Cán bộ “hoàng hôn nhiệm kỳ” Quảng Nam 
kể chuyện đi Nam Phi “học làm du lịch“

Bất chấp khốn khó về ngân sách, hàng loạt quan chức tỉnh Quảng Nam ở thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” vẫn "được" sang Nam Phi "học tập kinh nghiệm".  Trong 26 người đi "học" kiểu này có ba phu nhân của quan chức, 15 người đã và sắp về hưu, số còn lại hầu như không tái cử vì đã... hết tuổi.
Cán bộ “hoàng hôn nhiệm kỳ” Quảng Nam 
kể chuyện đi Nam Phi “học làm du lịch“

“Có học được gì đâu”

Đoàn do ông Lê Phước Thanh - nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - làm trưởng đoàn.

Ngoài ông Thanh còn có hàng loạt quan chức chủ chốt của tỉnh Quảng Nam đã cuối nhiệm kỳ và không tái cử gồm: ông Trần Kim Hùng - phó chủ tịch HĐND tỉnh, ông Lê Văn Lai - đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Dung - trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy, ông Ngô Văn Hùng - trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy.

Rồi hàng loạt bí thư huyện ủy sắp và đã về hưu như ông Nguyễn Tiến (bí thư huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện Núi Thành), ông Nguyễn Văn Khương (bí thư Huyện ủy Duy Xuyên), ông Nguyễn Thế Tài (bí thư Huyện ủy Bắc Trà My)...

Đáng chú ý, trong danh sách khách mời còn có thiếu tướng Phan Như Thạch (nguyên giám đốc công an tỉnh) cùng vợ và hai người khác cũng là vợ các quan chức.

Trong quyết định 2977/QĐ-UBND cử đoàn cán bộ đi khảo sát, học tập kinh nghiệm do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu ký nêu rõ: “Đi khảo sát các cơ sở du lịch, dịch vụ, thương mại; học tập kinh nghiệm về công tác quy hoạch, xây dựng các đô thị, khu kinh tế, quản lý du lịch, bảo tồn thiên nhiên tại Nam Phi”.

Thời gian chín ngày từ ngày 5-9 đến 13-9-2015.

Khi được hỏi học tập được điều gì sau chuyến công tác, ông Nguyễn Tiến kể rằng thấy ở Nam Phi họ tổ chức du lịch tốt hơn nước mình.

“Họ đưa đến khu rừng mà trên tivi hay đưa về động vật hoang dã đấy! Đến coi được 2 con tê giác, 5-6 con ngựa vằn, mấy con chồn và 6-7 con voi” - ông Tiến nói.

Khi được hỏi có làm việc với lãnh đạo ban quản lý khu bảo tồn này để học hỏi kinh nghiệm gì không, ông Tiến bảo: “Không học được gì. Họ nhốt trên xe, tới nơi rồi thả xuống. Chỉ thấy mấy con tê giác ăn cỏ. Có học được gì đâu!”.

Khi được hỏi đây có phải là hình thức tổ chức du lịch cho các quan chức sắp hưu nghỉ không, ông Tiến thừa nhận: “Thật ra thì cũng có!”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Kim Hùng kể rằng tới Nam Phi rồi vào công viên quốc gia, khu bảo tồn động vật hoang dã và tới mũi Hảo Vọng. Theo ông Hùng, đoàn cán bộ đi Nam Phi này là đoàn “cho một số đồng chí” trong tỉnh ủy đợt trước đại hội mà không tái cử nhiệm kỳ mới, mới được đi.

“Xem họ làm về vấn đề du lịch như thế nào, bảo tồn thiên nhiên như thế nào” - ông Hùng nói.

Trả lời câu hỏi đoàn đi toàn cán bộ không tái cử thì có học hỏi về áp dụng cho tỉnh nhà được gì không, ông Hùng nói: “Đã nói đi cái đoàn ưu đãi cho những người không tái cử nhiệm kỳ mới. Không phải đi học hỏi gì hết”.

Còn ông Bùi Quốc Đinh - chủ tịch HĐND TP Tam Kỳ - cho rằng: “Qua Nam Phi thứ nhất là xem trung tâm hành chính của họ, thứ hai là quy hoạch đô thị, cây xanh môi trường rất là tốt, rồi xem vùng quản lý thiên nhiên các động vật hoang dã. Từng người đi phải có trách nhiệm góp ý lại với địa phương mình.

Bản thân các đồng chí khi đi có trách nhiệm về tham gia với địa phương mình chứ đâu phải anh đi chơi rồi về anh nghỉ. Trong quá trình đi đều quán triệt hết. Còn lớp trẻ thì có thể đợt sau sẽ có cho đi nước ngoài. Tôi thấy đi đợt đó tốt chứ không có vấn đề gì!”.

Mang tiếng lắm!

Dù là người quản lý chủ chốt các vấn đề du lịch của tỉnh nhà, nhưng ông Đinh Hài - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam - không tham gia chuyến “học tập” này. Ông Hài lý giải mình có việc riêng nên không tham gia dù tên ông có trong danh sách.

Khi được hỏi các cán bộ đi “học tập” về có hiến kế cách gì hay ho từ chuyến công tác chưa, ông Hài cười bảo: “Thôi!”. Ông cũng không bình luận thêm gì về chuyến đi.

Tương tự, dù được Tỉnh ủy thuyết phục nhưng ông Nguyễn Sự - nguyên bí thư Thành ủy Hội An - không tham gia chuyến du lịch “hoàng hôn nhiệm kỳ” này. Ông Sự cho rằng ông không muốn đi bởi vì đi để làm gì? “

Đi học hỏi kinh nghiệm làm du lịch, mà làm du lịch ở nhà à? Chẳng giải quyết được vấn đề gì. Có phải tiền của mình đâu mà đi vô đi ra. Tiền của Nhà nước đi mệt lắm. Tôi không ưng, mang tiếng suốt đời” - ông Sự nói.

Cũng theo ông Sự thì việc đi này không phải là học tập, mà phải nói cho đúng, nói thẳng ra là phần ưu ái cho những người về hưu, sắp về hưu. “Việc gì phải nói đi học tập kinh nghiệm?” - ông Sự đặt vấn đề.

“Nhưng phải xác định rõ là tiền của ai đi, kể cả tiền doanh nghiệp thì cũng mang ơn mang nghĩa lắm! Trong khi đó anh em cấp dưới mình muốn đi một chuyến gần gần cũng khó khăn vì không có tiền để đi. Mình thấy áy náy lắm!” - ông Sự nói.

Theo Tuổi trẻ