Cán bộ bị xóa tư cách, quyết định kí khi đương nhiệm có còn hiệu lực?

VietTimes -- ĐBQH Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đặt vấn đề, đối với cán bộ bị kỉ luật sau khi nghỉ hưu, ở góc độ vật chất, chúng ta dễ dàng tước bỏ của họ những phụ cấp hoặc quyền lợi đặc thù của họ. Còn hệ lụy về pháp lí, những quyết định, bằng cấp họ đã kí khi còn đương chức có còn hiệu lực khi họ bị xóa tư cách cán bộ?
 ĐBQH Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) có nhiều ý kiến đóng góp về hình thức xử lí kỉ luật đối với công chức sau khi nghỉ hưu.
ĐBQH Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) có nhiều ý kiến đóng góp về hình thức xử lí kỉ luật đối với công chức sau khi nghỉ hưu.

Việc xử lí hệ quả, hệ lụy khi cán bộ công chức bị giáng chức, cách thức là một trong những vấn đề được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bàn thảo sôi nổi trong ngày làm việc thứ tư, kì họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV khi bàn về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, vừa diễn ra hôm nay (24/10).

Nhiều ĐB đề nghị Luật cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn việc xử lí cán bộ công chức bị giáng chức, cách thức. Theo ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), dự thảo Luật đã có quy định hình thức xử lí là xóa tư cách, chức vụ đã đảm nhiệm, tuy nhiên, quy định này chưa được hợp lí. Trước hết cần khẳng định việc rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử lí kỉ luật cán bộ công chức, viên chức bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ xử lí kỉ luật Đảng với xử lí kỉ luật hành chính của Nhà nước là cần thiết.

Trong đó, việc thống nhất đồng bộ cần được hiểu là sự thống nhất đồng bộ về tính chất và mức độ nghiêm khắc của chế tài xử lí kỉ luật chứ không phải chỉ có chế tài xử lí kỉ luật với tên gọi giống nhau. Theo ĐB, sở dĩ như vậy, vì giữa trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lí cũng có những đặc thù khác nhau.  

Cùng quan điểm với ĐBQH Nguyễn Hồng Vân về việc nên có một chương riêng quy định về điều này trong Luật, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) băn khoăn: “Việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm rất khó giải thích về mặt pháp lí thế nào là tư cách chức vụ, bởi trong các văn bản bổ nhiệm của các chức vụ hiện nay không có chỗ nào dùng từ khái niệm là “tư cách chức vụ”. Thứ hai, quy định hình thức xử lí kỉ luật trên không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ Luật Hình sự và các quy định về xử lí kỉ luật đối với cán bộ công chức, viên chức đương chức”.

Về xử lí kỉ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, việc xử lí kỉ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lí bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày về dự thảo Luật.

Do đó, đề xuất quy định trong Luật nguyên tắc chung trong xử lí kỉ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lí kỉ luật gồm khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lí kỉ luật bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

“Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lí kỉ luật với hệ quả pháp lí tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó đối với từng hình thức xử lí kỉ luật “cảnh cáo”, “khiển trách”, “xóa tư cách” thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo, ví dụ như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng”, ông Định nói.

Về quy định chuyển tiếp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để làm rõ việc áp dụng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước thời điểm Luật có hiệu lực, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và tương thích với quy định về xử lí kỉ luật đảng viên, trong dự thảo Luật đã bổ sung Điều 3 về điều khoản chuyển tiếp trong đó quy định: việc xử lí kỉ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thực hiện theo quy định của Luật này. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước thời điểm 01/7/2020 vẫn có thể bị xử lí theo quy định của Luật này nếu còn thời hiệu.

Người tài thường không đòi hỏi quyền lợi!

Chính sách đối với cán bộ có tài năng cũng được các ĐBQH tập trung thảo luận trong phiên họp sáng nay. Tán thành với quy định người có tài trong hoạt động công vụ, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, nếu quy định được triển khai tốt, đảm bảo theo tinh thần trọng dụng người tài thì sẽ thu hút được nhiều người có tài năng trong bộ máy thực thi công vụ của Nhà nước. Chất lượng thực thi công vụ nhờ đó cũng sẽ được nâng lên.

ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn ĐB tỉnh Ninh Thuận)
ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn ĐB tỉnh Ninh Thuận)

Tuy nhiên, trong thực tế, một số quy định pháp luật chưa đi vào cuộc sống, có quy định pháp luật chỉ được thể hiện trên giấy, không hoặc chậm triển khai. Từ thực tế trên, ĐBQH cho rằng, cần bổ sung quy định cơ chế phát hiện người tài để không bỏ sót cán bộ có tài năng.

“Thực tế cho thấy những người có tài năng thường không hay đòi hỏi quyền lợi cho mình, họ thường chú tâm làm việc, đam mê công việc. Theo tôi để thực hiện đúng bản chất cần bổ sung quy định ngay trong dự thảo Luật cơ chế phát hiện người có tài năng, cơ chế ràng buộc với những người có trách nhiệm thực hiện chính sách trọng dụng người có tài đồng thời cũng cần quy định xử lí trách nhiệm nếu không thực hiện trách nhiệm với người có tài năng”, ĐB Mỹ Hương kiến nghị.