lần trong thời gian đầu được Bộ Khoa học Công nghệ, sau đó là Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức đã diến ra và nhận được sự quan tâm hưởng ứng của nhiều DN và chuyên gia PMNM trong và ngoài nước.
Sau một số năm, những người tâm huyết với PMNM thấy phải tổ chức lại mô hình hoạt động và Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) đã ra đời năm 2012 với tư cách là một CLB thuộc Hội Tin học Việt Nam. Lúc đầu, VFOSSA chỉ có khoảng 40 hội viên cá nhân với 7 hội viên tập thể là người sáng lập. Hiện tại, VFOSSA có trên 50 hội viên tập thể là doanh nghiệp và 5-6 hội viên là các trường, khoa CNTT cùng một số hội viên cá nhân.
Tuy nhiên, đó là về hội viên trực tiếp của VFOSSA. Còn nếu kể đến các cộng đồng PMNM thì số lượng thành viên viên lại rất lớn. Đơn cử như cộng đồng NukeViet hiện có khoảng 60.000 thành viên. Hay Viet OpenInfra tuy mới ra đời được 5 năm cũng đã có vài ngàn thành viên… Một số cộng đồng khác được VFOSSA bảo trợ như OpenCPS (Open Core Public Services), IOCV (IoT Open Community of Vietnam) quy tụ được vài chục doanh nghiệp xung quanh phần mềm/chủ đề chung tuy mới ra đời trong 3 năm gần đây song đã có những đóng góp đáng kể trong việc ứng dụng PMNM tại Việt Nam.
|
Các thành viên lãnh đạo VFOSSA trong phần giao lưu tại một hội thảo về phần mềm nguồn mở được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuối năm 2017
|
Ông nghĩ gì về những chính sách cần thiết cho phát triển PMNM?
Có thể nói, cộng đồng ứng dụng và phát triển PMNM Việt Nam là rất tiềm năng nhưng đáng tiếc là cho đến nay, nhà nước chưa có chiến lược về PMNM. Đây là thực tế mà chúng ta đang thua kém nhiều nước. PMNM rất cần có cơ sở pháp lý để hoạt động vì nó có những đặc thù riêng so với PM thương mại độc quyền mà chúng ta vẫn quen dùng.
PMNM khác với phần mềm nguồn đóng ở chỗ là không bán licence (giấy phép sử dụng) mà là bán dịch vụ. Mà dịch vụ là đi liền với công sức lao động mà doanh nghiệp phải bỏ ra để triển khai, tùy biến và bảo trì sản phẩm nên không thể miễn phí, đã làm thì phải có tiền.
Nói là nhà nước chưa quan tâm đến PMNM thì không đúng, nhưng sự quan tâm mới chỉ ở mức là Bộ Thông tin và Truyền thông ra thông tư khuyến cáo về sử dụng PMNM hoặc trong một số văn bản chính sách có đề cập đến ứng dụng PMNM. Chưa có chính sách khuyến khích phát huy nội lực của các DN để làm chủ công nghệ, chưa có biểu giá dịch vụ CNTT hợp lý để dịch vụ dựa trên PMNM có thể phát triển và đem lại lợi ích cho Nhà nước và nền kinh tế. Theo tôi, Chính phủ cần có hẳn một chiến lược về nguồn mở chứ không chỉ riêng về PMNM.
Còn tại sao lại nói đến nguồn mở chứ không phải PMNM? Lịch sử của nguồn mở bắt đầu từ năm 1984, khi một chuyên gia CNTT tại MIT là Richard Stallman đưa ra tư tưởng về phần mềm tự do. Theo đó, mọi người sử dụng phần mềm tự do (PMTD) có thể được phép tự do sử dụng, nghiên cứu, chia sẻ, thay đổi, thích nghi phần mềm trong mọi công việc và cuộc sống. PMTD đề cao triết lý tự do cho sự phát triển và phổ biến phần mềm như một quyền cơ bản cho người sử dụng phần mềm. Sự miễn phí và mã nguồn mở chỉ là hệ quả của quyền tự do này.
PMNM, chính xác phải gọi là PMTDNM (Free and Open Source Software – FOSS), là một sự phát triển mở rộng của PMTD mang tính thực dụng hơn là về triết lý. PMNM nhấn mạnh chất lượng PMNM phải là chất lượng cao và miễn phí; mã nguồn của PM phải được tự do chia sẻ và người sử dụng được quyền cải tiến. Tư tưởng tự do chia sẻ để phát triển của PMNM đã nhanh chóng được lan ra các lĩnh vực khác như tài liệu, dữ liệu, âm nhạc, nghệ thuật, phần cứng…
Nguồn mở ở đây thể hiện tư tưởng chia sẻ, không giấu giếm bí quyết. Về nghĩa vụ của người sử dụng lại thì chỉ cần ghi công tác giả gốc. Ví như tài liệu khi dùng thì phải trích dẫn, tôn trọng người có công sáng tạo trước đó. Nguồn mở không phải là cho không mà là cho có điều kiện và phải tôn trọng sở hữu trí tuệ nhưng được quyền tự do sử dụng, tự do cho người khác sao chép. Như vậy, PMNM được cung cấp miễn phí nhưng nhà cung cấp sẽ sống bằng việc cung cấp dịch vụ.
Xin ông cho biết đôi điều phát triển PMNM trong giáo dục?
Theo như tôi được biết, PMNM trong giáo dục ở Việt Nam chưa phát triển được bao nhiêu. Nguyên nhân vì chưa có chính sách chung của Chính phủ về PMNM nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa biết xem cần phải làm gì với PMNM.
Mặc dù tham gia VFOSSA cũng có đại diện của nhiều trường đại học nhưng về cơ bản thì các bậc thầy cũng chưa làm gì nhiều ngoài việc mời các chuyên gia của VFOSSA đến thuyết trình nâng cao nhận thức cho sinh viên về PMNM hoặc khuyến khích sinh viên sử dụng các công cụ nguồn mở miễn phí. Những nội dung quan trọng như triết lý nguồn mở, phương pháp phát triển và các kỹ năng cần thiết để tham gia các dự án nguồn mở, kinh doanh dựa trên nguồn mở… hầu như vắng bóng trong các chương trình đào tạo ngành CNTT tại các đại học.
Còn với giáo dục nói chung, cứ dạy sử dụng sản phẩm của Microsoft thì đó là “mì ăn liền”. Vì thế, phải cho những người thầy có cơ hội được trau dồi kiến thức về PMNM. Để làm được việc đó thì phải có chính sách. Còn nếu không thì tình trạng cứ là mua máy thì có hệ điều hành Windows và bộ Office của Microsoft mà gần như chắc chắn là không có bản quyền. Một khi chưa thực sự có ý thức về bản quyền thì cũng khó nói đến phát triển PMNM trong giáo dục. Để thực sự có ý thức về bản quyền thì phải có giáo dục. Và chỉ như thế thì PMNM mới có đà phát triển trong giáo dục.
Dẫu sao thì cộng đồng PMNM ở Việt Nam cũng đang sống và thậm chí có những phát triển rất tốt. Ông nghĩ gì về hiệu quả hoạt động của cộng đồng?
Cho đến nay, PMNM ở Việt Nam đã có gần 15 năm lịch sử nếu tính từ ngày ra đời các cộng đồng tự phát. Và cộng đồng PMNM ở Việt Nam cũng đã làm được nhiều việc. Riêng với Bộ Thông tin và Truyền thông, cộng đồng đã góp phần tích cực trong việc đưa PMNM có mặt trong nhiều văn bản pháp quy. Các cuộc hội thảo quốc gia về PMNM cùng với các sự kiện PMNM như Ngày hội “Tự do cho phần mềm” (SFD) do cộng đồng Hanoi LUG và sau này là VFOSSA tham gia tổ chức đã góp phần tích cực cho việc nâng cao nhận thức về PMNM với các cơ quan Đảng, các bộ ngành, cơ bản cũng đã biết về giá trị và sự cần thiết của PMNM.
Dẫu có thế nào thì cộng đồng và các DN kinh doanh trên PMNM đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển vì đó là hương đi phù hợp với trào lưu của thế giới. PMNM đã chứng minh những giá trị không thể phủ nhận và có rất nhiều tấm gương thành công. Nếu như Chính phủ có được một chiến lược quốc gia về nguồn mở thì tôi tin chúng ta sẽ có nhiều doanh nghiệp nguồn mở thành công và đất nước sẽ được hưởng lợi.
Những năm gần đây, chúng ta nói nhiều đến công nghệ blockchain. Xin ông cho biết vai trò của PMNM với blockchain?
Thực tế, công nghệ blockchain phát triển được như ngày nay là dựa vào nền tảng PMNM. Các nền tảng phát triển của các Blockchain nổi tiếng nhất thế giới như Bitcoin, Ethereum, HyperLedge Fabric… đều là nguồn mở. Với blockchain, có thể nói nguồn mở là thống trị. Nguyên nhân vì để phát triển blockchain thì phải dựa trên cộng đồng. Và để sản phẩm của công nghệ này được nhiều người sử dụng thì phải là nguồn mở. Giá trị của nguồn mở là tư tưởng chia sẻ chứ không phải bản thân mã nguồn.
Có một vấn đề là an toàn thông tin với nguồn mở. Liệu rằng sản phẩm nguồn mở có an toàn toàn không khi mã nguồn được mở công khai?
PMNM cũng là một phần mềm chẳng khác gì các phần mềm khác ngoài tư tưởng chia sẻ. PMNM cũng được viết bằng các ngôn ngữ lập trình giống như phần mềm nguồn đóng. Mọi phần mềm do con người viết ra nên đều tiềm ẩn lỗi không loại trừ nguồn mở hay nguồn đóng. Tuy nhiên, việc phát hiện lỗ hổng của PMNM sẽ dễ dàng hơn vì mã nguồn công khai nên việc thẩm tra an toàn an ninh có thể được tiến hành rộng rãi, cho nhiều đối tượng sử dụng . Với một lỗi, một con mắt nhìn không ra, trăm con mắt có thể vẫn nhìn không ra nhưng với cả triệu con mắt thì sẽ nhìn ra.
Ngoài ra với nguồn mở thì khả năng vá lỗi ngay sau khi được phát hiện sẽ cao và nhanh chóng hơn rất nhiều so với nguồn đóng. Vì cũng nhờ mã nguồn công khai nên việc vá lỗi cũng tận dụng được sức mạnh của cả cộng đồng cùng tham gia vào việc vá lỗi. Sự cố lỗ hổng an ninh HeartBleed của thư viện nguồn mở OpenSSL phát hiện hơn 4 năm trước và quá trình khắc phục nó trong thời gian kỷ lục là ví dụ điển hình về sức mạnh của cộng đồng trước sự cố an toàn, an ninh của PMNM.
Và trên thực tế với việc bị mã độc tấn công, virus thì về cơ bản là với hệ điều hành Windows của Microsoft chứ với nguồn mở Linux thì có máy nào bị đâu. Tất nhiên, không thể nói rằng Linux là tuyệt đối an toàn với virus/mã độc nhưng Windows có rất nhiều thực tế về an toàn thông tin. Và để vá lỗi thì không ai khác ngoài đội ngũ chuyên gia của Microsoft làm được. Vì thế, sản phẩm nguồn mở an toàn hơn cho người sử dụng vì lý do như vậy. Tuy nhiên, phải là sản phẩm nguồn mở có đông người sử dụng thì mới được như vậy. Còn khi chỉ có ít người sử dụng thì chính những người làm ra nó phải tự hoàn thiện chứ không thể trông chờ ai.
Và cũng phải nói thêm, cộng đồng làm phần mềm nguồn mở ngày nay không còn là những người nghiệp dư, tài tử đam mê mà chủ yếu là người được các doanh nghiệp lớn trả lương. Đó là những người rất giỏi được trả lương xứng đáng để phát triển sản phẩm nguồn mở. Đây là thay đổi rất lớn so với cách đây 20 - 25 năm khi nguồn mở được phát triển và đóng góp phần lớn bởi những người đam mê. Chính các tập đoàn lớn cũng bỏ tiền mua lại những doanh nghiệp nguồn mở mà điển hình như IBM gần đây đã mua lại Red Had với giá lên đến 34 tỷ USD.
Xin cảm ơn ông!